Tập trung khơi thông nguồn vốn tín dụng

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tăng trưởng tín dụng và xử lý nợ xấu đang là vấn đề dư luận đặc biệt quan tâm khi chỉ còn hơn một tháng nữa là kết thúc năm 2014.

Tập trung khơi thông nguồn vốn tín dụng - Ảnh 1
Bên hành lang Quốc hội ngày 19/11, phóng viên báo Kinh tế & Đô thị đã có cuộc trao đổi với ĐB Trần Hoàng Ngân (đoàn TP Hồ Chí Minh) về dự báo tăng trưởng tín dụng trong năm nay.

ĐB Trần Hoàng Ngân cho biết, thời gian qua, yếu tố vốn đóng vai trò rất quan trọng trong nền kinh tế nước ta nên tăng trưởng tín dụng sẽ góp phần tạo vốn cho thị trường và khi đó DN có điều kiện đầu tư máy móc, thiết bị, tài sản lưu động, mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh... Với diễn biến như hiện nay, tôi nhận định mức tăng trưởng tín dụng năm nay sẽ đạt được ở mức chỉ tiêu kế hoạch đề ra, tức là khoảng 12 - 14%.

Nhưng đến thời điểm này, có khá nhiều ngân hàng thông báo lãi lớn, song cũng có không ít ngân hàng ghi nhận lỗ và có mức tăng trưởng tín dụng âm.  Vậy, theo ông để đạt được mục tiêu cần phải có giải pháp gì?

- Tôi cho rằng các ngân hàng đang tích cực và phải tích cực hơn nữa trong việc chuyển nợ xấu sang các công ty mua bán nợ (VMC). Bên cạnh đó, bản thân Ngân hàng Nhà nước phải giảm tỷ lệ trích dự phòng rủi ro để giúp cho các ngân hàng thương mại cảm thấy có lợi hơn khi chuyển nợ xấu về phía VMC. Khi không còn nợ xấu, DN sẽ tiếp cận được vốn. Trước đây, ngân hàng phải trích dự phòng rủi ro 20%. Đây thực sự trở thành gánh nặng cho ngân hàng, do đó theo tôi phải giảm tỷ lệ trích dự phòng rủi ro xuống còn 10%, từ đó tạo chất kích thích để NHNN tăng được tín dụng của mình. Khi đó, chúng ta có điều kiện hoàn thành mục tiêu đưa nợ xấu về mức 3% vào năm 2015.

Khơi thông nguồn vốn tín dụng là việc làm cần thiết và thực tế hiện nay các ngân hàng cũng vừa mới đồng loạt hạ lãi suất cho vay. Nhưng thực tế việc tiếp cận vốn vay của các DN cũng chưa hẳn đã dễ dàng, thưa ông?

- Khi nhìn thấy cơ hội, xu hướng phát triển của nền kinh tế và môi trường kinh doanh được cải thiện, DN sẽ mạnh dạn trong việc đầu tư sản xuất, kinh doanh. Đó là điều kiện cần thiết, tuy nhiên điều kiện đủ nữa là phải có sự hỗ trợ của Chính phủ về mặt cải cách hành chính và đặc biệt là hỗ trợ DN vay vốn trung và dài hạn. Nhà nước phải có chính sách hỗ trợ lãi suất để DN đổi mới máy móc thiết bị, từ đó tăng năng suất lao động, cải tiến mẫu mã sản phẩm, tạo được sự cạnh tranh với sản phẩm ngoại nhập. Đấy là yếu tố rất quan trọng để dòng vốn lưu thông.

Xin cảm ơn ông!

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần