70 năm giải phóng Thủ đô

Tăng tốc tiêm chủng, đảm bảo miễn dịch cộng đồng

Nhật Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tính đến nay, đã có hơn 18 triệu liều vaccine từ các nguồn khác nhau về đến Việt Nam. Trong quý IV/2021, số lượng vaccine sẽ về nhiều và dồn dập, Bộ Y tế yêu cầu các địa phương tăng tốc tiêm chủng để đảm bảo miễn dịch cộng đồng.

Vaccine sẽ về dồn dập
Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, tính đến nay, đã có 18.122.000 liều vaccine từ các nguồn khác nhau về đến Việt Nam, trong đó để tiêm cho đối tượng ưu tiên là các lực lượng tuyến đầu và địa bàn dịch bùng phát như Bắc Giang, Bắc Ninh, TP Hồ Chí Minh, Hà Nội…

Ngoài ra, Bộ Y tế cũng đã có văn bản về dự kiến phân bổ vaccine từ nay đến hết năm 2021 để các địa phương nắm được số lượng, lên phương án tiêm nhằm bảo đảm tiến độ, trong đó cần phải bảo đảm nguồn vaccine để những người đã tiêm mũi 1 khi đến thời hạn, được tiêm mũi 2. Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, dù nhiều địa phương đã được phân bổ vaccine nhưng không đến kho của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương nhận về tiêm cho người dân. Tiến độ tiêm ở nhiều địa phương rất chậm, ảnh hưởng đến tốc độ tiêm chủng của cả nước. Vì vậy, Bộ trưởng yêu cầu các địa phương “cần phải đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng theo nguyên tắc nhanh nhất, sớm nhất, an toàn nhất”.
Tiêm vaccine cho người dân trên địa bàn quận Đống Đa. Ảnh: Thanh Hải
Về công tác tiếp nhận, vận chuyển và bảo quản vaccine thời gian qua được triển khai quyết liệt, các đơn vị của ngành y tế đã phối hợp với quân đội tiến hành khảo sát, xây dựng và lắp đặt 8 kho bảo quản tại 7 Quân khu và Bộ Tư lệnh Thủ đô với công suất bảo quản lên đến 60 triệu liều. Bên cạnh đó, Bộ Y tế cũng đã bàn giao 63 xe đông lạnh cho các quân khu để vận chuyển vaccine đi các địa phương, nhằm bảo đảm kịp thời cho công tác tiêm chủng.

Trong quý IV/2021, số lượng vaccine sẽ về nhiều và dồn dập, Bộ Y tế yêu cầu các địa phương tăng tốc tiêm chủng để đảm bảo miễn dịch cộng đồng. Đặc biệt, ngay từ bây giờ, các đơn vị phải hoàn thiện và phê duyệt ngay các quy trình vận chuyển, bảo quản vaccine, mỗi loại có nhiệt độ bảo quản khác nhau nên cần có những quy định cụ thể.

Đề cập đến vấn đề này, theo Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Vũ Hải Sản, Bộ Quốc phòng đã chỉ đạo các quân khu, quân đoàn và lực lượng quân y phối hợp với các địa bàn trong toàn quốc phối hợp với chính quyền địa phương triển khai thực hiện. Đồng thời quân đội cũng đã huy động và được tập huấn đầy đủ, lực lượng quân đội sẵn sàng trực 24/24, thậm chí có thể điều trực thăng vận chuyển vaccine đến các hải đảo, vùng có địa bàn khó khăn để tiêm chủng cho Nhân dân đúng tiến độ. Bộ Quốc phòng sẽ có kế hoạch vận chuyển ngay khi vaccine về Việt nam”.

Tăng tốc tiêm chủng

Hà Nội đang tiếp tục đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng cho người dân với 715 điểm tiêm cố định và lưu động như các bệnh viện, trường học, nhà văn hóa… đảm bảo giãn cách theo Chỉ thị 17/CT-UBND của TP. Trong những ngày thành phố đang thực hiện giãn cách xã hội nhưng không để ảnh hưởng đến tốc độ tiêm, nhiều địa phương bố trí tiêm cả ca đêm để tạo điều kiện cho người dân đến tiêm chủng.
Theo Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Vũ Cao Cương, hiện thành phố đã tiếp nhận 1.635.500 liều vaccine phòng Covid-19. Cuối tuần qua, Hà Nội tiếp tục được phân bổ thêm 584.884 liều của Bộ Y tế. Tính đến ngày 11/8, Hà Nội đã tiêm được hơn 1 triệu mũi tiêm với trên 12% dân số được tiêm.

Đồng Nai là một trong 8 địa phương bị Bộ Y tế nêu danh tiêm chậm. Giám đốc Sở Y tế Đồng Nai Phan Huy Anh Vũ cho biết, do nguồn nhân lực y tế tỉnh hiện đang tập trung cho công tác phòng chống dịch, dẫn đến thiếu người tổ chức tiêm chủng, đặc biệt tại Biên Hòa. Trong những ngày tới, địa phương sẽ rà soát lại, phối hợp với các đơn vị liên quan tăng tốc tiêm chủng cho người dân.

Còn tại Tây Ninh, ông Tô Thành Tài - Phó Giám đốc CDC tỉnh Tây Ninh giải thích, lực lượng y tế của tỉnh quá mỏng, những ngày đầu thực hiện tiêm chủng còn nhập liệu rất thủ công, chưa có sự đồng bộ giữa ngành y tế và đơn vị viễn thông thực hiện phần mềm tiêm. Khi Tây Ninh có dịch, nhân lực y tế phải tỏa xuống toàn bộ các huyện, thị xã, về tận cơ sở chống dịch, căng sức trên khắp các mặt trận, nên tốc độ tiêm chậm. Những ngày qua, tỉnh đã tăng tốc thực hiện tiêm chủng. Theo tính toán của CDC Tây Ninh, tốc độ tiêm của cả tỉnh hiện nay đạt hơn 11.000 liều/ngày. “Với tốc độ tiêm chủng như hiện nay Tây Ninh sẽ tiêm hết vaccine được Bộ Y tế phân bổ theo đúng thời gian” - ông Tài nói.

Tại buổi làm việc của Bộ Y tế về công tác phòng chống dịch Covid-19 với các tỉnh Đông Nam Bộ như Tây Ninh, Bình Dương, Đồng Nai, Bình Phước, Long An ngày 11/8, một số địa phương đã nêu khó khăn trong công tác chống dịch nói chung, tiêm vaccine nói riêng. Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn đề nghị các tỉnh phải quyết liệt thực hiện chủ động “4 tại chỗ” trong phòng chống dịch, đặc biệt đẩy nhanh thiết lập các trung tâm, khu vực điều trị hồi sức tích cực, chuẩn bị chủ động về oxy. Trong công tác tiêm chủng, các địa phương cần quyết liệt đẩy nhanh tiến độ tiêm, vaccine về đến đâu tiêm ngay và đảm bảo an toàn đến đó, tránh tình trạng tiêm chậm, nhận vaccine chậm nhưng vẫn đề xuất phân bổ thêm vaccine.

Theo Bộ Y tế, trong 2 tuần gần đây, tiến độ tiêm chủng trên cả nước đang được đẩy mạnh, trung bình mỗi ngày tiêm gần 400.000 mũi. Tổng số liều vaccine tiêm từ đầu năm tính đến ngày 11/8 đã tiêm được 11.341.864 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 10.305.762 liều, tiêm mũi 2 là 1.036.102 liều.

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết, đến cuối năm 2021, số lượng vaccine sẽ về nhiều và dồn dập, do vậy công tác chuẩn bị phải luôn sẵn sàng. Để việc vận chuyển, bảo quản (nhanh nhất, bảo đảm tuyệt đối an toàn) đến các địa phương kịp thời, ông Long yêu cầu, kho bảo quản tại các quân khu trong tuần này phải xong, phải được cấp phép, thực hiện cơ chế điều hành quân khu ngay từ lô vaccine sau. Nơi nào khó khăn thì quân đội sẽ huy động phương tiện của quân đội thực hiện. Công tác triển khai phải tổ chức bài bản, công khai tiến độ phân bổ và việc thực hiện tiêm chủng lên cổng thông tin tiêm chủng quốc gia (tiemchungcovid19@moh.gov.vn).

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cũng đề nghị Bộ TT&TT sớm khởi động chiến dịch truyền thông kêu gọi người dân tải app, khai báo đầy đủ, đăng ký tiêm và triển khai cấp giấy chứng nhận tiêm chủng qua phần mềm; quét QR code, nhất là các địa điểm công cộng, trong đó có các điểm tiêm chủng. Kết quả xét nghiệm cũng được liên thông và trả qua phần mềm.
Hà Nội đang tiếp tục đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng cho người dân với 715 điểm tiêm cố định và lưu động như các bệnh viện, trường học, nhà văn hóa… đảm bảo giãn cách theo Chỉ thị 17/CT-UBND của TP. Trong những ngày thành phố đang thực hiện giãn cách xã hội nhưng không để ảnh hưởng đến tốc độ tiêm, nhiều địa phương bố trí tiêm cả ca đêm để tạo điều kiện cho người dân đến tiêm chủng.