Tăng tỷ lệ chung cư trong các dự án nhà ở

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Theo Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn 2030 vừa được Chính phủ phê duyệt, mỗi năm cả nước xây mới khoảng 100 triệu m2 sàn nhà ở, trong đó tối thiểu khoảng 20% diện tích sàn trong các dự án nhà ở đô thị được dành cho người thuộc diện chính sách, người có thu nhập thấp và người nghèo.

Mục tiêu đặt ra của Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia là đến năm 2015 sẽ xây dựng tối thiểu 10 triệu m2 nhà xã hội tại đô thị để giải quyết cho người thu nhập thấp và sinh viên đại học. Đến năm 2020, diện tích nhà ở bình quân toàn quốc đạt 25m2 sàn/người, diện tích nhà ở tối thiểu 8m2 sàn mỗi người. Đến năm 2030, bình quân nhà ở đạt 30m2 sàn/người, diện tích ở tối thiểu 12m2 sàn mỗi người. Chương trình nhà ở xã hội tại các đô thị và hỗ trợ hộ nghèo tại nông thôn cũng tiếp tục được triển khai trong những năm tới.
 

Từ nay đến năm 2015, nhà chung cư sẽ chiếm 80% trong các dự án nhà ở tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Trong đó, nhà cho thuê sẽ được chú trọng phát triển với nhiều ưu đãi để chiếm 20% tổng số căn hộ. Mục tiêu này được xác định đến năm 2020 với tỷ lệ nhà ở chung cư tại các dự án phát triển nhà ở tại các đô thị đặc biệt đạt trên 90%, đô thị từ loại I đến loại II đạt trên 60%. Với đô thị loại III, tỷ lệ chung cư phải đạt trên 40% và tỷ lệ nhà cho thuê đạt tối thiểu 30% tổng quỹ nhà ở. Theo Bộ Xây dựng, cơ cấu nhà ở tại khu vực đô thị hiện chưa hợp lý, tâm lý muốn sở hữu nhà ở, muốn ở nhà thấp tầng gắn với đất còn phổ biến. Vì vậy, tỷ trọng nhà ở chung cư chỉ chiếm 1,23% tổng số nhà ở cả nước. Hà Nội là địa phương có tỷ lệ nhà chung cư cao nhất nước đạt 16%, trong khi đó TP. HCM mới 6%; tỷ lệ số hộ dân đi thuê nhà để ở tại khu vực đô thị mới đạt 14%, thấp hơn nhiều so với số hộ sở hữu nhà ở.

Để xây dựng quỹ nhà xã hội, Nhà nước sẽ đầu tư xây chung cư cho thuê, thuê mua bằng ngân sách, đồng thời ban hành các cơ chế chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư xây nhà cho thuê, nhà thu nhập thấp. Nhà nước cũng sẽ đầu tư xây nhà công vụ để bố trí cho các cán bộ được điều động và hỗ trợ về tài chính thông qua các Quỹ tiết kiệm nhà ở, Quỹ phát triển nhà ở để giúp cán bộ, công chức cải thiện nhà ở. Công nhân khu công nghiệp được thuê nhà từ quỹ nhà do Nhà nước đầu tư hoặc do doanh nghiệp sử dụng lao động, các tổ chức, cá nhân xây dựng…

Thực hiện các chỉ tiêu đặt ra, Chính phủ đã đưa ra nhiều giải pháp về đất đai như sửa đổi, bổ sung nội dung về giải phóng mặt bằng, lập, thẩm định và phê duyệt quy hoạch, cơ chế tạo quỹ đất sạch... Quy hoạch trong đô thị phải xác định diện tích đất cho từng loại nhà ở như nhà xã hội, cho người thu nhập thấp, nhà ở thương mại.  Chiến lược cũng đưa ra mục tiêu cải cách chế độ tiền lương, bảo đảm có tiền nhà trong cơ cấu tiền lương với tỉ lệ hợp lý để người làm công hưởng lương, đặc biệt là người hưởng lương từ ngân sách Nhà nước có khả năng tạo lập nhà ở. Đồng thời, nghiên cứu quy định trách nhiệm người sử dụng lao động cùng chăm lo nhà ở với người lao động, nhất là các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động.

8 nhóm đối tượng được hưởng cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển của Nhà nước khi gặp khó khăn về nhà ở nhưng không đủ khả năng thanh toán theo cơ chế thị trường: Người có công với cách mạng; Hộ nghèo khu vực nông thôn; Người thu nhập thấp tại khu vực đô thị; Cán bộ, công chức, viên chức, nhân sỹ, trí thức, văn nghệ sỹ; Sỹ quan, quân nhân chuyên nghiệp; Công nhân lao động tại các khu công nghiệp; Sinh viên; Đối tượng chính sách xã hội đặc biệt khó khăn (người tàn tật, người già cô đơn, người nhiễm chất độc da cam…).

 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần