Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tạo dựng không gian văn hóa đi bộ: Không chỉ… ngăn đường, cấm xe

Linh Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hà Nội đang nhân rộng các không gian đi bộ, từ khu phố cổ đến các con phố quanh Hồ Gươm, rồi về đến không gian đi bộ Trịnh Công Sơn ở khu vực Hồ Tây…

Tuy nhiên, ngoại trừ không gian đi bộ quanh Hồ Gươm tạo lập được bản sắc chỉ sau 3 năm hoạt động, thì các không gian nơi giống cái chợ, nơi giống con đường không có xe cơ giới. Chỉnh sửa bất cập hoạt động của các không gian đi bộ đã hình thành, rút kinh nghiệm cho các không gian sắp hình thành là điều mà các chuyên gia mong muốn ở các nhà quản lý khi vận hành phố đi bộ Hà Nội.
Phố đi bộ hay phố đi chợ

Phố cổ Hà Nội với con đường kéo dài 3 kilomet, bắt đầu từ Hàng Đào tiếp giáp với quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục và kết thúc tại cổng chợ Đồng Xuân trở thành con phố đi bộ đầu tiên của Hà Nội. Tuyến đường xuyên qua những ngôi nhà giữ nhiều nét cổ đã từng được kỳ vọng là không gian văn hóa đặc trưng cho Hà Nội, cuốn hút du khách. Tuy nhiên, triển khai từ năm 2004, tuyến phố đi bộ này làm thất vọng những người quan tâm đến nó. Bởi từ 18 giờ đến 23 giờ thứ Sáu, thứ Bảy và Chủ nhật hàng tuần, con phố này không khác gì khu chợ bán đồ với chủ yếu là hàng hóa Trung Quốc, với đủ thứ hàng rẻ tiền, từ quần áo đồng giá 100.000 đồng, gương, lược, đồ mỹ phẩm và đồ ăn, thức uống giải khát tràn từ các ngôi nhà bám sát mặt tuyến đường.
 Phố Trịnh Công Sơn trong tuần đầu khai trương phố đi bộ vẫn còn cần tiếp tục được điều chỉnh để có được không gian văn hóa đúng nghĩa. Ảnh: Linh Anh
Phải đến năm 2014, UBND TP Hà Nội cho phép quận Hoàn Kiếm mở rộng hoạt động đi bộ ở sáu tuyến phố thuộc khu vực bảo vệ cấp I của Di tích quốc gia phố cổ Hà Nội bao gồm: Hàng Buồm - Mã Mây - Đào Duy Từ - Hàng Giầy - Lương Ngọc Quyến - Tạ Hiện, thì những nét đặc trưng của không gian đi bộ kinh doanh ẩm thực mới được hình thành. Hàng loạt món ăn phố cổ của các cửa hàng ăn trên đường Mã Mây, Đào Duy Từ… trở thành lựa chọn thưởng thức của du khách. Các cửa hàng bán trên vỉa hè, khách tham quan đi dưới lòng đường. Nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật được tổ chức, trong đó nổi bật là biểu diễn hát xẩm ở đền Quán Đế (phố Hàng Buồm), biểu diễn chầu văn trên phố Mã Mây… Từ thực tế đó cho thấy: “Không gian văn hóa đi bộ không chỉ đơn giản là việc giao thương, mua bán, ngăn xe, cấm đường mà phải tạo ra không gian sinh hoạt văn hóa, kết nối du khách bằng nhiều hình thức khác nhau” – KTS Trần Huy Ánh bày tỏ.

Sau khi mở rộng tuyến phố đi bộ khu vực phố cổ, UBND tiếp tục cho phép quận Hoàn Kiếm mở rộng tuyến phố đi bộ quanh Hồ Gươm. Với các hoạt động văn hóa chuyên nghiệp và nghiệp dư gắn kết cộng đồng, mang tính giao lưu lớn. Cùng nhiều hoạt động trò chơi dân gian, không gian đi bộ quanh Hồ Gươm đã trở thành “thương hiệu” văn hóa của Hà Nội vào mỗi dịp cuối tuần.

Khó thành không gian đúng nghĩa

Với mong muốn xây dựng một TP văn minh, thân thiện, Hà Nội tiếp tục mở rộng thí điểm các tuyến phố đi bộ ở các khu vực vệ tinh. Và không gian đi bộ phố Trịnh Công Sơn (quận Tây Hồ) là một ví dụ điển hình. Chính thức khai mạc vào ngày 11/5, sau 3 buổi thử nghiệm, con phố này đã đón 6.000 người tham gia. Nếu chỉ đong đếm số lượng người đến với không gian đi bộ mới ở Tây Hồ như vậy đã là thành công, nhưng rõ ràng câu chuyện thực tế lại không đơn giản có vậy. Rất nhiều du khách từ Thanh Xuân, Cầu Giấy, Hai Bà Trưng… đến với Tây Hồ hòa trong không gian đi bộ Trịnh Công Sơn. Nhưng rồi, họ đến và lưu lại chưa đầy một tiếng lại lắc đầu ra về vì ở không gian quá chật chội. Trên con đường Trịnh Công Sơn, đường Rặng Nhãn không có khoảng không cho trẻ con tham gia vào các trò chơi. 55 gian hàng nghệ thuật, ẩm thực, lưu niệm hoạt động hết công suất nhưng cũng chỉ là các mặt hàng giải khát đơn thuần. Mong muốn một không gian đi bộ ẩm thực mang được nét đặc trưng của Tây Hồ với bánh Tôm, bún Ốc, sen Hồ Tây… vẫn chưa thể thành hiện thực.

“Khách du lịch đến với phố đi bộ không chỉ để đi bộ. Họ cần thưởng thức các “đặc sản” văn hóa nổi trội, sử dụng các dịch vụ. Muốn níu chân du khách thì phải xây dựng các điểm dừng chân có loại hình dịch vụ như quán bar, ăn uống, mua sắm, nơi giao lưu văn hóa thật tốt. Đặc biệt, việc bố trí bán hàng phải được tính toán kỹ lưỡng, đưa nhiều mặt hàng thủ công mỹ nghệ truyền thống vào giới thiệu. Cần quản lý tốt các hộ dân kinh doanh, không để bày bán tràn lan hàng hóa, biến không gian văn hóa thành “cái chợ khổng lồ”.  - Nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng  Phạm Sỹ Liêm

Sau tuần đầu triển khai không gian văn hóa, nghệ thuật, ẩm thực tại phố Trịnh Công Sơn, UBND quận Tây Hồ cũng tiến hành rà soát những vấn đề còn tồn tại trong khâu tổ chức. Xung quanh khu vực phố đi bộ Trịnh Công Sơn, UBND quận Tây Hồ bố trí 7 điểm trông giữ xe, thì có 2 điểm của Công ty khai thác Hồ Tây và Công ty Hoàng Hải vẫn tự ý nâng giá vé sai quy định (10.000 đồng/lượt) hoặc “vượt rào” quy định bỏ trông xe miễn phí thành trông xe thu tiền. Thêm nữa, trong dịp khai trương, hiện tượng lực lượng an ninh mở barie cho xe máy đi vào ban ngày khi chưa hết giờ hoạt động; hàng rong len lỏi, nhiều hộ dân khu vực ngõ 612 đường Lạc Long Quân ngăn lòng đường trông giữ xe của du khách… Ông Đỗ Anh Tuấn - Chủ tịch UBND quận Tây Hồ hứa hẹn, thời gian tới tuyến phố này sẽ có nhiều thay đổi. Từ việc mở khu “chợ Tây”, tạo không gian mua bán, trao đổi hàng hóa của người nước ngoài ở đây, cho đến việc sẽ điều chỉnh kết nối các dịch vụ, không gian xung quanh lấy phố Trịnh Công Sơn là tâm điểm. Tuy nhiên, rõ ràng việc xây dựng thực hành không gian đi bộ vẫn còn nhiều bỡ ngỡ đối với các địa phương.

Tạo dựng không gian cộng đồng thế nào?

Theo phân tích của KTS Đoàn Kỳ Thanh điều cần nhất của không gian đi bộ là việc chính quyền, người dân hiểu đúng về không gian cộng đồng, nhu cầu thực sự và sự tham gia của các bên. Chính quyền không thể tự tạo ra không gian đi bộ theo đúng nghĩa nếu không dung hòa được nhu cầu của du khách, cũng như thu hút được sự tham gia của người dân ở con phố đó. Một phần nguyên nhân phố đi bộ Trịnh Công Sơn chưa thật sự hấp dẫn chính là việc rất nhiều gia đình sinh sống bên mặt tiền con phố còn đóng cửa, tắt đèn, chưa kinh doanh. “Tôi chỉ mong ở mỗi góc của TP có một không gian cộng đồng. Chức năng của những không gian này không chỉ đánh thức một quận, mà đánh thức tất cả các TP. Đó là trách nhiệm của nhà hoạch định chính sách, tạo dựng không gian cho cộng đồng” – KTS Đoàn Kỳ Thanh bày tỏ.

Là chuyên gia nghiên cứu về không gian, kiến trúc đô thị, KTS Trần Huy Ánh cho rằng, các cơ quan chức năng cần khắc phục những tồn tại, bất cập từng diễn ra ở các tuyến phố đi bộ khu vực phố cổ như Hàng Ngang, Hàng Đào... Kinh nghiệm đầu tiên là phổ biến thông tin về phố đi bộ từ xa, nhiều bản đồ chỉ dẫn vị trí treo từ vòng ngoài, kèm theo hướng dẫn là “Nội quy phố đi bộ”. “Nếu phố đi bộ quanh Hồ Gươm phải trở thành trường học thực hành cho các công dân về “Văn minh đô thị” thì phố đi bộ Trịnh Công Sơn hay các con phố đi bộ vệ tinh khác cũng phải bám sát vào các tiêu chí đó để chúng ta đến đây luôn tự hào là công dân văn minh thanh lịch của Thủ đô” - KTS Trần Huy Ánh chia sẻ.

Hà Nội chủ trương sẽ còn mở rộng nhiều tuyến phố đi bộ ở các quận, huyện, thị xã. Tiêu chí đi bộ cũng là một trong những tiêu chí của TP văn minh đô thị. Những tuyến phố sau sẽ học hỏi và rút kinh nghiệm từ các tuyến phố trước. Tuy nhiên, cũng không thể vì tiêu chí văn minh mà cấp tập mở rộng các không gian đi bộ trong khi khái niệm đầu tư và thực hiện còn mơ hồ.

“Trong tuần đầu tiên khai mạc không gian văn hóa, nghệ thuật, ẩm thực trên tuyến phố đi bộ Trịnh Công Sơn, quận Tây Hồ đã nhìn nhận thấy còn nhiều tồn tại, hạn chế. Thời gian tới, quận sẽ khắc phục những hạn chế này để hoàn thiện hơn nữa không gian phố đi bộ thứ 2 của Hà Nội. Ngay trong tuần hoạt động thứ 2, UBND quận sẽ bổ sung thêm các quầy hàng ẩm thực với nhiều loại hình phong phú. Hệ thống cây xanh sẽ được trồng bổ sung trong 1 - 2 tuần tới. Các cơ sở hạ tầng cần phải điều chỉnh dần dần, nếu lật lên sửa chữa, xây dựng ngay lúc này dễ tạo lên sự nhếch nhác cho con phố”. - Phó Chủ tịch UBND quận Tây Hồ Nguyễn Đình Khuyến