Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tập trung lấy nước sản xuất vụ xuân

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Những ngày qua, tranh thủ đợt xả nước đầu tiên, các trạm bơm dã chiến đã được các công ty thủy lợi của TP vận hành hết công suất để cấp nước vào hệ thống kênh mương, ao hồ. Người nông dân đang chủ động, tích cực lấy nước đổ ải và chăm sóc mạ xuân.

Không để ruộng thiếu nước

Tại Trạm bơm dã chiến Phù Sa (thị xã Sơn Tây), 8 công nhân của Công ty Thủy lợi sông Tích được phân công ứng trực liên tục, vận hành hết công suất các máy bơm. Ông Hà Văn Trung - kíp trưởng Trạm bơm  cho biết, tranh thủ mực nước sông Hồng lên cao, trạm đã cho vận hành 21 máy bơm đưa nước vào các kênh, mương phục vụ người dân lấy nước làm đất, gieo mạ. Ngoài Trạm bơm dã chiến Phù Sa, Công ty Thủy lợi sông Tích cũng bố trí gần 200 công nhân ứng trực 24/24 giờ  trên toàn bộ hệ thống các công trình thủy lợi. Công ty đã cho vận hành trên 80 máy bơm của hơn hai chục trạm bơm với tổng công suất 80.000m3/giờ tiếp nước từ sông Hồng, sông Đà vào nội đồng. Nhờ đó, hơn 20.000ha diện tích đất canh tác nông nghiệp thuộc địa bàn các huyện: Ba Vì, Phúc Thọ, Quốc Oai, Thạch Thất và thị xã Sơn Tây có đủ nước phục vụ đổ ải.

 
Trạm bơm dã chiến Phù Sa vận hành hết công suất phục vụ nông dân lấy nước đổ ải.
Trạm bơm dã chiến Phù Sa vận hành hết công suất phục vụ nông dân lấy nước đổ ải.
Thống kê của Chi cục Thủy lợi Hà Nội cho thấy, những ngày qua, 5 công ty thủy lợi đã vận hành liên tục 135 trạm bơm với 350 máy bơm các loại, bơm tổng lưu lượng trên 400.000m3 nước/giờ từ sông Hồng, sông Đà, sông Đuống... vào nội đồng, phục vụ công tác lấy nước đổ ải vụ xuân 2015. Ông Nguyễn Vĩnh Liên - Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Hà Nội cho biết, đến hết ngày 29/1, các quận, huyện, thị xã đã tập trung lấy nước, làm đất đổ ải được khoảng 43.000ha, cũng như chuẩn bị sẵn sàng nhân lực, vật tư để tiếp nhận nước đợt 2 (từ ngày 30/1 đến 7/2). Trong đợt 1 xả nước vừa qua, nhiều địa phương đã lấy nước đổ ải đạt cao như: Phú Xuyên 90%, Thanh Oai 80%, Hà Đông 70%, Ứng Hòa 65%, Mỹ Đức 59%... Tuy nhiên, vẫn còn một số địa phương có tập quán cấy muộn chưa đưa nước vào đồng ruộng nên diện tích canh tác có nước đạt thấp như: Sóc Sơn trên 7,3%,  Gia Lâm gần 8%, Thanh Trì và Đông Anh dưới 15%. Cá biệt có một số địa phương vẫn chưa lấy nước đổ ải. Sở NN&PTNT Hà Nội đã yêu cầu các địa phương này cần chủ động lấy nước ngay từ ngày đầu của đợt xả nước lần 2 và vận động nông dân xuống đồng canh tác đúng khung thời vụ.

Đảm bảo khung thời vụ

Những năm gần đây, tình trạng thiếu nước vụ xuân tại một số diện tích đất canh tác vùng bãi đã cơ bản được khắc phục. Tại cánh đồng xã Hát Môn (huyện Phúc Thọ), không khí lấy nước đổ ải của bà con nông dân đang rất khẩn trương. Ông Hồ Xuân Thắng - Chủ nhiệm HTX nông nghiệp Hát Môn cho biết, đến thời điểm này, toàn xã đã lấy nước đổ ải được 70% diện tích vụ xuân. Trong đợt xả nước lần 2, HTX sẽ chỉ đạo đội thủy nông tiếp nước cho 30% diện tích còn lại ở chân ruộng vàn cao và tích nước vào các ao hồ, kênh mương để phục vụ công tác tưới dưỡng cho lúa sau này. Xã Hát Môn phấn đấu cấy xong toàn bộ 160ha lúa xuân trước Tết Nguyên đán.

Nông dân các xã khu vực phía Nam TP cũng đang hối hả ra đồng chăm sóc mạ, làm đất để chuẩn bị cấy vụ xuân. Bà Nguyễn Thị Tứ ở thôn Cầu, xã Tam Hưng (huyện Thanh Oai) vụ xuân năm nay cấy 3 mẫu ruộng. Những ngày qua, gia đình bà cắt cử người thay phiên nhau ra đồng lấy nước, thuê máy làm đất để kịp cấy vụ xuân trong khung thời vụ tốt nhất. Không chỉ gia đình bà Tứ mà hầu hết các hộ dân khác nơi đây đều tranh thủ có nước, thời tiết nắng ấm, chủ động ra đồng làm đất, đổ ải. 
Tổng cục Thủy lợi (Bộ NN&PTNT) đã có công điện yêu cầu Sở NN&PTNT các tỉnh, TP trong khu vực Trung du và Đồng bằng sông Hồng tăng cường chỉ đạo công tác điều hành lấy nước đổ ải đợt 2 (từ 0 giờ ngày 30/1 đến 24 giờ ngày 7/2).

 

Tại huyện Mỹ Đức, bà con nông dân các xã cũng đang tích cực ra đồng làm đất, cày ải để chuẩn bị gieo trồng vụ mới. Đến nay, toàn huyện Mỹ Đức đã lấy nước được hơn 4.000ha/7.950ha diện tích gieo cấy, trong đó, diện tích đã làm đất đạt khoảng 60%. Trưởng phòng Kinh tế huyện Mỹ Đức - bà Lê Thị Kim Thúy cho biết, bên cạnh việc phối hợp với các công ty thủy lợi hỗ trợ người dân lấy nước đổ ải, làm đất, đảm bảo đúng khung thời vụ, vụ xuân năm nay, huyện chủ trương đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu giống lúa, tăng diện tích cấy các giống lúa lai, lúa thuần, lúa chất lượng cao... Đặc biệt, năm 2015, Mỹ Đức có chính sách hỗ trợ 50% giá giống lúa lai và lúa thuần năng suất cao để vận động người dân sản xuất theo hướng hàng hóa nhằm nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm.