Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tạo hành lang pháp lý Sandbox cho Fintech

Thảo Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngân hành Nhà nước (NHNN) đang lấy ý kiến đối với dự thảo Nghị định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát (Regulatory Sandbox) hoạt động công nghệ tài chính (Fintech) trong lĩnh vực ngân hàng.

Ví điện tử, cổng thanh toán trung gian… đang phát triển mạnh nên việc xây dựng một khung khổ quản lý dưới hình thức Nghị định quy định đối với hoạt động Fintech là việc làm cấp thiết. Việc quản lý này nhằm thúc đẩy đổi mới sáng tạo, hạn chế sự cạnh tranh không lành mạnh, ngăn ngừa các hành vi vi phạm pháp luật nhân danh Fintech, bảo vệ lợi ích của người sử dụng dịch vụ.

Fintech - xu hướng tất yếu của thời đại 4.0

Fintech là viết tắt của từ Financial Technology (công nghệ tài chính), được sử dụng chung cho tất cả công ty sử dụng internet, điện thoại di động, công nghệ điện toán đám mây, các phần mềm mã nguồn mở nhằm mục đích nâng cao hiệu quả của hoạt động ngân hàng và đầu tư.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Đến nay, Việt Nam có khoảng trên 100 doanh nghiệp là công ty tài chính công nghệ (fintech) đang hoạt động, chủ yếu trong lĩnh vực thanh toán, tiếp đến là trong tài chính cá nhân, cho vay ngang hàng (P2P lending)…

Các công ty tham gia vào hoạt động thanh toán, cung cấp cho khách hàng và các nhà bán lẻ các dịch vụ thanh toán trực tuyến hoặc những giải pháp thanh toán kỹ thuật số (2C2P, VTPay, OnePay, VTCPay, BankPlus,VinaPay, VNPay, Senpay, NganLuong, ZingPay, BaoKim, 123Pay…). Một số ít công ty hoạt động trong lĩnh vực gọi vốn (FundStart, Comicola, Betado, Firststep), chuyển tiền (Matchmove, Cash2vn, Nodestr, Remittance Hub), Blockchain (Bitcoin Vietnam, VBTC Bitcoin, Copyrobo, Cardano Labo), quản lý tài chính cá nhân, quản lý POS, quản lý dữ liệu, cho vay và so sánh thông tin (Mobivi, Money Lover, Timo, kiu, Loanvi, Tima, TrustCircle, Hottab, SoftPay, ibox, BankGo, gobear…).

Fintech có thể đem đến những lợi ích cụ thể như: Thay đổi kênh phân phối, làm sản phẩm dễ dàng đến tay người tiêu dùng; Giúp dễ dàng phân tích hành vi khách hàng; Cắt giảm lao động giúp giảm chi phí đầu vào cho tổ chức; Cắt giảm rủi ro do sai sót; Tiết kiệm chi phí, giảm giá thành, giá sản phẩm… Cùng với sự phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, ngày càng nhiều người tiêu dùng sử dụng các sản phẩm, dịch vụ từ Fintech.

Theo khảo sát của NHNN về hệ sinh thái Fintech tại Việt Nam, từ năm 2016 đến nay, số lượng các công ty Fintech tham gia cung ứng dịch vụ tại thị trường Việt Nam tăng khoảng 4 lần. Trong đó, có đến 72% công ty Fintech đã liên kết với ngân hàng, chỉ có 14% phát triển dịch vụ mới và 14% sẵn sàng cạnh tranh với ngân hàng.

Thực tế cho thấy, xu thế hợp tác giữa ngân hàng và công ty Fintech ngày càng trở nên rõ nét. Điển hình nhất, VietinBank đang hợp tác với 7 công ty Fintech trong các lĩnh vực khác nhau nhằm đưa ra các sản phẩm mang yếu tố công nghệ và tài chính - ngân hàng để phục vụ khách hàng. Hay BIDV đã kết nối với 24 công ty Fintech, 756 nhà cung cấp dịch vụ để cung cấp trên 1.500 dịch vụ thanh toán chi tiêu cho khách hàng.

Tương tự, MB đã hợp tác với công ty Boomerang Technology cho ra đời sản phẩm eMBee Fanpage, cho phép khách hàng thực hiện tra cứu số dư, chuyển tiền, gửi tiết kiệm, mua bảo hiểm, vay vốn chỉ bằng thao tác đơn giản là “chat” với eMBee thông qua ứng dụng tin nhắn Facebook Messenger. Thậm chí, hầu hết ngân hàng thương mại tại Việt Nam đều đã “bắt tay” với ví MoMo để phát triển ví điện tử.

Tuy nhiên, đi cùng với những cơ hội phát triển, Fintech tại Việt Nam vẫn còn không ít thách thức. Đó là hành lang pháp lý chưa thực sự đầy đủ, chính xác nhất là đối với những công nghệ mới. Thời gian cập nhật, sửa đổi, bổ sung pháp lý còn chậm so với tốc độ phát triển nhanh chóng mặt của công nghệ. Cơ sở hạ tầng công nghệ của Việt Nam chưa đáp ứng yêu cầu của sự phát triển công nghệ cao, đặc biệt là công nghệ bảo mật. Bên cạnh đó, ý thức của người tiêu dùng sản phẩm Fintech còn hạn chế, đôi khi tạo ra những “lỗ hổng bảo mật” làm gia tăng mạnh nguy cơ ảnh hưởng đến tài khoản của chính người tiêu dùng cũng như các tổ chức tài chính.

Thúc đẩy đổi mối sáng tạo, bảo vệ người tiêu dùng

Các chuyên gia cho rằng, việc xây dựng một khung khổ quản lý dưới hình thức Nghị định quy định đối với hoạt động Fintech nhằm thúc đẩy đổi mới sáng tạo, hạn chế sự cạnh tranh không lành mạnh, ngăn ngừa các hành vi vi phạm pháp luật nhân danh Fintech, bảo vệ lợi ích của người sử dụng dịch vụ.

Theo Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Thanh toán (NHNN) Lê Anh Dũng, Nghị định sẽ được xây dựng dựa trên một số quan điểm, nguyên tắc định hướng, cụ thể như sau: Bám sát chủ trương của Chính phủ về thúc đẩy đổi mới sáng tạo, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ 4.0, mô hình kinh doanh khởi nghiệp sáng tạo; đảm bảo tính công khai, minh bạch trong toàn bộ quá trình xây dựng, ban hành và triển khai vận hành cơ chế thử nghiệm sau khi Nghị định được Chính phủ ban hành…

Trên cơ sở nghiên cứu các thông lệ tốt nhất về chính sách quản lý hoạt động Fintech trên thế giới, căn cứ vào tình hình thực tiễn hoạt động Fintech, NHNN đề xuất, hoàn thiện Dự thảo Nghị định với quan điểm phòng ngừa rủi ro trong phạm vi có kiểm soát mà không hạn chế, triệt tiêu hoàn toàn các rủi ro. Qua đó, rút ra những bài học quản lý hiệu quả, hướng đến xây dựng một khuôn khổ pháp lý thúc đẩy đổi mới sáng tạo nhưng vẫn đảm bảo ổn định tài chính, bảo vệ người tiêu dùng.

Ông Trần Công Quỳnh Lân - Chủ nhiệm Ủy ban Công nghệ (Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam), Phó Tổng Giám đốc Vietinbank cho hay, vấn đề tiên quyết cần giải quyết là cơ sở dữ liệu tập trung. Tiêu chuẩn chung về hệ thống công nghệ thông tin, lưu trữ thông tin, bảo mật, kết nối… Đồng quan điểm, Trưởng phòng Phát triển kênh số và đối tác Vietcombank Nguyễn Thị Thu Hằng cho rằng, cần sớm xây dựng đưa vào khai thác cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư nhằm định danh cá nhân thuận tiện, an toàn và chính xác. Ví dụ các quy định về lộ lọt thông tin, đánh cắp dữ liệu cá nhân, như vừa qua đã có một số vụ việc sử dụng dữ liệu mà chưa cho phép của chủ thể để đăng ký thẻ tín dụng hoặc các khoản vay....

"Cần sớm ban hành Nghị định quy định về bảo vệ dữ liệu cá nhân, bổ sung quy định nhằm nâng cao trách nhiệm của các ngân hàng liên kết trong việc phối hợp với ví điện tử, chia sẻ thông tin nhận biết khách hàng của ngân hàng để ví điện tử có thể tinh giản được các quy trình thủ tục và thông tin khi mở ví điện tử” - Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Nguyễn Quốc Hùng nói.

Hiệp hội Ngân hàng mong muốn, khi Nghị định chính thức ban hành sẽ thúc đẩy cho sự hợp tác giữa ngân hàng với Fintech sẽ xuất phát từ chất lượng nguồn nhân lực công nghệ, an toàn thông tin, khả năng thu hút vốn đầu tư để tăng cường năng lực cho các Fintech, thói quen và niềm tin của khách hàng với tiền mặt…

Ngoài ra, việc hoàn thiện cơ sở pháp lý cho hoạt động ngân hàng mở, đi kèm với dự thảo Nghị định của Chính phủ về bảo vệ dữ liệu cá nhân, về định danh và xác thực điện tử, để các văn bản khi ban hành sẽ đi vào cuộc sống một cách thực chất.