Tăng tuổi nghỉ hưu: Hành trình khó "mượt mà"

Theo Chinhphu.vn
Chia sẻ Zalo

Bộ LĐTB&XH vừa đề xuất phương án để việc tăng tuổi nghỉ hưu được vận hành "mượt mà", không gây xáo trộn mạnh, nhưng phương án này cũng đang gây nhiều tranh cãi.

Điều 187 Bộ luật Lao động quy định tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện bình thường là 60 đối với nam và 55 đối với nữ. Tăng tuổi nghỉ hưu là một nội dung lớn đã từng được đặt ra nhiều lần.
Nhiều lần đề nghị, nhưng chưa được thông qua
Chỉ trong vòng 3, 4 năm trở lại đây, vấn đề tăng tuổi nghỉ hưu đã hai lần được trình lên Quốc hội trong lần sửa Bộ luật Lao động năm 2012, Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 nhưng đều không được các đại biểu đồng ý thông qua.
Nay, trong dự thảo tờ trình Chính phủ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Lao động, Bộ LĐTB&XH tiếp tục đề nghị tăng tuổi nghỉ hưu.
Về những căn cứ của đề xuất này, Bộ cho biết, tuổi thọ bình quân của người Việt Nam những năm gần đây đã tăng nhiều so với giai đoạn trước đây và khoảng cách giữa tuổi thọ bình quân với tuổi nghỉ hưu bình quân là rất dài nên thực tiễn nhiều người nghỉ hưu vẫn tiếp tục tham gia lao động, có nhu cầu làm việc thêm, và họ vẫn có đủ sức khỏe tham gia lao động tiếp.
Đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu luôn gây tranh cãi. Ảnh minh họa
Bên cạnh đó, Bộ cho rằng dân số nước ta đang chuyển từ thời kỳ dân số vàng sang giai đoạn già hóa dân số, trong tương lai lực lượng lao động trẻ sẽ thiếu hụt. Nếu cứ giữ tuổi nghỉ hưu như hiện tại thì quỹ hưu trí, tử tuất không đảm bảo trong dài hạn.
Việc tăng tuổi nghỉ hưu cũng nhằm bảo đảm sự không phân biệt đối xử về tuổi nghỉ hưu giữa lao động nam và lao động nữ để phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế như Công ước Cedaw, công ước của ILO... Đồng thời, tận dụng được nguồn nhân lực động có trình độ, kỹ thuật cao và có kinh nghiệm.
Bộ cũng cho biết, kinh nghiệm của nhiều nước trên thế giới đã và đang điều chỉnh tăng tuổi hưu, có nước lên tới 67 tuổi.
Do còn nhiều ý kiến khác nhau về vấn đề này nên dự thảo Luật hiện đang thể hiện 2 phương án tại Điều 187 để xin ý kiến: Phương án 1: giữ như hiện hành nam là 60 tuổi và nữ là 55 tuổi. Phương án 2: tăng tuổi nghỉ hưu của nam lên 62 và nữ lên 60, tăng theo lộ trình mỗi năm tăng 3 tháng để đảm bảo việc tăng tuổi nghỉ hưu được vận hành "mượt mà", không gây xáo trộn mạnh đến việc bố trí và sử dụng lao động.
Ý kiến ủng hộ
Nguyên Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Phạm Minh Huân phân tích, việc điều chỉnh tuổi nghỉ hưu là thực sự cần thiết để tận dụng lực lượng lao động vì trên thực tế có nhiều phụ nữ 55 tuổi hay nam giới 60 tuổi vẫn còn sức khỏe muốn tiếp tục làm việc và cống hiến.
Một lý do quan trọng nữa là để cân bằng quỹ BHXH. Theo thống kê của Bộ LĐTB&XH, số người đóng BHXH cho một người hưởng ngày càng ít đi. Năm 1996 có 217 người đóng BHXH, có một người hưởng lương hưu. Năm 2000, số người đóng giảm xuống còn 34, năm 2009 còn 11 người và hiện nay cứ 9 người đóng thì có một người hưởng lương hưu…
Ông Nguyễn Duy Cường, Phó Vụ trưởng Vụ BHXH (Bộ LĐTB&XH) cho biết, đứng trước nguy cơ mất cân đối quỹ hưu trí với nhiều cảnh báo từ các nghiên cứu của các tổ chức quốc tế, các chính sách trong Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 đã được cải cách rất nhiều.
Thế nhưng trong thực tế triển khai Luật BHXH (được thông qua năm 2014 và đến năm 2016 mới bắt đầu có hiệu lực), việc thực hiện những chính sách mới để tăng mức đóng vào quỹ BHXH đang bị chậm lại. Việc tăng mức đóng BHXH mặc dù đã có lộ trình tăng dần nhưng vẫn gặp nhiều sức ép do khó khăn của các doanh nghiệp Việt Nam. 

Một trong những phương án tăng thu BHXH nhanh nhất là tăng tuổi nghỉ hưu lại tiếp tục được xem xét. Nhưng đây cũng lại luôn là quyết định khó khăn hơn cả. Mặc dù đã đến lúc kết thúc quá trình “đóng ngắn, hưởng dài” vì một tương lai xa hơn nhưng sẽ rất khó khi “tăng thời gian đóng, giảm thời gian hưởng” của người lao động.
Cần tính toán rất cụ thể
Tuy nhiên, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam lại cho rằng, không có quốc gia nào điều chỉnh tăng tuổi hưu khi đang ở thời kỳ cơ cấu dân số vàng và tỉ lệ thất nghiệp của lao động trẻ còn cao.
Ông Mai Đức Chính - Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phân tích: “Tăng tuổi hưu sẽ tăng sức ép về việc làm. Do đó, khi đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu cần phải xem xét yếu tố về sức khỏe, điều kiện môi trường làm việc của người lao động, nhất là lao động nữ.
Đối với khu vực doanh nghiệp sản xuất như dệt may, da giày, cao su, xây dựng... hiện nay khó có thể làm việc cho đến khi đủ tuổi nghỉ hưu như đề xuất. Thậm chí nhiều doanh nghiệp khu công nghiệp chỉ muốn nhận lao động trẻ dưới 30 tuổi. Bên cạnh đó, nếu tăng tuổi hưu sẽ làm tăng sức ép về việc làm, giảm cơ hội phát triển đối với lao động trẻ”.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi lại cho rằng đây là bài toán phải tính rất cụ thể. Ông Lợi phân tích, phương án 1 mà Bộ đề xuất giữ lại như Bộ luật hiện hành, vẫn giải quyết được vấn đề những người có năng lực, trình độ chuyên môn tiếp tục làm việc, cống hiến chất xám; đồng thời sử dụng được nguồn nhân lực và giải quyết được vấn đề thất nghiệp, thiếu việc làm của một lực lượng lao động hiện nay.
Đánh giá phương án thứ 2 cũng là một phương án tốt nhưng cần phải tính lộ trình, ông Lợi tính toán phải sau năm 2020 mới bắt đầu nghĩ đến việc nâng tuổi lao động, để đến năm 2030, nâng tuổi nghỉ hưu của nam lên 62, nữ lên 58, tiếp đến năm 2037 thì nam là 65, nữ là 60. Đến lúc đó, dân số Việt Nam bắt đầu bước vào thời kỳ già hóa, thiếu lực lượng lao động, việc điều chỉnh này sẽ giúp cung lao động đáp ứng được nhu cầu sử dụng.
Hiện, Bộ LĐTB&XH vẫn đang tiếp tục lấy ý kiến về dự thảo. Dự kiến cuối tháng 12, Bộ sẽ tổng hợp và hoàn thiện lựa chọn phương án chuyển sang Bộ Tư pháp thẩm định, sau đó trình Chính phủ xem xét và trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ ba (khoảng tháng 5/2017), sau khi Quốc hội cho ý kiến sẽ tiếp tục hoàn thiện và trình Quốc hội thông qua (dự kiến vào cuối năm 2017).

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần