Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tạo cơ chế toàn xã hội cùng chăm lo giáo dục

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân gợi ý mỗi bộ, ngành cần phát huy lợi thế đặc thù khi triển khai phong trào.

KTĐT - Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân gợi ý mỗi bộ, ngành cần phát huy lợi thế đặc thù khi triển khai phong trào.

Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thiện Nhân khẳng định phong trào "Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực" đã tạo được một cơ chế toàn xã hội cùng chăm lo giáo dục hoàn thiện thể chất, trí tuệ và nhân cách cho thế hệ trẻ.

Phát biểu tại cuộc họp Ban Chỉ đạo phong trào, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân nêu rõ sau gần 2 năm triển khai, đã có hơn 15.800 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng và gia đình chính sách được nhận chăm sóc. 100% trường học các cấp ở 56/63 tỉnh, thành phố  đã đăng ký tham gia phong trào.

Có hơn 2.000 di tích quốc gia, 3.300 di tích cấp tỉnh và hơn 7.000 đền đài nghĩa trang được các trường, lớp nhận chăm sóc. Những di tích lịch sử, nghĩa trang liệt sỹ sau khi được các nhà trường nhận chăm sóc đã được quan tâm chăm sóc một tháng/lần thay vì chỉ vào các ngày lễ, Tết, hay ngày kỷ niệm.

Tình trạng học sinh phải bỏ học vì thiếu ăn, thiếu mặc hoặc thiếu sách vở đã giảm hẳn.

Về phương hướng triển khai phong trào trong thời gian tới, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân mong muốn các Bộ, ngành có liên quan như Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, Trung ương Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp phụ nữ, Hội Khuyến học... cần phối hợp chặt chẽ hơn nữa với Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Phó Thủ tướng gợi ý mỗi bộ, ngành cần phát huy lợi thế đặc thù khi triển khai phong trào. Hội Phụ nữ có thể tổ chức tuyên truyền cho bà mẹ ngay từ khi mang thai về phương pháp nuôi dạy con cái; Trung ương Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tổ chức các chương trình như "Dũng sĩ nghìn việc tốt", các hội thi văn nghệ.

Bộ Quốc phòng có thể kết hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức các "học kỳ quân sự" cho học sinh phổ thông, tổ chức các cuộc gặp mặt với tướng lĩnh quân đội nổi tiếng, các anh hùng... để tổ chức giao lưu giúp học sinh, sinh viên hiểu rõ hơn về truyền thống, lịch sử đấu tranh anh hùng của dân tộc.

Phó Thủ tướng cũng nêu lên những chương trình cụ thể có thể triển khai sớm như xây dựng chương trình "nhắc học" trên sóng truyền hình quốc gia với hình ảnh học tập tại tất cả các địa phương trong cả nước, phổ biến rộng rãi cuốn sách "100 trò chơi dân gian", "Tuyển tập 75 bài hát dân ca"...

Trong thời gian tới, Ban Chỉ đạo phong trào sẽ tiến hành kiểm tra tình hình triển khai tại các địa phương và sẽ kiểm tra cụ thể về cảnh quan, cơ sở vật chất của nhà trường, gặp gỡ tiếp xúc và phỏng vấn điều tra bằng phiếu câu hỏi đối với giáo viên và học sinh.

Đặc biệt, đoàn kiểm tra sẽ thực hiện dự giờ một giáo viên tiêu biểu được phụ huynh và học sinh tín nhiệm./.