Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tạo hồn cốt cho tượng gỗ

Bài, ảnh: Nguyễn Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bằng sự tài hoa và tình yêu nghề tạc tượng, Nghệ nhân Nguyễn Văn Trúc, thôn Nhân Hiền, xã Hiền Giang, Thường Tín đã "phù phép" biến những khúc gỗ vô tri thành những bức tượng có hồn cốt, khí phách riêng.

Trọn tâm với nghề

Từ xưa, làng Nhân Hiền đã nổi tiếng có nhiều thợ mộc tài hoa, có người từng được triều đình mời về xây dựng kinh thành Thăng Long. Nối tiếp truyền thống của cha ông, Nghệ nhân Nguyễn Văn Trúc đã dành tâm huyết để phát triển và lưu giữ nghề. Sinh ra trong một gia đình có 3 đời làm nghề tạc tượng, tình yêu nghề như đã ngấm vào máu thịt ông. Đến nay, dù mới 55 tuổi, nhưng ông Trúc đã có trên 40 năm trong nghề. Với ông, nghề tạc tượng quan trọng như chính nhịp tim, hơi thở của mình.

Nghệ nhân Nguyễn Văn Trúc đang hoàn thiện một bức tượng tại xưởng của gia đình.

Ông Trúc chia sẻ: Tạc tượng là nghề tạo ra những tác phẩm tâm linh, nên mỗi tác phẩm phải giàu nét thiện cảm, vừa uy nghi vừa gần gũi với con người. Do đó, ngoài tâm huyết, người thợ phải có khả năng thẩm mỹ, kiến thức Phật giáo để khắc họa được đặc điểm của từng nhân vật. Đặc biệt, không thể thiếu được những giây phút thăng hoa để mỗi pho tượng dù cùng một khuôn mẫu nhưng lại có sắc thái riêng. Nghề tạc tượng Phật cũng như một nghệ sĩ, phải có cảm hứng thì mới tạo ra được tác phẩm có hồn. “Khi tạc tượng, tôi có thể quên hết mọi thứ xung quanh để dồn toàn tâm toàn trí vào chăm chút cho tác phẩm. Bởi chỉ cần lơ là một chút là có thể làm hỏng cả bức tượng” – ông Trúc nói.

Công việc của người thợ chạm khắc được ví như đang kể chuyện trên gỗ. Mỗi bức tượng là một nhân vật, ẩn chứa trong đó là những câu chuyện dân gian hay một giá trị văn hóa của dân tộc. Vì vậy, người thợ không chỉ chạm cho giống với hình mẫu, mà phải thổi được hồn cho nhân vật để mỗi bức đều có sức sống riêng, đem lại cảm xúc cho người xem. Với sự tài hoa của đôi bàn tay và sự tinh tế trong cảm xúc, Nghệ nhân Nguyễn Văn Trúc đã biến những khúc gỗ vô tri thành những vị Thần tài với miệng cười hoan hỷ, tượng bà Quan âm với nét mặt từ bi, hay những ông Hộ pháp uy dũng…

Nỗ lực truyền nghề

Sau hơn 40 năm theo nghề, ông Trúc đã tạo ra hàng nghìn tác phẩm. Trong đó có những tác phẩm để đời như bức tượng Thích ca lớn nhất Việt Nam với chiều cao 8,4m, hiện đang được thờ tại chùa Đỏ, Hải Phòng. Hay 5 bức tượng khắc họa chân dung các vị vua đời nhà Mạc, bộ tượng 18 bức Thập bát La hán… Mỗi bức tượng được đánh giá là một tác phẩm tuyệt mỹ, trở thành khuôn mẫu cho những lớp thợ sau học hỏi. Với những đóng góp cho làng nghề, ông Trúc đã được nhận nhiều giải thưởng cao quý như danh hiệu Nghệ nhân ưu tú, Nghệ nhân dân gian hay Nghệ nhân Hà Nội… Đặc biệt, năm 2016 ông được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Nhân dân. Đây là danh hiệu cao quý nhất mà bất kỳ người làm nghề nào cũng mong muốn có được.

Hiện nay, xưởng mộc của gia đình ông tạo công ăn việc làm cho trên 30 lao động địa phương. Ngoài phát triển sự nghiệp của gia đình, ông Trúc luôn nỗ lực truyền dạy nghề cho những lớp thợ trẻ trong làng, với mong muốn truyền thêm cảm hứng yêu nghề, giữ nghề cho những thế hệ sau. Anh Hoàng Văn Kế, thôn Nhân Hiền là một trong những học trò ưu tú của ông, hiện đã tạo dựng được sự nghiệp và tên tuổi riêng cho mình, cho biết: "Tôi đã học được nhiều điều quý giá từ thầy, trong đó giá trị nhất chính là sự trân quý nghề của thầy.