Tại cánh đồng của HTX Nông nghiệp Hát Môn, Phúc Thọ, lúa Bắc Hương 9 đang chuẩn bị cho thu hoạch, năng suất dự kiến đạt 6 tấn/ha. Giám đốc HTX Nông nghiệp Hát Môn Hồ Xuân Thắng đánh giá: “Tuy vụ Mùa năm 2018 chịu ảnh hưởng của mưa, bão gây ngập úng nhưng Bắc Hương 9 vẫn chứng tỏ khả năng chống chịu tốt. Năng suất cao hơn giống Bắc Hương số 7 từ 10 – 15%. Đặc biệt, khả năng chống chịu sâu bệnh tốt nên hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, tạo ra sản phẩm an toàn”.Ông Thắng cho biết thêm, hiện nay huyện Phúc Thọ đang thực hiện cuộc vận động “3 sạch”, do đó phải lựa chọn giống lúa có khả năng chống chịu sâu bệnh tốt, để hạn chế dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trên đồng ruộng. Thời gian qua, địa phương đã từng bước thay thế giống lúa cũ bằng các giống lúa chất lượng cao. Trong thời gian tới, huyện mong muốn Sở NN&PTNT tạo điều kiện để địa phương tiếp tục đưa các giống lúa mới vào sản xuất.Thực tế hiện nay, tỷ lệ người dân sử dụng các giống lúa cũ trong sản xuất vẫn khá cao, như Khang Dân, Bắc Thơm số 7… Các giống lúa này đã có những biểu hiện thoái hóa nên năng suất thấp, mẫn cảm với một số sâu bệnh. Để khắc phục tình trạng trên, năm 2018, Trung tâm Phát triển cây trồng Hà Nội đã tổ chức khảo nghiệm sản xuất 9 giống lúa thuộc 2 nhóm giống năng suất và chất lượng tại các vùng sinh thái khác nhau. Qua đó đánh giá lựa chọn được các giống lúa mới triển vọng, đề nghị đưa ra sản xuất thử, từng bước bổ sung vào cơ cấu giống lúa của TP. Cụ thể, nhóm lúa chất lượng cao gồm các giống Lam Sơn 116, Bắc Hương 9, QR1; nhóm lúa năng suất gồm Kim Cương 111, Lam Sơn 10, Hà Phát 3; QD11. Sau khi triển khai thực nghiệm cho thấy, các giống lúa mới có nhiều ưu điểm vượt trội so với giống cũ.Kết quả đánh giá sơ kết vụ Mùa năm 2018, toàn TP gieo trồng 91.859 lúa, trong đó nhóm lúa chất lượng cao là 49%, nhóm lúa năng suất cao 39,9%, nhóm giống lúa lai 5,4%, các giống lúa khác 3,1%. Năng suất lúa bình quân đạt 5,4 tấn/ha, cao hơn so với trung bình của cả nước.Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Xuân Đại nhấn mạnh: Việc đưa các giống lúa chất lượng vào sản xuất đại trà góp phần nâng cao giá trị lúa hàng hóa, thúc đẩy các mô hình liên kết sản xuất lúa hữu cơ, đáp ứng yêu cầu tái cơ cấu ngành trồng trọt của TP. “Mục tiêu của TP từ nay đến năm 2020 sẽ nâng diện tích lúa chất lượng cao trên 50%. Trong đó tập trung vào giống lúa chất lượng, năng suất, khả năng chống chịu sâu bệnh tốt để giảm thiểu tối đa sử dụng thuốc bảo vệ thực vật” – ông Đại cho hay.