Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tập trung nguồn lực vào doanh nghiệp sản xuất thay vì "giải cứu" thị trường BĐS

Hà Nam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thời điểm các ngân hàng thực hiện chính sách kiểm soát tín dụng, nhiều doanh nghiệp rơi vào tình trạng khó khăn, đặc biệt doanh nghiệp kinh doanh bất động sản. Gần đây, các hiệp hội và doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này bắt đầu tổ chức hội thảo, đề xuất, kiến nghị nhằm giải cứu.

Trong đó, câu chuyện với vấn đề mấu chốt vẫn chỉ xoay quanh đề xuất “nới room cho vay”, để hướng đến cái đích là bơm tiền vào thị trường này nhằm giải quyết cơn khát vốn. Giải cứu hay không và giải cứu bằng cách nào, thiết nghĩ phải cần xem lại bản chất và nguyên nhân thực sự.

Người người, nhà nhà đi buôn đất

Không khó để nhận thấy, những năm gần đây thị trường bất động sản phát triển ồ ạt đến mức giá trị nhà đất bị đẩy cao lên không tưởng, và thị trường này trở thành miếng bánh béo bở mà ai cũng muốn tham dự để có phần. Nhiều đại gia và tỷ phú xuất hiện sau vài phi vụ đầu tư, kéo theo người người và nhà nhà đua nhau đi “buôn đất”, đến người bán tạp hóa trong ngõ nhỏ cũng đôi khi trong vai một người môi giới nhà đất.

Nhìn quanh, cả nền kinh tế hầu như bị cuốn vào phân lô bán nền, buôn căn hộ, buôn suất đầu tư. Ngành nghề này đúng thật là có đóng góp về mặt thuế cho Nhà nước, nhưng tạo ra “giá trị ảo” đôi khi đến mức không tưởng và nhiều ngành khác bị ảnh hưởng không nhỏ.

Bao năm qua, chúng ta chứng kiến không biết bao nhiêu sinh viên đã tốt nghiệp, nhưng không theo đuổi ngành nghề đã học và được đào tạo để lao vào làm nhân viên kinh doanh bất động sản với thu nhập chủ yếu là hoa hồng môi giới; tất nhiên, chi phí này sẽ được cộng vào giá thành. Như một lẽ hiển nhiên, nguồn lao động lẽ ra dành cho các ngành nghề sản xuất khác sẽ bị thâm hụt một cách bị động, đáng tiếc hơn cả là lao động tri thức và có tay nghề được đào tạo qua trường lớp. Về lâu dài, nguy cơ thiếu nhân lực và thiếu tiềm lực tài chính sẽ đến với các lĩnh vực sản xuất này là điều chắc chắn.

Cũng nên lưu ý, các nước Zimbabwe, Venezuela, Mali, Nauru… trước đây rất giàu. Họ làm giàu rất dễ, cứ đào, đãi, hút, nhặt tài nguyên lên là có tiền. Cũng vì quá dễ nên người dân cùng nhau lao vào, thay vì chọn một nghề khác để kiếm sống. Và rồi, đến khi nguồn tài nguyên cạn kiệt hoặc khủng hoảng đến, họ chẳng biết làm gì để kiếm sống vì năng lực sản xuất của toàn xã hội để tạo ra sản phẩm hầu như không có. Cái kết là lâm vào tình trạng vỡ nợ, trở thành những nước nghèo nhất thế giới như hiện nay. Ở nước ta, kinh tế “phân lô bán nền, xây căn hộ” những năm gần đây cũng đã mang dáng dấp như vậy!

Luật sư Lê Ngô Trung - Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh cho rằng cần thiết phải xem lại có nên "giải cứu" thị trường bất động sản trong bối cảnh hiện nay
Luật sư Lê Ngô Trung - Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh cho rằng cần thiết phải xem lại có nên "giải cứu" thị trường bất động sản trong bối cảnh hiện nay

“Lịch sử” lặp lại, nhưng không có bài học rút kết

Giai đoạn khủng hoảng kinh tế và được Chính phủ ra sức giải cứu năm 2009 - 2012, ban đầu nguồn tiền được bơm ra với mục tiêu kích cầu cho cả nền kinh tế (bao gồm sản xuất, xuất khẩu, tiêu thụ nội địa…), nhưng sau đó thì phần lớn tập trung vào gói hỗ trợ cho vay bất động sản.

Kết quả là các doanh nghiệp bất động sản vượt khó, giá nhà đất lại leo thang, người cần nhà để ở thì vẫn mãi ước vọng; ai hưởng lợi thì không khó để hình dung. Và rồi, các doanh nghiệp và phú ông đầu tư này vẫn theo lối cũ “chứng nào tật đó”, vẫn bơm - thổi để thu về lợi nhuận càng nhiều càng tốt. Họ xoa tay hoan hỷ với lần vượt khó thành công, mà không kèm bất kỳ bài học nào rút ra hoặc phòng bị để tránh cho lần sau. Đâu lại vào đó!

Thực tế thời gian gần đây, giá nhà đất bị đẩy cao ngất ngưởng, kỷ lục bị phá vỡ liên tục. Còn nhân viên kinh doanh của các doanh nhiệp bất động sản thì mời chào khách hàng với việc gieo ý tưởng về kết quả cuối cùng là “gói đầu tư tiềm năng, đầu tư sẽ sinh lợi”. Họ gần như tự hiểu khách hàng là mua để đầu tư và bán lại chứ không là người tiêu dùng thực thụ cho sản phẩm này.

Liệu rằng, lần giải cứu này sẽ giúp các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản vượt khó kèm cam kết cơ cấu lành mạnh, không bơm - thổi để điều này không tiếp diễn, hay ít ra là không tiếp tục gây ảnh hưởng cho các lĩnh vực khác bằng thu hút phần lớn nguồn vốn thị trường?!

Giải cứu hay không, cần xem lại

Thiết nghĩ, bất kỳ ngành nghề nào hoạt động và vận hành trong nền kinh tế thị trường tất nhiên sẽ có lúc thuận lợi và khó khăn, có lúc lãi nhiều và cũng có lúc thua lỗ. Nhưng nếu doanh nghiệp phát triển trên nền tảng thực sự bền vững và sức khỏe tài chính lành mạnh, hay ít ra là đúng giá trị thực thì lúc gặp khó cũng sẽ tự lướt qua được.

Việc phát triển dựa trên những giá trị phi thực tế sẽ gặp rủi ro là điều tất yếu, chúng đến sớm hay muộn mà thôi. Giải pháp chỉ xoay quanh “nới room tín dụng” hay giải cứu bằng tiền Chính phủ trong thời gian tới, không khéo lại ''vỗ béo'' cho một số “người nhiều tiền” đang bắt đầu gom đất theo kiểu “bắt đáy”, mua nhà đất “ngộp”… để sau đó thu lợi nhuận nhiều hơn, mà chắc chắn đó là phần tiền được bơm vào thị trường với sứ mệnh giải cứu.

Thay vì cố gắng giang tay để cứu cho bằng được ngành nghề kinh doanh bị bơm - thổi này, thì hãy tập trung nguồn lực tài chính vào các doanh nghiệp sản xuất, tạo ra sản phẩm có giá trị sử dụng và xuất khẩu để mang lại “nguồn sống đích thực” cho quốc gia.

Trên hết, có thể xem đây là cơ hội cho các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản cơ cấu lại cả về nhân sự, kế hoạch và nhìn nhận đúng năng lực tài chính của mình. Đánh giá lại, xem lại để chấn chỉnh cho phù hợp, để cơn bão “bơm giá, lướt sóng” tan đi, để người có nhu cầu sử dụng thực sự được tiếp cận và yên tâm mà lao vào công việc thường ngày, góp phần phát triển kinh tế chung của quốc gia.

Tin rằng, khi khó khăn vượt qua bằng chính thực lực, thì thị trường sẽ lành mạnh. Các doanh nghiệp không đủ năng lực nên chọn sân chơi và ngành nghề kinh doanh phù hợp hơn, thay vì đánh đu mạo hiểm để rồi dẫn đến hậu quả là khối nợ xấu cho ngân hàng khó có thể giải quyết hay thanh lý, và xa hơn là hệ lụy cho cả một nền kinh tế chung.