Đây là lần đầu tiên Việt Nam thực hiện một quy hoạch tầm cỡ, tích hợp đa lĩnh vực, đa ngành nghề… tạo tiền đề để xây dựng đất nước phát triển vượt bậc, bền vững.
Nghị quyết gồm 15 điều, trong đó đặt ra mục tiêu giai đoạn 2031 - 2050, phấn đấu tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) bình quân khoảng 6,5 - 7,5%/năm. Đến năm 2050, GDP bình quân đầu người theo giá hiện hành đạt khoảng 27.000 - 32.000 USD; tỷ lệ đô thị hóa đến năm 2050 đạt 70 - 75%. Chỉ số phát triển con người (HDI) đạt từ 0,8 trở lên, đời sống của người dân hạnh phúc; quốc phòng, an ninh được bảo đảm vững chắc. Trong đó, ở giai đoạn đầu, từ 2021 – 2030, phấn đấu tốc độ tăng trưởng GDP cả nước bình quân đạt khoảng 7%/năm. Đến năm 2030, GDP bình quân đầu người theo giá hiện hành đạt khoảng 7.500 USD.
Riêng về mục tiêu phát huy lợi thế của từng vùng kinh tế - xã hội của vùng, Nghị quyết tập trung phát triển hai vùng động lực phía Bắc và phía Nam gắn với hai cực tăng trưởng là Thủ đô Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, hành lang kinh tế Bắc - Nam, các hành lang kinh tế Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, Mộc Bài - TP Hồ Chí Minh - Biên Hòa - Vũng Tàu với kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, có tốc độ tăng trưởng cao, đóng góp lớn vào phát triển chung của đất nước.
Điểm đáng chú ý của Nghị quyết này nhấn mạnh mục tiêu phát triển Thủ đô Hà Nội trở thành đô thị thông minh, năng động, sáng tạo, dẫn dắt; đầu tàu trong khoa học, công nghệ; trung tâm giao dịch quốc tế, dịch vụ giáo dục, đào tạo, y tế, tài chính, ngân hàng chất lượng cao; đầu mối giao thông quan trọng của khu vực và quốc tế.
Trong đó, tập trung xây dựng hạ tầng đô thị hiện đại, nhất là hạ tầng giao thông, kết nối đồng bộ, hiện đại, bao gồm các trục từ Hà Nội kết nối với các đô thị lớn của vùng, các đường Vành đai 4, Vành đai 5 Thủ đô Hà Nội và các tuyến đường sắt đô thị, đường sắt vành đai phía Đông Thủ đô, thúc đẩy liên kết và lan tỏa phát triển kinh tế - xã hội cho cả khu vực phía Bắc. Cùng với đó, hình thành các vành đai công nghiệp, đô thị, dịch vụ dọc theo các đường Vành đai 4, Vành đai 5 Thủ đô Hà Nội…
Có thể nói, với những định hướng lớn của Quy hoạch tổng thể quốc gia như: Phát triển và phân bố không gian các ngành, lĩnh vực; Hình thành các vùng động lực quốc gia; Xây dựng hệ thống đô thị thông minh; phát triển nông thôn toàn diện, hiện đại; Bảo vệ, khai thác và sử dụng bền vững tài nguyên; Quy hoạch cũng đề ra các giải pháp về phát triển khoa học, công nghệ, bảo vệ môi trường và tăng cường hợp tác quốc tế… sẽ tạo lập sự phát triển hài hòa các vùng của cả nước kết nối rành mạch trong chuỗi phát triển chung.
Nhưng để hiện thực hóa, không ít chuyên gia cho rằng, vấn đề nguồn lực cả con người và tài chính rất cần có giải pháp kỹ lưỡng mới đảm bảo tính khả thi cao. Việc nhìn nhận đúng nguồn lực thực tế sẽ giúp vận dụng linh hoạt hơn trong việc triển khai, tránh gây lãng phí…
Dù có những ý kiến nêu rõ việc thực hiện triển khai Quy hoạch tổng thể quốc gia là một nhiệm vụ không dễ dàng, phức tạp, bởi chưa từng có tiền lệ nhưng với sự quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, của Nhân dân cả nước sẽ tạo cơ hội để hiện thực hóa khát vọng, định hướng lớn về xây dựng đất nước hùng cường.