Đầu năm 2024, kinh doanh trực tuyến tại Việt Nam đã có tín hiệu khởi sắc. Mặc dù các chuyên gia kinh tế dự báo doanh số thị trường TMĐT năm 2024 chỉ tăng khoảng 35%, nhưng doanh thu bán lẻ quý 1/2024 trên 5 sàn TMĐT lớn nhất tại Việt Nam: Shopee, Lazada, Tiki, Sendo, Tiktok Shop cán mốc 71,2 nghìn tỷ đồng, tăng trưởng 78,69%, chưa bao gồm doanh thu từ các phiên livestream. Về số lượng sản phẩm, có trên 766,7 triệu sản phẩm đã được giao thành công tới người tiêu dùng trong 3 tháng qua - tăng 83,21% so với cùng kỳ.
Phục hồi niềm tin
Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Đình Lương, tăng trưởng trên do 3 nguyên nhân, gần đây xu hướng chi tiêu của người dân thoải mái hơn so với giai đoạn hậu Covid-19; mua sắm online đang ngày càng trở thành 1 phần không thể thiếu trong thói quen tiêu dùng; bên cạnh đó các nhà phân phối đã có nhiều chương trình kích cầu tiêu dùng nội địa, quảng cáo hơn.
Cũng theo ông Nguyễn Đình Lương, nhu cầu tiêu dùng như chiếc lò xo lâu ngày bị dồn nén, nay được dịp bung ra, tạo nên tăng trưởng 78,69%, một con số cực kỳ ấn tượng trong phát triển kinh tế.
Ngoài doanh số và sản lượng bán, quý I/2024 đã ghi nhận một chỉ số rất tích cực của sàn TMĐT: số lượng nhà bán phát sinh đơn hàng có tốc độ tăng trưởng dương - lần đầu tiên trong nhiều quý trở lại đây. Điều này cho thấy, bên cạnh sự hồi phục của nền kinh tế, doanh nghiệp đang ngày càng có niềm tin vào sự phát triển của thị trường bán lẻ trực tuyến.
Cạnh tranh quyết liệt
Sau nhiều năm tăng trưởng liên tục và tăng trưởng quý I/2024 đã phần nào khẳng định TMĐT sẽ là sân chơi buộc phải tham gia nếu muốn tiếp cận tập khách hàng tiêu dùng khổng lồ.
Tuy nhiên, TMĐT luôn là một thị trường đầy khốc liệt, trông vào sự cạnh tranh trong nhóm 5 “ông lớn” TMĐT: Shopee, Lazada, Tiki, Sendo, Tiktok Shop chúng ta cũng thấy được điều đó. Nhóm “đại gia” này hiện đã chiếm thị phần hơn 50% thị trường bán lẻ trực tuyến, nơi khoảng gần 400 các nhà kinh doanh TMĐT còn lại vẫn đang loay hoay tìm được phát triển.
Với sự phát triển của công nghệ AI, sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt, khi bất kỳ một sản phẩm nào cũng có hàng chục, hàng trăm nhà cung cấp cho người mua. Vì vậy, với số lượng doanh nghiệp tăng lên, chắc chắn cuộc chiến trên nền tảng Ecommerce sẽ ngày càng phức tạp.
Các công ty, người bán hàng không có chiến lược kinh doanh hiệu quả, không đầu tư cho quảng cáo, thuê KOC (người tiêu dùng chủ chốt)... sẽ khó có cơ hội tồn tại dù đây vẫn đang là mảnh đất “màu mỡ”.
Hà Nội, TP Hồ Chí Minh dẫn đầu
Hà Nội và TP Hồ Chí Minh là 2 địa phương có doanh số và sản lượng bán dựa trên địa điểm đặt kho nhiều nhất, với tổng cộng chiếm trên 70% toàn thị trường. Doanh thu TMĐT của Hà Nội tại 5 sàn trên đạt hơn 20.000 tỷ đồng (tăng trưởng khoảng 77%), của TP Hồ Chí Minh trên 14.000 tỷ đồng (tăng trưởng khoảng 65%). Đây hứa hẹn vẫn là những thị trường phát triển mạnh trong thời gian tới.
Trong top 10 khu vực có doanh số cao nhất, Quảng Ninh, Bắc Ninh, Hải Dương và Bình Dương là những tỉnh thành có mức độ tăng trưởng thần tốc so với cùng kỳ 2023. Trên thực tế, đây đều là những thành phố lớn khi Quảng Ninh sở hữu cửa khẩu quốc tế, 3 tỉnh thành còn lại tập trung nhiều khu công nghiệp.
Dự báo, trong quý 2/2024, tổng doanh số trên 5 sàn bán lẻ trực tuyến lớn nhất Việt Nam hiện nay sẽ đạt mức 84,87 nghìn tỷ đồng với 882,12 triệu đơn vị sản phẩm được bán ra; tăng lần lượt 19,2% và 13,57% so với quý 1/2024.
Không chỉ Hà Nội, TP Hồ Chí Mình mà các doanh nghiệp địa phương cũng đã có những bước tiến mạnh mẽ. Tổng doanh thu và sản lượng bán của các địa phương ngoài top 10 đều tăng trưởng trên mức 50%.
Theo nhận định của Metric, TMĐT đã không còn là sân chơi riêng cho các doanh nghiệp tại các đô thị lớn mà đã có xu hướng mở rộng ảnh hưởng sang các tỉnh thành.
Kho hàng đặt tại các tỉnh thành đồng thời giúp rút ngắn thời gian vận chuyển - giao hàng, thúc đẩy tăng trưởng và đáp ứng nhu cầu mua hàng nhanh chóng của người tiêu dùng ở địa phương.
Các chuyên gia của Metric cho rằng, sau 2 năm Nhà nước tổ chức nhiều chương trình và chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phát triển TMĐT, đã thúc đẩy không nhỏ sự chuyển mình của khối kinh doanh trực tuyến tại các địa phương ở mọi cấp độ.
3 ngành hàng đứng đầu về doanh thu và số lượng bán tiếp tục là: Làm đẹp, Nhà cửa - Đời sống và Thời trang nữ. Tuy nhiên, sự tăng trưởng doanh thu đột phá nhất, với mức tăng trưởng hơn 100% là Ngành hàng Điện gia dụng, Điện thoại & Máy tính bảng và Thời trang nam.
Dễ dàng nhận thấy, người tiêu dùng ngày càng tin tưởng và mua những sản phẩm có mức giá lớn trên sàn TMĐT như điện thoại, nồi chiên không dầu, nồi cơm điện,...