Luật Thủ đô (sửa đổi)

Tạo cơ chế đặc thù thúc đẩy phát triển nhà ở đồng bộ, hiện đại

Vũ Lê
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) với những quy định mới về phát triển nhà ở nói chung, nhà ở xã hội nói riêng tại Thủ đô, kỳ vọng thực hiện mục tiêu đảm bảo đủ quỹ nhà cho mọi tầng lớp dân cư và cải tạo nhà ở theo hướng nâng cao chất lượng sống.

Quy hoạch, xây dựng, cải tạo nhà ở còn nhiều khó khăn

Những năm qua, TP Hà Nội đã quan tâm phát triển nhà ở cho người dân, đặc biệt là nhà cho người thu nhập thấp, song thực tế công tác quy hoạch, xây dựng, cải tạo còn gặp nhiều khó khăn dẫn đến nguồn cung nhà ở, nhất là nhà ở xã hội còn hạn chế so với nhu cầu.

Theo định hướng Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng phê duyệt tại Quyết định 1259/QĐ-TTg năm 2011 (QHC 2011), chỉ tiêu đến năm 2030, nhà ở đô thị đạt 30m2 sàn sử dụng/người; nhà ở nông thôn tối thiểu 25m2 sàn sử dụng/người.

Nhà ở chung cư trong Khu đô thị Times City, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. Ảnh: Vũ Lê
Nhà ở chung cư trong Khu đô thị Times City, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. Ảnh: Vũ Lê

Tuy nhiên, qua rà soát sau hơn 10 năm triển khai QHC 2011, Phó Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội Nguyễn Đức Hùng cho biết, chỉ tiêu bình quân sàn nhà ở/người tại khu vực nông thôn đã đạt vượt mục tiêu đề ra (đến năm 2030), trong khi chỉ tiêu bình quân sàn nhà ở/người tại khu vực đô thị chỉ tăng khoảng 1,2m2/người, chưa đảm bảo mục tiêu.

Đặc biệt, việc phát triển loại hình nhà ở giá rẻ còn chậm so với nhu cầu, nhà ở xã hội chỉ đạt khoảng 20% và nhà ở tái định cư chỉ đạt khoảng 30% chỉ tiêu đề ra. Tỷ lệ hoàn thành các dự án nhà ở xã hội tập trung và nhà ở xã hội trong các dự án đạt thấp (khoảng 30 - 47%).

Bên cạnh đó, công tác cải tạo, xây dựng lại các chung cư cũ, biệt thự cũ nát nhằm cải thiện chất lượng nhà ở cho người dân khu vực trung tâm vẫn còn chậm…

Do đó nhiều chuyên gia kỳ vọng, Luật Thủ đô (sửa đổi) sẽ thể hiện được chiến lược nhà ở đặc thù của Thủ đô với quy mô 8,5 triệu dân, để người dân cải thiện, nâng cấp nhà ở. Từ người nghèo, người không có thu nhập đến người thuộc tầng lớp trung lưu.

Nâng trách nhiệm, tăng thẩm quyền

Quy định về phát triển nhà ở trong dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) là một quy định có tính kế thừa và sửa đổi Luật Thủ đô 2012 với những quy định mới đối với phát triển nhà ở nói chung, nhà ở xã hội nói riêng trên địa bàn Thủ đô.

Trong đó, đáng chú ý với quy định trách nhiệm rõ ràng của chủ đầu tư phải hoàn thành các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội trước khi đưa công trình nhà ở vào khai thác sử dụng là quy định mới.

Nhiều chuyên gia đánh giá, quy định này là cần thiết để hạn chế các chủ đầu tư của khu nhà ở thương mại chậm trễ trong việc phát triển đồng bộ hạ tầng khi đưa công trình nhà ở vào sử dụng như đã xuất hiện thời gian qua. Đồng thời, nâng cao trách nhiệm của chủ đầu tư, bảo đảm tính đồng bộ giữa xây dựng nhà ở với hoàn thiện các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, qua đó bảo đảm tốt nhất nhu cầu sinh sống, làm việc của người dân.

PGS.TS Hoàng Tùng - Hiệu trưởng trường Đại học Xây dựng Hà Nội cho rằng, trong Luật Thủ đô (sửa đổi) ngoài việc có quy định tăng trách nhiệm của các chủ đầu tư còn phải có cơ chế rà soát tất cả dự án đang dang dở để đẩy nhanh tiến độ thực hiện và cơ chế cho các dự án nhà ở mới nhằm thực hiện theo đúng tiến độ đã cam kết.

Ngoài ra, quy định phát triển các khu nhà ở xã hội tập trung theo hướng hiện đại, thuận tiện ở ngoài đô thị trung tâm, đồng bộ với việc xây dựng hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội là hoàn toàn phù hợp với mục tiêu phát triển các tuyến đường sắt đô thị và các khu vực TOD.

Kinh nghiệm một số quốc gia trên thế giới khi phát triển đường sắt đô thị, khu vực TOD dọc các tuyến đường sắt cũng nhằm phát triển các khu vực sinh sống có chi phí hợp lý, phù hợp với điều kiện sống của người có thu nhập thấp và những người thuộc đối tượng của chính sách nhà ở xã hội.

Theo PGS.TS Hoàng Tùng, cần phát triển các khu nhà ở xã hội tập trung theo hướng văn minh, hiện đại, đồng bộ hạ tầng, không chỉ khu nhà ở xã hội tập trung cho người lao động trong các khu công nghiệp mà còn có khu nhà ở xã hội tập trung cho trí thức trẻ....

Một điểm đáng chú ý nữa trong dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) lần này là quy định phát triển nhà ở xã hội ở Thủ đô theo mô hình căn hộ chung cư và giao UBND TP Hà Nội quyết định quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội. Điều này là phù hợp với quy định tại dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi), nhất là phát huy được hiệu quả đầu tư, hiệu quả sử dụng đất khi xây dựng nhà ở xã hội, hạn chế được tiêu cực trong công tác xây dựng loại hình nhà ở này.

Đặc biệt, để bảo đảm chất lượng đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội của các khu nhà ở xã hội, dự thảo Luật cũng quy định việc bố trí vốn ngân sách TP để đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật khung, hạ tầng xã hội thiết yếu trong các dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội. Đối với các dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội độc lập, UBND TP Hà Nội giao cơ quan, tổ chức thuộc TP thực hiện giải phóng mặt bằng và lập dự án đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật khung, hạ tầng xã hội thiết yếu trong phạm vi ranh giới của dự án.

Đây có thể coi là những giải pháp có tính đột phá và đặc thù để Thủ đô Hà Nội có thể phát triển nhanh các khu nhà ở xã hội tập trung, đầy đủ điều kiện về hạ tầng.

 

Những quy định về phát triển nhà ở, nhất là xây dựng nhà ở xã hội và cải tạo chung cư cũ, là nội dung được cử tri, Nhân dân Hà Nội quan tâm, không chỉ trong sửa đổi Luật Nhà ở, mà còn trong  chính sách đặc thù của Hà Nội trong Luật Thủ đô (sửa đổi) lần này. Dự thảo Luật đã có sự kế thừa các chính sách từ đề án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ của Thành phố và chương trình phát triển nhà ở của Thành phố. Tuy nhiên, với quy định nhà ở xã hội độc lập cần đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội là cần thiết. Song quy định xây dựng trong phạm vi ranh giới của dự án là khó thực hiện, nên cân đối trong cả khu vực, dự thảo nên bỏ cụm từ “trong ranh giới dự án” - Phó Chủ tịch hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm