Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hà Nội thảo luận tổ:

Tạo thuận lợi cho người dân chữa bệnh theo bảo hiểm y tế

Hồng Thái
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thảo luận tại tổ về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế (BHYT), đại biểu Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội đề xuất, cần có quy định rõ ràng, thống nhất, đồng bộ về việc thanh toán BHYT, tạo thuận lợi cho người dân chữa bệnh theo BHYT.

Dự buổi thảo luận tổ có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài và các đại biểu Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội.

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài và Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội Phạm Thị Thanh Mai chủ trì thảo luận tổ. Ảnh: Hồng Thái
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài và Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội Phạm Thị Thanh Mai chủ trì thảo luận tổ. Ảnh: Hồng Thái

BHYT phải được thanh toán cho việc khám chữa bệnh từ xa

Thảo luận tại tổ về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT trong phiên họp Quốc hội chiều 24/10, Phó Trưởng ban Dân nguyện Trần Thị Nhị Hà cho hay, tỷ lệ tham gia BHYT của nước ta hiện khá cao, trong đó, tại Hà Nội chiếm 94,5%. Những năm gần đây, hầu như người dân nào đi khám chữa bệnh cũng xuất trình thẻ BHYT. Đặc biệt với những người nghèo, bệnh ung thư, chạy thận... rất cần thẻ BHYT như phao cứu sinh để khám chữa bệnh. 

“Luật lần này mới sửa đổi 1 số điều, chứ chưa sửa toàn diện, tôi đề nghị đánh giá việc thi hành Luật và đưa vào sửa đổi toàn diện” - đại biểu Trần Thị Nhị Hà nêu quan điểm. 

Theo đại biểu Trần Thị Nhị Hà, về phạm vi được hưởng của người tham gia theo Dự thảo Luật là phù hợp, nhưng Luật Khám bệnh, chữa bệnh đã quy định các hình thức khám chữa bệnh từ xa, khám chữa bệnh theo nguyên lý y học gia đình. “Tôi đề nghị BHYT cũng phải được thanh toán cho việc khám chữa bệnh từ xa, khám chữa bệnh theo nguyên lý y học gia đình. Đây là hình thức khám chữa bệnh mới, phù hợp với thực tiễn” - đại biểu Trần Thị Nhị Hà nêu quan điểm.

Phó Trưởng ban Dân nguyện Trần Thị Nhị Hà đề xuất, BHYT phải được thanh toán cho việc khám chữa bệnh từ xa. Ảnh: Hồng Thái
Phó Trưởng ban Dân nguyện Trần Thị Nhị Hà đề xuất, BHYT phải được thanh toán cho việc khám chữa bệnh từ xa. Ảnh: Hồng Thái

Về việc vận chuyển người bệnh, đại biểu Trần Thị Nhị Hà cho rằng, việc vận chuyển cấp cứu khi tai nạn, nhồi máu cơ tim... phải cấp cứu rất sớm, cần phải được thanh toán BHYT. Hiện nay nội dung vận chuyển cấp cứu người bệnh chỉ được thanh toán với một số đối tượng. Như vậy, tất cả bệnh nhân bị cấp cứu mà có BHYT phải thanh toán, trường hợp nào cấp cứu thì do bác sĩ chỉ định.

Theo đại biểu Trần Thị Nhị Hà, Dự thảo Luật mới đề cập đến phạm vi hưởng BHYT trong lĩnh vực khám chữa bệnh mà chưa quan tâm đến những lĩnh vực, dịch vụ khám sàng lọc, phát hiện sớm như một dịch vụ dự phòng. Việc sàng lọc phát hiện một số bệnh, đặc biệt là bệnh ung thư rất quan trọng. Đây là những bệnh nếu phát hiện sớm sẽ giảm chi phí điều trị,  giảm ngân sách Nhà nước, giảm bệnh tật cho người dân, BHYT cần chi trả. 

Về cấp khám chữa bệnh, theo Luật Khám bệnh, chữa bệnh có 3 cấp, nhưng Dự thảo Luật vẫn mang nặng chuyển tuyến. Theo đại biểu Trần Thị Nhị Hà, từ 1/1/2025, sẽ có 3 tuyến khám chữa bệnh, nhưng nội dung này trong Dự Luật tương đối mờ nhạt, chưa tích hợp được với Luật Khám bệnh, chữa bệnh, phải có giải pháp để người dân biết mình sẽ khám bệnh, chữa bệnh ở cơ sở nào, tạo trật tự khám bệnh, chữa bệnh cũng như cơ sở khám bệnh, chữa bệnh biết mình đang ở cấp nào để phục vụ người dân.

Các đại biểu Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội tham gia thảo luận tổ. Ảnh: Hồng Thái
Các đại biểu Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội tham gia thảo luận tổ. Ảnh: Hồng Thái

Các đại biểu đặt vấn đề, tình trạng thiếu thuốc, vật tư tiêu hao tại các cơ sở y tế và xử lý như thế nào khi người dân có thẻ BHYT nhưng đi khám chữa bệnh lại chưa có thuốc, vật tư tư tiêu hao đang được người dân rất quan tâm. Bộ Y tế đã ban hành Thông tư, quy định về thanh toán chi phí thuốc, trang thiết bị y tế trực tiếp cho người có thẻ BHYT, mong các nội dung quy định tại thông tư, sẽ được quy định về nguyên tắc tại Luật để triển khai đồng bộ.

“Cần phải có quy định rõ ràng, minh bạch, thống nhất, đồng bộ về việc này; tạo thuận tiện cho người dân và dễ hiểu cho cơ sở khám bệnh, chữa bệnh” - đại biểu Trần Thị Nhị Hà nhấn mạnh.

Đại biểu Trương Xuân Cừ bày tỏ băn khoăn đối với chính sách cho người cao tuổi. Ảnh: Hồng Thái
Đại biểu Trương Xuân Cừ bày tỏ băn khoăn đối với chính sách cho người cao tuổi. Ảnh: Hồng Thái

Xem xét lại chính sách BHYT cho người cao tuổi

Thảo luận tại tổ, đại biểu Trương Xuân Cừ bày tỏ băn khoăn đối với chính sách cho người cao tuổi. Đại biểu cho biết, các báo cáo của năm 2021, 2022 cho thấy hiện có 5% người cao tuổi chưa có BHYT, tức là khoảng 500.000 người, nhưng cho đến tháng 8/2024, số liệu này đã tăng lên 2,6 triệu người người cao tuổi chưa có BHYT.

“Con số này khiến các cơ quan quản lý, hội người cao tuổi hết sức giật mình bởi người Việt Nam tuổi thọ cao nhưng sức khoẻ tuổi già thì yếu. Nếu không có BHYT, gánh nặng trong cuộc sống của cá nhân, gia đình hết sức khó khăn. Tôi đề xuất người đủ từ 70 tuổi trở lên là được hưởng BHYT, người cao tuổi trong hộ cận nghèo nên từ 65 tuổi được hưởng BHYT. Qua các số liệu thống kê, người cao tuổi Việt Nam từ 60 tuổi trở lên thì tới 95% có bệnh. Từ 60 đến 80 tuổi có 3 bệnh nền, 80 tuổi trở lên có 6 bệnh nền. Nếu không có BHYT sẽ rất khó khăn” - đại biểu Trương Xuân Cừ đề xuất.

Đồng thời cho biết, Việt Nam hiện nay có 17 triệu người cao tuổi thì 5,7 triệu người có lương hưu trợ cấp, còn lại vẫn phải lao động kiếm sống. Dẫn chứng thêm về một nghịch lý khi năm 2014 tổng kết công tác y tế ở khu vực miền núi phía Bắc, số liệu tại hội nghị cho thấy đại đa số các tỉnh miền núi đều kết dư BHYT, vì dịch vụ y tế khu vực chưa phát triển, người dân không tích cực tham gia BHYT; do đó, đại biểu kiến nghị Quốc hội xem xét lại về chính sách BHYT cho người cao tuổi.

Đại biểu Nguyễn Anh Trí tham gia thảo luận tổ. Ảnh: Hồng Thái
Đại biểu Nguyễn Anh Trí tham gia thảo luận tổ. Ảnh: Hồng Thái

Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Anh Trí nhìn nhận, hơn 15 năm nay, từ khi có Luật BHYT, BHYT đã làm được rất nhiều việc, trong đó có 2 việc lớn. Đó là tác dụng to lớn trong khám chữa bệnh cho Nhân dân, nhất là với những bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo. Có bệnh nhân đã chia sẻ, sau khi phát hiện bệnh, nhẩm tính chi phí điều trị thì “căn nhà 5 tầng rung rinh”, nhưng nhờ có BHYT mà Nhân dân nói chung, nhất là bệnh nhân nghèo mới chữa bệnh được.

Bên cạnh đó, người dân thấy được phải có BHYT mới yên tâm, mặc dù trước kia, vẫn còn nhiều người trốn, không mua BHYT, tuy nhiên, sau 15 năm đã có rất nhiều bất cập, cần sửa đổi. Đó là nguy cơ vỡ Quỹ BHYT, nếu vận hành như cách của Luật cũ.

Theo đại biểu, vấn đề chuyển tuyến hiện đang là bất cập, dù đã có nhiều thay đổi, trong khi quyền, sự chủ động của người có thẻ BHYT chưa được hình thành rõ. Đại biểu Nguyễn Anh Trí cho rằng, không nên coi việc khám chữa bệnh theo tuyến bảo hiểm là biện pháp chống quá tải cho hệ thống y tế, mà phải tổ chức lại hệ thống y tế làm sao người dân có thể đến nơi khám, chữa bệnh nhanh nhất, đầy đủ nhất, có thầy giỏi, thuốc tốt; bảo đảm công bằng, bình đẳng trong thụ hưởng bảo hiểm y tế.

Dự thảo Luật sửa đổi 4 nhóm chính sách: Điều chỉnh đối tượng tham gia BHYT đồng bộ với các luật liên quan; điều chỉnh phạm vi BHYT phù hợp với mức đóng, cân đối Quỹ BHYT và yêu cầu chăm sóc sức khỏe trong từng giai đoạn; điều chỉnh các quy định BHYT liên quan trong từng cấp khám chữa bệnh; phân bổ, sử dụng quỹ BHYT hiệu quả. “Tôi đánh giá cao Chính phủ đã chuẩn bị sửa 4 chính sách này, đặc biệt là chính sách điều chỉnh phạm vi BHYT phù hợp với mức đóng. Nếu làm được điều này quá tốt. Thứ hai là điều chỉnh theo cấp chuyên môn kỹ thuật khám bệnh, chữa bệnh” - đại biểu Nguyễn Anh Trí chia sẻ.