Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tăng trưởng kinh tế năm 2020: Nhận diện cơ hội, thách thức

Thảo Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - "Dự báo tăng trưởng GDP năm tới có thể khả quan, nhưng muốn đạt được mức cận trên hoàn thành chỉ tiêu của Quốc hội, Chính phủ sẽ phải rất quyết liệt". Đó là nhận định của các chuyên gia nhận định tại Hội thảo khoa học quốc tế “Triển vọng kinh tế Việt Nam giai đoạn 2021 - 2025: Cơ hội và thách thức từ các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới” diễn ra sáng 21/11.

 Trị giá xuất khẩu 10 nhóm hàng lớn nhất 10 tháng năm 2019 so với cùng kỳ năm 2018. Nguồn: Tổng cục Hải quan
Điểm nghẽn kinh tế 2020
Năm 2020, Chính phủ dự kiến mục tiêu GDP tăng khoảng 6,8%, lạm phát dưới 4%; tổng kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 7%; tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội khoảng 33 - 34% GDP... Vì sao phần lớn các chỉ tiêu Quốc hội đặt ra không có sự thay đổi đáng kể so với năm 2019 khi đã có một năm tạo đà 2019 rất thành công?
Không khó để nhìn thấy trước rằng, năm 2019, chúng ta có thể hoàn thành vượt 12 chỉ tiêu kinh tế - xã hội mà Quốc hội đã đề ra. Nếu nhìn vào từng chỉ tiêu thành phần của nền kinh tế, sẽ thấy được sự cải thiện rất rõ rệt. Tiêu biểu như tốc độ tăng năng suất lao động đạt khá (gần 5,9%), giúp duy trì mức tăng năng suất lao động toàn xã hội bình quân giai đoạn 2016 - 2019 đạt 5,8%/năm, vượt mục tiêu kế hoạch 5 năm (5,5%/năm). Không những vậy, lạm phát, chỉ số giá tiêu dùng luôn duy trì ở mức thấp trên dưới 3%. Quy mô kinh tế mở rộng, đạt khoảng 266,5 tỷ USD, bình quân đầu người đạt 2.786 USD (năm 2018 là 2.590 USD).
Tuy vậy, Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia (NCIF), Bộ KH&ĐT nhận định, kinh tế Việt Nam trong trung hạn sẽ đối mặt với nhiều khó khăn, rủi ro và thách thức. Việt Nam tiếp tục chịu tác động tiêu cực do kinh tế toàn cầu giảm tốc khi bảo hộ thương mại và xung đột thương mại gia tăng. Trong nội tại nền kinh tế, các vấn đề mang tính cơ cấu như: Tiến độ thực hiện, giải ngân vốn đầu tư công chậm, khu vực nông nghiệp gặp nhiều khó khăn, cổ phần hóa, thoái vốn DN Nhà nước còn chậm, xử lý nợ xấu ngân hàng còn khó khăn… Công nghiệp hỗ trợ chậm phát triển, tính chất gia công còn lớn.
Các ngành dịch vụ có giá trị gia tăng cao đóng góp còn thấp, chi phí dịch vụ logistic còn cao. Kim ngạch xuất khẩu tăng nhưng hàm lượng nội địa trong xuất khẩu không tăng tương ứng. Các DN trong nước, đặc biệt là DNNVV chưa tham gia nhiều vào chuỗi giá trị toàn cầu. Năng lực đổi mới sáng tạo chưa được cải thiện nhiều và vẫn là điểm nghẽn trong phát triển kinh tế của Việt Nam khi CMCN 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ trên thế giới.
Không thể chủ quan
TS Trần Thị Hồng Minh - Giám đốc NCIF cho biết, nghiên cứu của Trung tâm cho thấy, việc tham gia ký kết và thực hiện các Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới, đặc biệt là Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) sẽ tác động sâu, rộng tới nền kinh tế Việt Nam, không chỉ nằm trong lĩnh vực trao đổi, xuất nhập khẩu mà còn liên quan đến cách thức sản xuất ra hàng hóa để trao đổi. Theo bà Minh, trong khu vực xuất - nhập khẩu năm nay, vai trò của khối DN trong nước áp đảo khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Việc tận dụng các FTA, các thỏa thuận thương mại cũng tạo điều kiện cho sự tăng trưởng.
Tuy vậy, các chuyên gia từ Viện Kinh tế Việt Nam lưu ý, xuất khẩu Việt Nam vào Mỹ tăng cao đột biến, nhưng đang có dấu hiệu chậm lại ở nhiều thị trường chủ chốt khác. Một số chuyên gia đặt câu hỏi: "Có hay không dấu hiệu lẩn tránh thương mại?". Có một hiện tượng là xuất khẩu hàng hóa vào Mỹ tăng mạnh nhưng đi kèm với nhập khẩu từ Trung Quốc, trong khi xuất khẩu đi Trung Quốc lại giảm. Vì thế, các cơ quan quản lý phải theo dõi sát sao về tình hình thị trường, nguồn lực, động lực để có quyết sách đúng đắn cho kinh tế phát triển.
Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam - TS Lê Xuân Sang cho rằng, các ngành chức năng cần củng cố các động lực tăng trưởng từ nội tại. Hai cấu phần được nhắc đến nhiều nhất là nội lực của khu vực kinh tế tư nhân và tổng cầu trong nước. Xuất khẩu hàng hóa có xu hướng chậm lại do tác động của chiến tranh thương mại, nhưng điều này sẽ được bù đắp bởi tiêu dùng trong nước. Đây là một yếu tố được xem là lực đẩy cho kinh tế trong năm tới.
Những ngành sản xuất chủ lực như công nghiệp, chế biến chế tạo có mức tăng trưởng giảm hơn so với năm trước, nên có thể ảnh hưởng tới tăng trưởng của năm sau. 3 vấn đề cốt lõi cần quan tâm trong thời gian tới là: Nâng cao năng lực nội tại của nền kinh tế; đổi mới mô hình tăng trưởng, thúc đẩy gia tăng các động lực tăng trưởng mới; tận dụng hiệu quả các cơ hội từ hội nhập quốc tế, từ xu thế phát triển khoa học công nghệ và cuộc CMCN 4.0.
Trưởng ban Dự báo Kinh tế ngành và DN NCIF Trần Toàn Thắng
Để phát triển đột phá vào năm 2020, kinh tế Việt Nam phải giải quyết được những điểm nghẽn như giải ngân vốn đầu tư công, năng suất, chất lượng cũng như phải "xé" những rào cản trong môi trường kinh doanh để tiếp tục tăng sức cạnh tranh của nền kinh tế… Đặc biệt, đầu tư công là yếu tố phải cải thiện ngay nếu muốn duy trì đà tăng của nền kinh tế.
Giám đốc Trung tâm phân tích và dự báo Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam – TS Nguyễn Thắng