Ý tưởng sáng tạo nơi thừa, nơi thiếu
Trong khuôn viên trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp, nhiều sản phẩm lấy cảm hứng từ phố cổ, di sản, lễ hội của Thủ đô được sinh viên sáng tạo, ứng dụng trong những bộ tem bưu chính, lịch, thiết kế web, game, phim hoạt hình, đồ thủ công mỹ nghệ, trang sức. Với 2.000 sinh viên, thông qua quá trình học tập, hàng năm trường Đai học Mỹ thuật Công nghiệp có hơn 8.000 tác phẩm mỹ thuật ứng dụng với các ngành nghề và chủ để khác nhau.
Tuy nhiên, theo sinh viên trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp, phần lớn các sản phẩm chỉ dừng ở mức sáng tạo, chưa có điều kiện ứng dụng trong thực tế. Hoàng Thanh Thảo – sinh viên năm thứ 5, khoa Thời trang (Đại học Mỹ thuật Công nghiệp) cho biết: “Tuy hàng năm có nhiều DN tới trường, tổ chức các buổi talkshow nhằm tìm kiếm nguồn nhân lực, cam kết có chế độ hỗ trợ về đạo tạo chuyên môn nhưng chưa chưa để lại nhiều dấu ấn vì DN chưa có đủ thời gian trực tiếp quan sát, đánh giá các sản phẩm mỹ thuật ứng dụng của sinh viên”.
Trong bối cảnh những ý tưởng thiết kế sáng tạo trong giới trẻ luôn mới lạ, đa dạng, nhiều DN, làng nghề thủ công mỹ nghệ tại Thủ đô lại than phiền vì thiếu thiết kế cho những sản phẩm mới. Bà Hà Thị Vinh - Chủ tịch Hiệp hội Thủ công mỹ nghệ và làng nghề Hà Nội cho biết: “Chúng tôi luôn thiếu những ý tưởng thiết kế mới. Khi mang sản phẩm ra nước ngoài giới thiệu, bạn bè quốc tế luôn hỏi chúng tôi có gì mới hay không?”
Thực tế cho thấy, hầu hết làng nghề là thủ công mỹ nghệ đang thiếu một nhà thiết kế mẫu hiện đại, có tầm nhìn và dự đoán chính xác về thị hiếu mẫu, hoa văn. Hơn nữa, nghệ nhân làng nghề mới chỉ là thợ khéo tay, chứ họ chưa phải nhà thiết kế mẫu. Chúng tôi luôn mong muốn phối hợp với nhà trường, đưa các em sinh viên tới các làng nghề, phối hợp với các nghệ nhân hiện thực hoá các ý tưởng thiết kế”.
Kết nối, đào tạo nguồn nhân lực sáng tạo
Năm 2019, Hà Nội chính thức trở thành thành viên của Mạng lưới các “Thành phố Sáng tạo của UNESCO” ở lĩnh vực Thiết kế. Từ đó đến nay, TP đã xây dựng và triển khai thực hiện các chương trình, kế hoạch, nghị quyết nhằm thực hiện cam kết gắn với phát triển các ngành công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Xuất phát từ nhu cầu phát triển nguồn nhân lực cho lĩnh vực thiết kế và thực hiện kế hoạch của TP, Sở VH&TT Hà Nội phối hợp với trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp tổ chức phát động cuộc thi “Hà Nội sáng tạo”.
Theo Giám đốc Sở VH&TT Hà Nội Đỗ Đình Hồng: Cuộc thi nhằm tạo cơ hội cho sinh viên đang tham gia sáng tạo ý tưởng mới, độc đáo trong không gian, thiết kế và sản phẩm sáng tạo cho Hà Nội; Kết nối sinh viên với các đơn vị, tổ chức và cá nhân có nhu cầu về nguồn nhân lực thiết kế trong xã hội; Cung cấp cái nhìn toàn cảnh từ góc độ của nhiều chuyên gia về ngành thiết kế không gian và nghệ thuật công cộng, định hướng con đường phát triển cho sinh viên.
Đồng thời, là hoạt động để giới chuyên môn, những DN, tổ chức có thể giao lưu, trao đổi trực tiếp nhằm hiểu thêm về tác phẩm ứng dụng cũng như có những kết nối trong công việc với đội ngũ thiết kế trẻ. Mặt khác, việc tìm ra những giá trị mới trong các các không gian, thiết kế và sản phẩm sáng tạo sẽ tạo nên động lực để phát triển nền kinh tế sáng tạo, góp phần hiện thực hóa Hà Nội trở thành trung tâm sáng tạo của khu vực Đông Nam Á, điểm đến tri thức và sáng tạo trên thế giới.
Đánh giá cao ý nghĩa của cuộc thi, Hiệu trưởng trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Phạm Hùng Cường cho biết: “Từ năm 2019 – Hà Nội tham gia Mạng lưới các TP sáng tạo, trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp đã định hướng, gợi ý, khuyến khích sinh viên làm các đề tài sáng tạo về Hà Nội. Đến nay, lễ phát động cuộc thi và ký kết giữa 2 đơn vị mở ra cơ hội mới, rộng hơn cho sinh viên”.
“Bởi nếu như trước đây, nhà trường chủ động định hướng thì nay đã có thêm sự đồng hành của Sở VH&TT. Nhờ đó, các sản phẩm thiết kế của sinh viên sẽ được lựa chọn, trưng bày ở các không gian nghệ thuật công cộng của Hà Nội. Từ đó, sản phẩm của sinh viên đến với công chúng rộng hơn; các làng nghề, DN có cơ hội lựa chọn sản phẩm của sinh viên để ứng dụng trong thực tiễn”- ông Phạm Hùng Cường chia sẻ.
Trong dịp này Đại học Mỹ thuật Công nghiệp và Sở VH&TT Hà Nội tổ chức lễ ký kết chương trình hợp tác nhằm thúc đẩy hoạt động trong lĩnh vực thiết kế sáng tạo và phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Thủ đô.
BTC cuộc thi "Hà Nội sáng tạo" đặt mục tiêu có từ 1.000 đến 2.000 sinh viên ở các chuyên ngành khác nhau tham gia, với khoảng từ 6.000 đến 8.000 tác phẩm.
Cuộc thi kéo dài từ nay đến tháng 11/2023. Ban tổ chức sẽ lựa chọn 500 tác phẩm tiểu biểu tham gia cuộc thi trong thời gian từ nay đến tháng 10/2022 để trưng bày tại "Tuần lễ sáng tạo Hà Nội 2022". Ngoài ra, ban tổ chức sẽ chọn một số tác phẩm đạt chất lượng để hiệu chỉnh, đưa vào triển khai thực tế.