Tăng tuổi nghỉ hưu: Lao động trẻ bị tác động

Oanh Trần
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tuổi nghỉ hưu tăng sẽ tác động đến cơ hội việc làm của lao động trẻ. Tuy nhiên, nếu người lao động (NLĐ) biết nắm bắt nhu cầu thực tế, trang bị những kỹ năng cần thiết thì sẽ có công việc tốt và khẳng định được năng lực của bản thân.

 Thành phố Hà Nội tổ chức nhiều phiên giao dịch việc làm để tạo điều kiện cho người lao động có công việc, ổn định cuộc sống. Ảnh: Oanh Trần
Cung việc làm ít hơn cầu lao động
Kể từ ngày 1/1/2021, tuổi nghỉ hưu của NLĐ chính thức được điều chỉnh theo hướng tăng dần. Theo đó, lao động trong điều kiện làm việc bình thường là đủ 60 tuổi 3 tháng đối với nam và đủ 55 tuổi 4 tháng đối với nữ. Sau đó, mỗi năm tăng thêm 3 tháng đối với lao động nam cho đến khi đủ 62 tuổi (năm 2028) và 4 tháng đối với lao động nữ cho đến khi đủ 60 tuổi (năm 2035). Với quy định này, không ít lao động trẻ tỏ ra lo lắng, cho rằng, cơ hội tìm việc sẽ bị giảm đi. Nhất là trong thời điểm dịch bệnh Covid-19 diễn biến khó lường ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhiều DN phải cắt giảm nhân sự, cho lao động ngừng việc.

Quá sốt ruột với công việc, không ít học sinh, sinh viên đã tìm đến các phiên giao dịch việc làm để tìm hiểu thông tin việc làm, yêu cầu của DN tuyển dụng. Nguyễn Huyền Trang, sinh viên năm thứ ba, Khoa Quản trị nhân lực, trường Đại học Nội vụ Hà Nội, vào ngày nghỉ cuối tuần đã tranh thủ đến phiên giao dịch việc làm lưu động quận Tây Hồ. “Chỉ còn hơn 1 năm nữa là em tốt nghiệp. Em đến đây để tìm hiểu các công ty tuyển dụng yêu cầu gì ở NLĐ, khi thấy mình còn yếu kỹ năng nào sẽ trang bị thêm. Thật sự em rất lo khi tăng tuổi nghỉ hưu vì cơ hội việc làm bị thu hẹp. Những NLĐ nhiều tuổi có kinh nghiệm lâu năm sẽ là đối thủ nặng ký của chúng em” - Nguyễn Huyền Trang chia sẻ.

Đẩy mạnh hỗ trợ khởi nghiệp

Theo sát thị trường lao động, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội Vũ Quang Thành nêu quan điểm: Khi nâng tuổi nghỉ hưu, cơ hội việc làm của NLĐ không bị giảm đi nhiều, bởi trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, các địa phương đều có nghiên cứu rất kỹ về tạo việc làm cho NLĐ. Việc tăng - giảm nhu cầu lao động, vị trí việc làm sẽ theo từng giai đoạn, chứ không hẳn tăng tuổi nghỉ hưu dẫn đến giảm cơ hội tìm việc của người trẻ. Thực ra, cơ hội việc làm rất nhiều, điều quan trọng là NLĐ phải đáp ứng được kiến thức, kỹ năng từng vị trí.

Với cái nhìn lạc quan, PGS.TS Mạc Văn Tiến - Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục nghề nghiệp và quản lý kinh tế cho rằng, về lâu dài, nâng tuổi nghỉ hưu không ảnh hưởng nhiều đến NLĐ trẻ, vì mỗi năm chỉ kéo dài thêm 3 - 4 tháng. “Chỉ một bộ phận nào đó sẽ mất cơ hội việc làm khi tăng tuổi nghỉ hưu. Nâng tuổi nghỉ hưu mới chỉ là một yếu tố tác động, bởi còn phụ thuộc năng suất lao động, công nghệ, sự phát triển DN” – PGS.TS Mạc Văn Tiến nhấn mạnh.

Để tạo cơ hội việc làm nhiều hơn cho NLĐ, những năm gần đây, trong các trường THPT, trung cấp, cao đẳng, đại học đã chú trọng trang bị kiến thức khởi nghiệp cho người học. Thực tế, đã có không ít mô hình khởi nghiệp của các bạn trẻ bước đầu mang đến thành công, tạo việc làm cho mình và nhiều người khác. Nhiều chuyên gia lao động cho rằng, cần giải bài toán đặt ra đối với những người trẻ chưa vào được thị trường lao động là gói hỗ trợ khởi nghiệp. “Nếu có chương trình hỗ trợ khởi nghiệp, NLĐ trẻ sẽ thành lập DN, phát triển kinh tế hộ gia đình, mô hình trang trại. Nhà nước nên đẩy mạnh gói hỗ trợ này để tạo ra thị trường lao động tích cực hơn và giải quyết được tác động của dịch Covid-19 ảnh hưởng đến việc làm của NLĐ” – TS Nguyễn Hữu Dũng – nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Lao động – Xã hội, Bộ LĐTB&XH gợi ý.

Về phía các địa phương như Hà Nội hiện nay đang thực hiện phân luồng học sinh tốt nghiệp THCS đi học nghề theo mô hình 9+ để có kỹ năng đáp ứng nhu cầu công việc. “Khi lựa chọn mô hình này, học sinh được tiếp cận thị trường lao động sớm hơn, cơ hội việc làm tốt hơn. Người học mô hình 9+ lại được Nhà nước hỗ trợ học phí trong thời gian học trung cấp, đồng thời vẫn có đầy đủ các cơ hội học liên thông lên trình độ cao hơn...” - Hiệu trưởng trường Trung cấp nghề Tổng hợp Hà Nội Khuất Huy Bằng cho hay.

Với làn sóng của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang phát triển mạnh mẽ, các chủ sử dụng lao động khuyên những người trẻ nên chọn học nghề thị trường đang cần và trang bị kỹ năng. Và một điều quan trọng là lao động trẻ phải chăm chỉ. Bởi dù có tư duy giỏi, kỹ năng thành thạo đến đâu nhưng không chăm chỉ và tâm huyết với công việc thì rất khó mang đến thành công.
Theo các chuyên gia lao động, trong giai đoạn từ năm 2016 – 2019, tốc độ tăng trưởng việc làm cân bằng với tốc độ tăng trưởng của lực lượng lao động. Tức là mỗi năm cả nước có 400.000 người trẻ bước vào thị trường lao động thì khoảng gần 400.000 người về nghỉ hưu; như thế lao động trẻ có đủ việc làm. Nhưng trong năm 2020, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, tỷ lệ tăng trưởng việc làm thấp hơn lực lượng gia nhập thị trường lao động. Trong khi đó, từ ngày 1/1/2021, Bộ luật Lao động quy định kéo dài thêm tuổi lao động dẫn đến số việc làm giảm đi, áp lực tìm việc gia tăng. Như thế cơ hội của lao động trẻ tìm kiếm việc làm sẽ gặp khó khăn hơn.