Tạo chuyển biến lớn trong qui hoạch, cải cách hành chính

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Ngày 3/10, Hội nghị lần thứ 6, Ban Chấp hành (BCH) Đảng bộ TP đã khai mạc dưới sự chủ trì của Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị cùng các đồng chí trong Thường trực Thành ủy.

* Quyết nghị 4 Chương trình lớn giai đoạn 2011 - 2015

Trong hơn hai ngày làm việc (từ 3 đến 5/10), Hội nghị sẽ xem xét báo cáo tổng kết thực hiện Nghị quyết 15 của Bộ Chính trị (khóa VIII) "về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội trong thời kỳ 2001 - 2010"; Xem xét, thông qua 4 Chương trình công tác lớn của Thành ủy, gồm: Đẩy mạnh công tác qui hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị; Đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao trách nhiệm và chất lượng phục vụ của đội ngũ cán bộ công chức;  Đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí; Phát triển văn hóa - xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh.

Đào tạo 1.000 công chức nguồn cho cơ sở

Phấn đấu đến năm 2015, 100% các TTHC được thực hiện thông qua cơ chế một cửa, một cửa liên thông; triển khai giải quyết TTHC trên hệ thống phần mềm ở tất cả các sở, ngành, địa phương. Đào tạo 1.000 công chức nguồn cho cơ sở (mỗi xã, phường, thị trấn có ít nhất 1 công chức nguồn); 100% cán bộ, công chức đáp ứng đủ điều kiện, tiêu chuẩn theo chức danh; 100% các sở, ngành, các cơ quan  hành chính cấp huyện, xã triển khai xây dựng và tổ chức thực hiện áp dụng hệ thống ISO trong quản lý hành chính Nhà nước theo mô hình, qui trình thống nhất.

(Chương trình Đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao trách nhiệm và chất lượng phục vụ của đội ngũ cán bộ công chức)

 

Ngày làm việc đầu tiên, BCH Đảng bộ TP đã xem xét, thảo luận hai dự thảo chương trình công tác quan trọng là "Đẩy mạnh công tác qui hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị" và "Đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao trách nhiệm và chất lượng phục vụ của đội ngũ cán bộ công chức".

Thực hiện đúng theo Qui hoạch mới

Nhấn mạnh tinh thần chỉ đạo chung trong thực hiện các dự án trên địa bàn Thủ đô, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Thảo khẳng định, tất cả các dự án (kể cả cũ hay mới) đều phải tuân thủ hoàn toàn theo Qui hoạch chung của Thành phố vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Phát biểu tại phiên khai mạc, Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị nhấn mạnh, 9 tháng qua, mặc dù phải giải quyết nhiều khó khăn về kinh tế - xã hội, trật tự an ninh, song với tinh thần đoàn kết, quyết tâm, thành phố đã đạt kết quả quan trọng trong việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị. Kinh tế tiếp tục duy trì tăng trưởng khá. GDP ước tăng 9,4% so với cùng kỳ năm 2010. Thu ngân sách ước đạt trên 87,38 ngàn tỉ đồng. Thành phố đã tập trung chỉ đạo thực hiện đồng bộ hiệu quả các giải pháp kiềm chế lạm phát, nhờ vậy, chỉ số giá tiêu dùng giảm từ 3,8% trong tháng 4 xuống còn 0,2% trong tháng 9 (thấp hơn mức 0,88 của TP. HCM). Tuy nhiên, theo Bí thư, những tháng cuối năm được dự báo là còn nhiều khó khăn, đòi hỏi các cấp, các ngành của thành phố phải quyết tâm, nỗ lực cao hơn, mới hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ cả năm 2011.

 

Theo đó, những dự án trước kia đã được qui hoạch cũng phải dựa trên cơ sở căn cứ Qui hoạch chung của thành phố để đối chiếu, rà soát, dự án nào phù hợp qui hoạch thì tiếp tục triển khai và ngược lại. Về các dự án xây dựng trường học, Chủ tịch cho biết, đây là chủ trương của lãnh đạo thành phố và đã được đưa vào Nghị quyết của HĐND TP, do vậy, các quận, huyện phải cố gắng triển khai thực hiện. Đối với những trường hợp đặc biệt, thành phố chỉ đạo giải quyết theo cơ chế đặc thù.

Về ý kiến giải pháp huy động nguồn lực làm qui hoạch, theo Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Thảo, phấn đấu đến năm 2015 Hà Nội phủ kín qui hoạch (qui hoạch vùng, qui hoạch phân khu, qui hoạch chi tiết), nhưng để làm được việc này cần sự nỗ lực, cố gắng rất lớn. Thừa nhận đội ngũ chuyên gia qui hoạch hiện nay còn thiếu, Chủ tịch cho rằng, nếu cần thiết sẽ huy động các chuyên gia ở các viện qui hoạch của Trung ương, bộ, ngành và các đơn vị tư vấn… Thậm chí có thể thuê chuyên gia nước ngoài, tuy nhiên việc thuê đó chỉ khi nào thực sự cần thiết. Để làm được việc này, sắp tới thành phố xây dựng cơ chế, chính sách với các giải pháp. Ngoài ra, tiếp tục tăng cường phân cấp cho các quận, huyện, thậm chí cả cấp phường, trên cơ sở tổng kết, đánh giá rút kinh nghiệm về hiệu quả phân cấp thời gian qua. Một nguyên tắc trong phân cấp là phải phù hợp, thống nhất quản lý Nhà nước, phù hợp với năng lực chuyên môn quản lý đô thị, gắn phân cấp với tăng cường bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ quận, huyện, phường, xã. Cũng theo Chủ tịch, việc phân cấp sắp tới gắn với tăng cường kiểm tra, nâng cao trách nhiệm quản lý nhà nước, trách nhiệm cộng đồng.

Gỡ "vướng" ngay từ các cơ quan công quyền

Là một trong 9 Chương trình lớn của Thành ủy, chương trình "Đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao trách nhiệm và chất lượng phục vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức giai đoạn 2011 - 2015" khẳng định quyết tâm của thành phố trong việc nâng cao hiệu quả công tác cải cách hành chính (CCHC), tạo bước chuyển biến về ý thức trách nhiệm cán bộ, đảm bảo thuận lợi cho nhân dân.

Thảo luận về Chương trình này, Bí thư Quận ủy Long Biên Vũ Đức Bảo và Chủ tịch UBND huyện Từ Liêm Lê Văn Thư đều cho rằng, một số việc có thể giải quyết ngay lập tức (như chứng tử, giải quyết chế độ người có công), nhưng lại đưa vào "một cửa" phải tiếp nhận, giờ hẹn nên thêm phức tạp. Việc đưa ra "một cửa" hay không phải cân nhắc để đảm bảo hiệu quả giải quyết. Bên cạnh đó, có những bất cập của một số luật, pháp lệnh, thông tư còn chồng chéo cần kiến nghị Trung ương sửa đổi, bổ sung để tạo thuận lợi giải quyết CCHC.

Một vấn đề được các đại biểu quan tâm phản ánh là cần cải tiến ngay từ chính các cơ quan công quyền của thành phố. Bí thư Quận ủy Hoàn Kiếm Hoàng Công Khôi cho biết, giữa các sở, ngành với nhau hoặc sở với quận, huyện cũng còn "hành nhau". Theo ông Khôi, có nhưng thủ tục đơn vị này đang cần giải quyết nếu không bám sát đơn vị kia thì rất khó khăn. Không chỉ CCHC phục vụ người dân mà còn giải quyết cả mối quan hệ giữa các tổ chức với nhau. Chủ tịch UBND huyện Từ Liêm Lê Văn Thư cũng cho biết, có thủ tục mà huyện đề xuất cả hàng năm không được giải quyết, khiến địa phương chờ đợi và thực hiện lúng túng. Bên cạnh đó, việc xây dựng cơ chế 1 cửa liên thông cần cụ thể hơn giữa các cấp, các ngành, nếu không có sự chỉ đạo tập trung thì rất khó làm. Như việc thực hiện liên thông 17 thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai (thuế, tài nguyên môi trường...) để giảm số lần công dân phải đến giải quyết. Tuy nhiên, có đơn vị lại nói trong qui định ngành lại không có nên khi triển khai rất "vướng".

Bên cạnh vấn đề chú trọng chất lượng cán bộ, chế độ đãi ngộ thỏa đáng, nhiều lãnh đạo địa phương đề nghị cần phân cấp và "tin" quận, huyện hơn thì thực hiện mới có hiệu quả, tránh tình trạng đã phân cấp nhưng khi triển khai lại phải có thỏa thuận với sở, ngành chức năng. Khi đã phân cấp, thành phố sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát và qui trách nhiệm cụ thể đối với người đứng đầu đơn vị. Nếu không làm tốt công tác này, vô hình chung sẽ tạo thành rào cản không đáng có.

Ông Lê Văn Hoạt Phó Chủ tịch HĐND TP:

Đã phân cấp thì nên giao quyền

Đề nghị cần rạch ròi sự phân cấp. Cái gì đã phân cấp cho quận, huyện thì nên giao quyền, gắn trách nhiệm và tạo điều kiện để cơ sở làm, tránh tình trạng phân cấp nhưng không phân quyền. Ví như việc thành phố đã có bản đồ qui hoạch phân cấp 4 - 5 năm nay, nhưng hiện vẫn còn một số quận, huyện chưa biết bản đồ đó như thế nào, nên nhiều khi phân cấp rồi, nhưng quận, huyện vẫn phải xin thỏa thuận của Sở.

Ông Vũ Đức Bảo Bí thư Quận ủy Long Biên:

Không nên điều chỉnh quá nhiều qui hoạch

Việc lập qui hoạch là cần thiết, nhưng việc quản lý, triển khai qui hoạch cũng quan trọng không kém. Một số qui hoạch làm rất bài bản nhưng khi thực hiện lại không nghiêm. Ví như có qui hoạch đường, nhưng việc thực hiện hai bên đường lại rất lỏng lẻo. Thời gian qua, do công tác quản lý qui hoạch không tốt nên có quá nhiều dự án điều chỉnh làm ảnh hưởng tới chất lượng qui hoạch chung của Thủ đô, nhưng đồng thời cũng tạo tiền lệ xấu cho các chủ đầu tư và người dân không chấp hành qui hoạch. Thành phố nên tăng cường công tác đào tạo chuyên môn vì nhiều quận, huyện cũng không có cán bộ làm kiến trúc, qui hoạch, chứ nói gì đến cấp phường, xã.

Ông Nguyễn Quang Mạnh Bí thư Thị ủy Sơn Tây:

Huy động các nguồn lực làm qui hoạch               

Theo Dự thảo Chương trình, hầu hết các đồ án qui hoạch, qui hoạch vùng, qui hoạch phân khu, qui hoạch chi tiết phân công cho Sở Qui hoạch kiến trúc và Viện Qui hoạch xây dựng Hà Nội là quá tải rất khó đảm bảo tiến độ đến năm 2015 hoàn thành. Hơn nữa, việc phân công như vậy sẽ không huy động được các nguồn lực chất xám từ bên ngoài (các viện qui hoạch T.Ư, các tổ chức tư vấn…). TP cần xây dựng bộ máy quản lý thực hiện qui hoạch. Vì thời gian qua, chúng ta mới chú trọng thực hiện qui hoạch trên giấy, còn thực tế rất khó kiểm soát đối với chủ đầu tư.