Tăng trưởng công nghiệp ghi nhận sự phục hồi

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong 5 tháng đầu năm, công nghiệp tiếp tục tăng trưởng cao, xu hướng tiến tới phục hồi, trở thành động lực và đầu tàu tăng trưởng chung của toàn bộ nền kinh tế.

Tín hiệu khả quan

Các số liệu thống kê cho thấy, tốc độ tăng chỉ số sản xuất (IIP) toàn ngành công nghiệp, chỉ số tiêu thụ, xuất khẩu, tồn kho công nghiệp chế biến đã có sự cải thiện đáng kể. Tốc độ tăng IIP của toàn ngành công nghiệp 5 tháng đầu năm nay đã cao hơn nhiều so với tốc độ tăng của cùng kỳ năm trước (tương ứng tăng 9,2% so với tăng 5,7%). Tăng trưởng IIP của toàn ngành công nghiệp đạt được ở cả 4 ngành cụ thể. Công nghiệp chế biến, chế tạo (là ngành chiếm tỷ trọng lớn nhất và thể hiện đặc tính của nước công nghiệp rõ nhất) đã đạt được tốc độ tăng trưởng cao thứ hai và đóng góp 76,1% vào tốc độ tăng trưởng chung. Trong đó, công nghiệp dệt, da giày, giấy, vật liệu xây dựng, kim loại, điện tử - máy tính, điện thoại, ô tô tăng với tốc độ khá cao, chủ yếu nhờ tiêu thụ tốt hơn. Công nghiệp sản xuất và phân phối điện tăng cao nhất, đóng góp 7,6% vào tốc độ tăng trưởng chung, góp phần đáp ứng nhu cầu cao hơn của sản xuất, tiêu dùng và để đón đầu phục hồi của tăng trưởng kinh tế. Những ngành công nghiệp cấp 2 tăng cao hơn, như xe có động cơ, dệt, da giày, giấy, điện tử - máy tính, đúc, thiết bị điện…
Sản xuất bình nóng lạnh tại Nhà máy Sơn Hà (Cụm công nghiệp thị trấn Phùng, Đan Phượng).     Ảnh: Hoài Nam
Sản xuất bình nóng lạnh tại Nhà máy Sơn Hà (Cụm công nghiệp thị trấn Phùng, Đan Phượng). Ảnh: Hoài Nam
Cùng với việc tăng lên của sản xuất, thì khâu tiêu thụ của công nghiệp chế biến, chế tạo nói riêng và của toàn ngành công nghiệp nói chung đã được cải thiện một bước quan trọng. Tốc độ tăng tiêu thụ cao hơn tốc độ tăng của sản xuất (4 tháng tương ứng tăng 12,8% so với 9,4%), trong đó có một số ngành còn tăng cao hơn, như xe có động cơ, điện tử, máy tính, kim loại, đúc, da giày… Chỉ số tồn kho toàn ngành công nghiệp năm nay thấp hơn cùng thời điểm năm trước (11,5% so với 12,6%), trong đó một số ngành có chỉ số tồn kho thấp hơn, như trang phục, cao su; hoặc còn giảm, như điện tử - máy tính, hóa chất, thiết bị điện, thuốc lá, giường, tủ, bàn, ghế...

Nhiều yếu tố thuận lợi

Tốc độ tăng khá của công nghiệp trong 5 tháng đầu năm do nhiều yếu tố. Có một số yếu tố ở đầu vào. Quý I, vốn đầu tư phát triển toàn xã hội tăng so với cùng kỳ năm trước, đạt tỷ lệ khá so với GDP và tăng ở cả 3 nguồn. Tính chung 5 tháng, nguồn vốn đầu tư từ khu vực Nhà nước so với cùng kỳ năm trước tăng 5,4% và đạt 35,2% kế hoạch năm. Nếu so với kế hoạch năm (35,2%), thì tỷ lệ này cũng đạt khá. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đăng ký tiếp tục tập trung vào công nghiệp chế biến, chế tạo (76%) và vốn thực hiện tiếp tục tăng (7,6%). Chi phí đầu vào tăng thấp, thậm chí có loại còn giảm, khi giá nhập khẩu 3 tháng năm nay giảm (2,61%) so với cùng kỳ năm trước và tính chung giảm trong 5 tháng. Giá nhập khẩu giảm đã tạo điều kiện để lượng nhập khẩu tăng khá để vừa tranh thủ giá giảm, vừa đón cơ hội phục hồi tăng trưởng. Lãi suất vay vốn tiếp tục giảm. Một số khoản nộp ngân sách được hoãn, giảm… Trong khi đó, không chỉ có dấu hiệu tăng cao trở lại của tổng cầu, của tiêu thụ trong nước, mà kim ngạch xuất khẩu cũng đã tăng trở lại. Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của cả nước tăng 8,7%. Điều này vừa là kết quả của tăng trưởng công nghiệp, vừa là nhu cầu nhập khẩu đón đầu hồi phục.

Kết quả của công nghiệp trong 5 tháng đầu năm tuy đạt khá, nhưng đó mới chỉ là tín hiệu. Ngoài việc khắc phục những hạn chế bất cập còn tồn đọng, như hiệu quả và sức cạnh tranh còn thấp, còn phải khắc phục những thách thức tới đây trong điều kiện mở cửa, hội nhập ngày một sâu rộng, với trình độ cao hơn. Các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới, trong đó đáng chú ý là Hiệp định Đối tác chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) đang được kỳ vọng ký kết trong năm 2015, đặc biệt là việc ra đời Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) vào cuối năm nay tuy tạo ra những cơ hội cho sản xuất, xuất khẩu nhưng cũng đặt ra những thách thức lớn. Nếu không nâng cao hiệu quả đầu tư, năng suất lao động, đẩy nhanh tái cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, thì hàng hóa Việt Nam sẽ dễ thua trên “sân nhà”.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần