Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tập trung khắc phục ô nhiễm tại chợ Hà Vĩ

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Được xây dựng với số vốn trên 35 tỷ đồng bằng nguồn hỗ trợ của Ngân hàng Thế giới (WB) và TP Hà Nội, nhưng chợ đầu mối gia cầm Hà Vĩ, xã Lê Lợi, huyện Thường Tín vẫn chưa đảm bảo vệ sinh môi trường, đến mức nhà tài trợ phải "tuýt còi".

Ô nhiễm vì quá tải

Ngày 7/8, chúng tôi đến chợ Hà Vĩ trong cơn mưa nặng hạt. Vừa bước chân vào chợ, mùi hôi nồng đặc trưng của gia cầm từ các ki-ốt sộc vào mũi. Hầu hết các ki-ốt bán gà, vịt, ngan đều cáu bẩn bởi phân, lông, rác thải, thậm chí nhiều chỗ còn có cả tiết gà, vịt do chủ hộ "kiêm" luôn dịch vụ giết mổ tại chỗ. Điều đáng nói, nhiều hộ sử dụng trấu, rơm rạ để lót nền, nên khi trời mưa, chợ càng nhếch nhác hơn. "Bán trên nền sân như thế này thì không thể đảm bảo vệ sinh môi trường" - anh Nguyễn Cảnh Đàn, một tiểu thương bán vịt tại chợ Hà Vĩ thừa nhận.

Theo Ban Quản lý chợ Hà Vĩ, từ khi đưa vào hoạt động (tháng 7/2011) đến nay, chợ đã bước đầu gom các hộ buôn bán gia cầm nhỏ lẻ vào khu tập trung để quản lý và đảm bảo trật tự giao thông trên địa bàn. Tuy nhiên, vấn đề nổi cộm nhất hiện nay là chợ chưa đảm bảo tiêu chí môi trường do hoạt động quá tải. Ông Nguyễn Đăng Thênh, Phó Chủ tịch UBND xã Lê Lợi, kiêm phụ trách quản lý chợ cho biết, theo thiết kế, chợ chỉ đảm bảo công suất khoảng 30 - 40 tấn gia cầm/ngày. Nhưng hiện nay, công suất giết mổ gia cầm tại chợ Hà Vĩ lên tới gấp đôi, thậm chí có ngày gấp ba (120 tấn/ngày).

Chợ Hà Vỹ có diện tích 1,7ha gồm 162 gian, mỗi gian rộng 21m2, gồm hai dãy sàn và một lối đi ở giữa. Tuy nhiên, do diện tích quá nhỏ, nhiều hộ kinh doanh đã phá sàn, san lấp rãnh thoát nước và cơi nới, nhốt gia cầm trên mặt sân trước cửa ki-ốt để bán. Ước tính mỗi ngày, chợ Hà Vỹ thải 2 - 3 tấn phân, rác thải. Theo đúng quy trình, hàng ngày rác thải phải được thu gom đưa về khu ủ, xử lý bằng vôi bột, thuốc sát trùng. Sau một tuần mới được đưa ra ngoài chôn lấp hoặc làm phân bón. Tuy nhiên, từ khi hoạt động tới nay, toàn bộ lượng phân, rác thải chưa được xử lý mà đưa trực tiếp ra bên ngoài. Do thiết kế của khu bể chứa không phù hợp, nắp cống nhỏ, nên không thuận tiện cho công tác thu gom.

Xử lý bằng nhiều biện pháp

Chợ đầu mối gia cầm Hà Vĩ được xây dựng từ tháng 1/2010, với tổng kinh phí đầu tư là 35,1 tỷ đồng, trong đó Dự án VAHIP (do WB tài trợ)  hỗ trợ 17,1 tỷ đồng. Mục tiêu là bảo đảm an toàn môi trường và giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm cúm gia cầm H5N1 từ bên ngoài vào chợ; nguy cơ tàng trữ mầm bệnh tại chợ và nguy cơ lây truyền dịch bệnh từ chợ ra bên ngoài. Cuối tháng 6/2012, đoàn công tác của WB đã kiểm tra thực tế tại đây và kết luận "tồn tại lớn nhất của Dự án chợ Hà Vĩ hiện nay là hoạt động chưa bảo đảm an toàn môi trường, sức khỏe con người và gia cầm như cam kết". WB khuyến nghị sẽ kiểm tra và đánh giá lại tình hình, nếu hoạt động của chợ không đạt được các quy định về bảo vệ môi trường và an toàn dịch bệnh, sẽ ngừng hỗ trợ mọi hoạt động của Dự án VAHIP đang triển khai tại Hà Nội.
 
Tập trung khắc phục ô nhiễm tại chợ Hà Vĩ - Ảnh 1
Gia cầm được bày bán trên mặt sân thiếu vệ sinh an toàn thực phẩm và gây ô nhiễm môi trường. Ảnh: Thiên Tú

Chính vì vậy, việc khắc phục ô nhiễm môi trường chợ gia cầm Hà Vĩ không chỉ nhằm đáp ứng tiêu chuẩn về vệ sinh, an toàn thực phẩm mà còn giữ uy tín với các đối tác và nhà tài trợ. Trước tình hình đó, ngày 3/7, Bộ NN&PTNT đã có văn bản yêu cầu UBND TP Hà Nội khẩn trương thực hiện các giải pháp đảm bảo môi trường chợ Hà Vĩ. Tới ngày 26/7, UBND TP tiếp tục có công văn đôn đốc Sở NN&PTNT và huyện Thường Tín làm tốt công tác này.

Để khắc phục tồn tại trên, từ đầu tháng 8, UBND xã Lê Lợi, Ban Quản lý chợ gia cầm Hà Vĩ đã tổ chức tuyên truyền cho các hộ kinh doanh thực hiện tốt nội quy của chợ, nhất là cam kết bảo đảm vệ sinh môi trường. Ban Chỉ đạo 127 của huyện Thường Tín đã lên kế hoạch, từ 1/9, tất cả các cơ quan chức năng gồm thú y, quản lý thị trường, công an... sẽ tiến hành kiểm tra tại chợ 10 ngày/tháng về việc đảm bảo vệ sinh thú y, giấy phép kinh doanh, nộp thuế... Theo lộ trình, trước ngày 30/9, toàn bộ số hộ kinh doanh gia cầm trong chợ Hà Vĩ phải lắp đặt lồng sàn trở lại, nhốt gia cầm trên sàn và dự kiến sẽ cho nghỉ kinh doanh 1 ngày để tổ chức rửa sạch chợ.

Ông Nguyễn Kỳ, cán bộ Ban Quản lý chợ Hà Vĩ cho biết, để giảm thiểu ô nhiễm, trong tháng 8 này, Ban Quản lý sẽ quản chặt tình trạng đưa rơm rạ, trấu vào chợ. Nếu hộ nào không tuân thủ sẽ bị phạt từ 50.000 - 100.000 đồng/lần. Dự kiến, sẽ tăng thêm một tổ thu gom rác thải, vì hiện nay chỉ có 5 công nhân, làm việc quá tải. Ông Kỳ đã kiến nghị Ban Quản lý Dự án VAHIP Hà Nội làm việc với đối tác để điều chỉnh, sửa thiết kế một số phân khu trong chợ, nhất là khu xử lý chất thải; hỗ trợ kinh phí tu sửa, làm hệ thống cống rãnh và lắp đặt sàn nuôi nhốt gia cầm cho các hộ dân… nhằm xử lý triệt để vấn đề ô nhiễm trong chợ.

Về thông tin gà Trung Quốc nhập lậu "tuồn" vào chợ Hà Vĩ, ông Nguyễn Đăng Thênh cho biết, trước đây có tình trạng này, tuy nhiên từ sau khi có Công điện của Thủ tướng và Thành phố kiểm soát gia cầm nhập khẩu, đến nay trên địa bàn chợ hiện không còn gà nhập lậu.