Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tạo điểm nhấn trong tour làng nghề

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Lễ hội vinh danh làng nghề truyền thống huyện Phú Xuyên lần II - 2014 (diễn ra từ ngày 23 - 26/10) không chỉ hỗ trợ các làng nghề của huyện phát triển mà còn là hoạt động quảng bá thu hút khách chọn Phú Xuyên là điểm đến

Tạo điểm nhấn trong tour làng nghề - Ảnh 1
Đó là khẳng định của ông Trương Thế Cầu - Bí thư Huyện ủy Phú Xuyên trong cuộc trao đổi với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị về định hướng gắn phát triển du lịch với làng nghề của huyện.

Thưa ông, đây là lần thứ 2 huyện tổ chức Lễ hội vinh danh làng nghề truyền thống. Vậy, lễ hội lần này có điểm gì mới hơn so với lần tổ chức trước?

- So với lần đầu diễn ra vào năm 2011, Lễ hội vinh danh làng nghề truyền thống huyện Phú Xuyên năm nay được tổ chức với quy mô hoành tráng và chuyên nghiệp hơn. Trong đó, toàn bộ khu vực các gian hàng làng nghề sẽ được thiết kế tạo thành một triển lãm lớn, được thể hiện dưới dạng nghệ thuật sắp đặt từ các xã nghề truyền thống trong huyện. Đặc biệt, UBND huyện chú trọng giới thiệu tới du khách trong nước và quốc tế 7 nghề truyền thống gồm: May (Vân Từ); Mộc (Tân Dân); Da giầy (Phú Yên); Khảm trai, sơn mài (Chuyên Mỹ); Tò he (Phượng Dực); Mây tre đan (Phú Túc). Qua đó, giới thiệu toàn cảnh bức tranh làng nghề truyền thống huyện Phú Xuyên với những nhóm sản phẩm tiêu biểu, nổi tiếng không chỉ ở trong nước mà còn ở nhiều nước trên thế giới. Các chương trình văn nghệ, trò chơi dân gian trong lễ hội lần này cũng đa dạng và phong phú hơn, sẽ mang đến sức hút mới cho người dân trong huyện cũng như du khách tham quan lễ hội.

 
Nghệ nhân xã Phượng Dực hướng dẫn du khách cách nặn tò he tại Liên hoan Du lịch làng nghề Hà Nội. 	Ảnh: Hoài Nam
Nghệ nhân xã Phượng Dực hướng dẫn du khách cách nặn tò he tại Liên hoan Du lịch làng nghề Hà Nội. Ảnh: Hoài Nam
Không những vậy, lần này, Ban tổ chức còn tổ chức hội thảo "Định hướng phát triển và hội nhập làng nghề truyền thống". Điều này sẽ mang lại lợi ích cho làng nghề phát triển kinh doanh sản phẩm làng nghề ngày một tốt hơn...

Sở Công Thương và Sở VHTT&DL Hà Nội đang đẩy mạnh việc tổ chức các tour làng nghề. Vậy, tới đây, huyện có những hoạt động xúc tiến, quảng bá cho các làng nghề như thế nào?

- Phát triển du lịch gắn với phát triển làng nghề thủ công truyền thống đang là xu hướng của du lịch Việt Nam. Với mục đích quảng bá giá trị văn hóa, lịch sử, tiềm năng du lịch, lễ khai mạc được thực hiện theo đúng nghi thức truyền thống. Ngoài ra, trong những ngày diễn ra lễ hội, du khách còn được thưởng thức sản vật của địa phương trong khu ẩm thực, tham gia trò chơi dân gian. Đặc biệt, du khách còn được tự tay thực hiện những sản phẩm thủ công yêu thích dưới sự hướng dẫn của nghệ nhân dân gian… Nhưng quan trọng hơn cả, là việc huyện Phú Xuyên đang dự kiến xây dựng tour du lịch tham quan 7 làng nghề chủ lực của huyện như đã kể trên. Những hoạt động này sẽ hỗ trợ huyện Phú Xuyên trong việc xây dựng tour du lịch, quảng bá hình ảnh du lịch làng nghề đến với du khách.

Theo ông, Phú Xuyên gặp khó khăn gì trong quá trình xây dựng, phát triển tour du lịch làng nghề?

- Một trong những khó khăn  trong phát triển tour du lịch làng nghề ở Phú Xuyên hiện nay là cơ sở hạ tầng, giao thông yếu kém, phong cách phục vụ vẫn chưa chuyên nghiệp… Bên cạnh đó, nhận thức của người dân về giá trị của du lịch làng nghề chưa cao dẫn đến việc tham gia còn hạn chế; đội ngũ thuyết minh viên chưa được đào tạo bài bản…

Mặc dù thời gian qua, huyện đã có nhiều cố gắng trong việc đảm bảo môi trường trong sạch tại các làng nghề, nhưng thời gian tới, hoạt động này vẫn cần tiếp tục đẩy mạnh hơn, góp phần phát triển du lịch tại địa phương.

Để Phú Xuyên cũng như các huyện khác phát triển du lịch làng nghề, thời gian tới, Sở Công Thương và Sở VHTT&DL nên có sự hỗ trợ như thế nào, thưa ông?

- Thời gian tới, Sở Công Thương nên xây dựng các đề án phát triển làng nghề gắn kết với hoạt động du lịch, triển khai các chương trình hỗ trợ xây dựng thương hiệu làng nghề; tăng cường đầu tư thí điểm phát triển làng nghề kết hợp du lịch theo hướng hỗ trợ xây dựng hạ tầng. Cùng với đó, Sở VHTT&DL cần đẩy mạnh việc đào tạo, bồi dưỡng cho người dân làng nghề, hướng dẫn viên du lịch, thuyết minh viên những kiến thức cơ bản liên quan tới xây dựng sản phẩm làng nghề gắn với du lịch; cách thức tiếp thị phù hợp với tâm lý, thị hiếu của từng đối tượng du khách. Đồng thời, huyện cũng đề xuất, triển khai những giải pháp tăng cường và gắn kết vai trò của DN du lịch với làng nghề.

Xin cảm ơn ông!