Trong thời gian qua, dù sức hấp thụ vốn của nền kinh tế còn yếu nhưng các ngân hàng trong đó nổi bật là OCB đã rất nỗ lực, thực hiện nhiều giải pháp để tăng khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng tín dụng.
Theo báo cáo tài chính, tăng trưởng tín dụng của OCB tính đến hết 30-6-2024 đạt 6,3%, mức cao hơn trung bình ngành. Với việc từng bước chuyển dịch cơ cấu khách hàng, cải thiện năng lực cạnh tranh, đẩy nhanh tốc độ phục vụ khách hàng, phát triển phân khúc doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME), đưa ra nhiều chương trình, giải pháp tài chính thiết thực, ưu đãi lãi suất cố định, đồng hành cùng quá trình phát triển, sản xuất kinh doanh, tín dụng dành cho nhóm khách hàng SME của ngân hàng tăng gần 18%.
Ngoài việc hỗ trợ về lãi suất và tỷ giá, OCB cũng đang tập trung chuyển đổi số các sản phẩm dịch vụ tài chính để nâng cao sự thuận tiện và rút ngắn thời gian giao dịch cho khách hàng doanh nghiệp.
Tính đến hết quí 2-2024, huy động TT1 của ngân hàng giảm nhẹ về mức xấp xỉ cuối năm 2023, do ngân hàng chủ động cân đối nguồn vốn phù hợp hơn nhờ đó tối ưu hóa chi phí vốn.
Tổng thu thuần tăng 2,4% so với cùng kỳ năm trước, đạt 4.559 tỉ đồng. Trong đó, thu thuần từ lãi tăng gần 9%, cho thấy hoạt động kinh doanh cốt lõi giữ mức tăng trưởng ổn định nhờ “trái ngọt” của chiến lược chuyển đổi số. Tháng 5-2024, OCB đã chính thức ra mắt phiên bản ngân hàng số OCB OMNI thế hệ mới, hiện đại nhất hiện nay, hội tụ đầy đủ những tính năng đáp ứng nhu cầu tối ưu của người tiêu dùng Việt Nam về tốc độ và sự tiện lợi. Nhờ đó đã thu hút lượng lớn khách hàng chuyển đổi sang giao dịch trực tuyến. Theo kết quả lũy kế 6 tháng đầu năm 2024, OCB OMNI có số lương giao dịch tăng 76%, lượng tiền gửi không kỳ hạn (Casa) tăng 52%, lượng tiền gửi có kỳ hạn (Esaving) tăng 53%. Đối với mảng kinh doanh Thẻ, doanh số giao dịch thẻ tăng 27%, thu thuần tăng 32%.
Mặc dù thu thuần từ lãi tăng không đáng kể nhưng OCB đã tăng trưởng quy mô so với cùng kỳ nhờ chủ động hỗ trợ lãi suất và phí thông qua các chương trình đồng hành cùng khách hàng theo chủ trương chung của Chính phủ và NHNN.
Thu thuần ngoài lãi của OCB ghi nhận giảm hơn 24%, điều này đến chủ yếu từ hoạt động đầu tư kinh doanh trái phiếu Chính phủ giảm do ảnh hưởng của thị trường. Tuy nhiên, ngân hàng đã cực kỳ linh hoạt, tận dụng tốt cơ hội biến động mạnh của tỷ giá giúp cải thiện trong thu thuần kinh doanh ngoại tệ, tăng gần 101% so với cùng kỳ năm trước.
Ngoài ra, thu thuần ngoài lãi từ dịch vụ cũng ghi nhận giảm 27,9% so với năm trước, đạt 270 tỉ đồng. Lý do chủ yếu đến từ việc OCB chủ động hỗ trợ nhóm khách hàng doanh nghiệp lớn đã đồng hành lâu năm, bằng việc giảm phí dịch vụ các sản phẩm tài chính do OCB cung cấp, đồng thời khuyến khích và hướng khách hàng sử dụng giải pháp thanh toán số như OCB Propay, qua đó tiết kiệm đến 80% thời gian cũng như các chi phí vận hành của doanh nghiệp. Điều này, phần nào hỗ trợ doanh nghiệp giảm áp lực về chi phí, tập trung phát triển, kinh doanh. Bên cạnh đó, cũng phù hợp với định hướng phát triển bền vững của ngân hàng.
Cũng theo báo cáo, 6 tháng đầu năm, với việc gia tăng chi phí dự phòng và chi phí hoạt động đã khiến tổng lợi nhuận của ngân hàng đạt 2.113 tỉ, giảm 17,5% so với cùng kỳ năm 2023.
Chia sẻ về vấn đề này, lãnh đạo OCB cho biết: “Doanh nghiệp và người dân hiện vẫn gặp nhiều khó khăn, dẫn đến việc ngân hàng trên toàn hệ thống phải đối mặt với vấn đề nợ xấu cao. Chính vì vậy, để tăng bộ đệm, đảm bảo hoạt động của ngân hàng trước thực trạng thị trường có nhiều biến số khó lường, OCB đã tiến hành tăng chi phí dự phòng và đánh giá lại danh mục nợ với quan điểm thận trọng. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng tập trung mở rộng mạng lưới, phát triển nguồn nhân lực và hệ thống công nghệ. Điều này có thể ảnh hưởng đến lợi nhuận của ngân hàng trong giai đoạn hiện tại nhưng sẽ tạo nền tảng lâu dài cho việc phát triển bền vững của ngân hàng”.
Được biết, cuối năm 2023, OCB đã mở mới 10 CN/PGD. Năm 2024, được sự phê duyệt của NHNN, ngân hàng dự kiến mở mới thêm 17 CN/PGD, nâng điểm giao dịch lên 176 tại 48 tỉnh thành trên cả nước. Số lượng nhân sự của ngân hàng trong 6 tháng, tăng thêm 12%, chi phí phúc lợi dành cho nhân viên và thu nhập cũng có sự cải thiện, tăng 15%.
Tính tại thời điểm 30-6-2024, tổng tài sản ngân hàng xấp xỉ đầu năm ở mức 238.884 tỉ đồng. Các quy định về tỷ lệ an toàn vốn và khả năng thanh khoản cũng được OCB kiểm soát và đảm bảo tuân thủ theo quy định của NHNN.
Mặc dù lũy kế 6 tháng đầu năm các nhóm nợ có tăng và đến chủ yếu từ nhóm khách hàng cá nhân tuy nhiên OCB vẫn kiểm soát tỷ lệ nợ xấu ở mức 2,3%, thấp hơn mức kiểm soát 3% của NHNN. Việc luôn chủ động hỗ trợ, đưa ra các gói vay ưu đãi lãi suất về sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tiêu dùng, nhằm giúp người dân, cũng như doanh nghiệp có thêm điều kiện phát triển là ưu tiên hàng đầu của OCB trong nhiều năm qua.
Với bối cảnh hiện tại, doanh nghiệp đóng cửa, tỷ lệ thất nghiệp gia tăng… phần nào đã ảnh hưởng đến khả năng trả nợ của khách hàng. Đặc biệt, nhóm khách hàng không còn khả năng phục hồi từ sau tác động của covid và suy thoái kinh tế, đến thời điểm này đã chuyển sang nợ nhóm 5, tuy nhiên phần lớn nợ xấu đều có tài sản bảo đảm là bất động sản (BĐS). Do thị trường BĐS vẫn chưa khởi sắc thời gian qua, việc xử lý tài sản đảm bảm còn gặp nhiều khó khăn, song song đó, phía ngân hàng cũng rất muốn hỗ trợ khách hàng xử lý tài sản ở mức giá phù hợp hơn. Với tình hình hiện nay, BĐS đang có dấu hiệu khởi sắc với nhiều hỗ trợ từ Chính phủ, OCB tin rằng, đây sẽ là cơ hội giúp cả ngân hàng và khách hàng đẩy nhanh tiến độ xử lý tài sản đảm bảo trong thời gian tới đây, qua đó giảm tỷ lệ nợ xấu.
Ưu tiên xử lý, kiểm soát nợ xấu sẽ là một trong những mục tiêu quan trọng của OCB thời gian tới. Việc NHNN ban hành Thông tư 06 kéo dài thời gian thực hiện chính sách tại Thông tư 02 về cơ cấu nợ, giữ nguyên nhóm nợ đến hết 31-12-2024 sẽ giúp khách hàng giảm tải được phần nào áp lực trả nợ, có điều kiện phục hồi tốt hơn, nhờ đó, ngân hàng cũng giảm được áp lực nợ xấu, trích lập dự phòng. Bên cạnh đó, OCB sẽ tiếp tục xây dựng, kiện toàn hệ thống quản trị nợ, cảnh báo sớm, từ đó giúp chúng tôi kiểm soát cũng như đưa ra nhiều phương án hỗ trợ khách hàng một cách hiệu quả hơn, đại diện lãnh đạo OCB nhấn mạnh thêm.
Năm 2024 được xem là năm quan trọng trong chiến lược phát triển giai đoạn 2021 – 2025 của OCB. Vì thế, trong những tháng cuối năm, ngân hàng sẽ tập trung đẩy mạnh, phát triển nhóm khách hàng cá nhân theo phân khúc trung và cao cấp với những sản phẩm “may đo” phù hợp với từng nhu cầu chuyên biệt. Tận dụng tối đa nguồn lực, quy trình vận hành, ưu tiên hỗ trợ kinh doanh, đẩy nhanh tốc độ xử lý giao dịch. Bên cạnh đó, áp dụng những chính sách mới, hiệu quả, nhằm tăng chất lượng tín dụng, tăng tốc xử lý nợ xấu và chuyển đổi số.
“6 tháng đầu năm, với những yếu tố cả khách quan lẫn chủ quan từ thị trường cùng với việc chủ động đưa ra nhiều chính sách đồng hành cùng khách hàng cũng như tăng chi phí đầu tư công nghệ, chi phí nhân sự đã khiến kết quả quý 2 cũng như lũy kế 6 tháng của OCB chưa đạt như kỳ vọng. Tuy nhiên, với mục tiêu tăng trưởng ổn định, minh bạch, bền vững, cùng chiến lược rõ ràng và kế hoạch hành động cụ thể, tôi kỳ vọng 6 tháng cuối năm, ngân hàng sẽ có thành quả tốt hơn”, ông Phạm Hồng Hải, Tổng Giám đốc OCB cho biết.