95 năm ngày thành lập đảng

Sau 1 năm thực hiện Nghị quyết số 08/NQ-HĐND TP Hà Nội:

Tạo bước đột phá để phát triển nông nghiệp bền vững

Ánh Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Với sự nỗ lực của Sở NN&PTNT và UBND các huyện, thị xã, việc triển khai một số cơ chế chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp theo Nghị quyết số 08/NQ-HĐND ngày 4/7/2024 của HĐND TP Hà Nội (Nghị quyết 08) đã đạt được những kết quả bước đầu đáng khích lệ.

Đòn bẩy phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung, quy mô lớn 

Nổi bật nhất là chính sách cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp theo Nghị quyết 08. Đến nay, tỷ lệ diện tích cấy máy toàn TP tăng trung bình 15%; trong đó một số huyện tỷ lệ tăng cao như Mỹ Đức (19%), Phú Xuyên (10%), Mê Linh (8 %).

Ứng dụng mạ khay máy cấy trong gieo cấy lúa tại xã Nam Phong (huyện Phú Xuyên). Ảnh: Thu Phượng
Ứng dụng mạ khay máy cấy trong gieo cấy lúa tại xã Nam Phong (huyện Phú Xuyên). Ảnh: Thu Phượng

Theo báo cáo đánh giá của Sở NN&PTNT Hà Nội chính sách khuyến khích đưa cơ giới hóa sản xuất mạ khay, cấy máy là một bước tiến trong chuyển giao tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất nông nghiệp. Qua đó, giúp người dân thay đổi tập quán sản xuất lúa nhỏ lẻ, giải phóng sức lao động, tạo điều kiện để sản xuất lúa hàng hóa tập trung với quy mô lớn, góp phần giảm chi phí và mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Thực tế triển khai trên địa bàn TP cho thấy, chi phí cấy lúa bằng máy từ 330.000 - 360.000 đồng/sào (tương đương khoảng 9 triệu - 10 triệu đồng/ha); cấy thủ công, chi phí từ 400.000 - 500.000 đồng/sào/ngày (tương đương khoảng 11 triệu - 13 triệu đồng/ha). Máy cấy đạt công suất 1,5 - 2,5 ha/ngày, gấp khoảng 30 - 50 lần so với lao động cấy thủ công. Năng suất thực tế tại các điểm cấy máy năm 2024 cao hơn từ 8-10%; cho hiệu quả kinh tế 840.000 đồng/sào (23,5 triệu đồng/ha), cao hơn so với phương pháp cấy lúa truyền thống 240.000 đồng/sào (tương đương 6,7 triệu đồng/ha).

Bên cạnh đó, việc áp dụng cấy lúa bằng máy và phun thuốc BVTV bằng thiết bị bay không người lái giúp giảm thiểu tối đa sức lao động cho con người, góp phần tháo gỡ khó khăn việc thiếu lao động lúc mùa vụ tại nhiều địa phương.

Mô hình nuôi trồng thuỷ sản của Hợp tác xã Thuỷ sản công nghệ cao Đại Áng (huyện Thanh Trì). Ảnh: Lâm Nguyễn
Mô hình nuôi trồng thuỷ sản của Hợp tác xã Thuỷ sản công nghệ cao Đại Áng (huyện Thanh Trì). Ảnh: Lâm Nguyễn

Với việc áp dụng hai phương pháp trên, người nông dân được tiếp cận với khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp, dần thay đổi tập quán sản xuất nhỏ lẻ, làm cơ sở để hình thành những cánh đồng lúa diện tích lớn, tiến tới sản xuất quy mô hàng hoá trên địa bàn TP.

Đồng thời việc áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất giúp cây lúa khỏe hơn do cấy nông, mật độ cây lúa đồng đều nên phát huy được hiệu ứng hàng biên, ruộng lúa thông thoáng ít sâu bệnh, giảm sử dụng thuốc bảo vệ thực vật góp phần bảo vệ môi trường.

Thực hiện chính sách bảo vệ môi trường theo Nghị quyết 08, hầu hết các địa phương có sản xuất nông nghiệp trên địa bàn TP đã nâng cao hiệu quả bảo vệ môi trường, hạn chế dịch bệnh trong sản xuất trồng trọt, chăn nuôi và thuỷ sản. Nhiều cơ sở chăn nuôi và nuôi trồng thuỷ sản đã được hỗ trợ cải thiện môi trường. Các vùng sản xuất tập trung được thu gom vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật theo đúng quy định.

Nông dân đã tích cực sử dụng chế phẩm vi sinh để xử lý rơm rạ, phụ phẩm cây trồng thành phân bón hữu cơ cải tạo đất, giúp tăng độ phì nhiêu cho đất, hạn chế các mầm bệnh còn tồn dư trên phụ phẩm, hạn chế lây lan sâu bệnh.

Ngoài ra, chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi tiếp tục được triển khai đúng định hướng, diện tích sản xuất cây trồng giống mới, chất lượng cao tiếp tục được mở rộng. Bước đầu, một số cơ sở đã đẩy mạnh chuyển đổi số trong sản xuất nông nghiệp.

Các huyện, thị xã cần tích cực bố trí kinh phí thực hiện chính sách

Đánh giá về một số khó khăn, vướng mắc khi triển khai thực hiện, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường cho hay: năm 2024 là năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết 08 nên người dân còn tâm lý chưa sẵn sàng tiếp cận cơ chế chính sách hỗ trợ với phương thức sản xuất mới (cấy máy, phun thuốc bằng máy bay).

Thiết bị máy bay không người lái phun thuốc bảo vệ thực vật tại huyện Đông Anh (Hà Nội). Ảnh: Thu Phượng
Thiết bị máy bay không người lái phun thuốc bảo vệ thực vật tại huyện Đông Anh (Hà Nội). Ảnh: Thu Phượng

Trong khi đó, việc bố trí kinh phí để thực hiện các chính sách về sản xuất nông nghiệp của các huyện, thị xã còn hạn chế, thậm chí một số huyện không bố trí. Đáng nói, một số địa phương có tâm lý ngại thực hiện các nội dung mới, khó, chưa chủ động nghiên cứu các quy định, chưa linh hoạt trong triển khai thực hiện.

Ngoài ra, một số chính sách chưa triển khai được do còn chậm trong công tác xây dựng kế hoạch hoặc do người dân còn tâm lý e ngại nên chưa đăng ký tham gia thực hiện, như: Chính sách khuyến khích sản xuất giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản; Chính sách khuyến khích xây dựng cơ sở sơ chế, chế biến, bảo quản giống, bảo quản nông sản; Chính sách hỗ trợ cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung; Chính sách hỗ trợ khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; Chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; Chính sách hỗ trợ cấp mã số vùng trồng; Chính sách hỗ trợ xây dựng mô hình điểm phát triển nông nghiệp sinh thái kết hợp du lịch, trải nghiệm.

Do đó, Sở NN&PTNT đề nghị UBND TP tiếp tục chỉ đạo UBND các huyện, thị xã bố trí kinh phí để thực hiện các chính sách về tập huấn kỹ thuật sản xuất, nghiệp vụ quản lý, năng lực quản lý hợp đồng, quản lý chuỗi và phát triển thị trường; chuyển đổi cơ cấu cây trồng, thủy sản tại vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh tập trung; hỗ trợ khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp theo quy định tại Nghị quyết 08.

“Năm 2025, Hà Nội sẽ phát triển nền nông nghiệp Thủ đô theo hướng hiện đại, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, kinh tế tuần hoàn gắn với phát triển công nghiệp chế biến nông sản, thích ứng với biến đổi khí hậu và kết nối bền vững với chuỗi giá trị nông sản toàn cầu. Hà Nội cũng phát triển mạnh nông nghiệp xanh, sinh thái thông minh, gắn với phát triển đô thị, dịch vụ, du lịch nông thôn, giáo dục trải nghiệm. Vì vậy, việc các huyện, thị xã tích cực thực hiện chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp theo Nghị quyết 08 có vai trò, ý nghĩa rất quan trọng” – Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Xuân Đại nhấn mạnh.