Tập trung triển khai cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc

Phương Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo Bộ Tư pháp, công tác đăng ký và quản lý hộ tịch là nhiệm vụ quản lý Nhà nước quan trọng, góp phần bảo đảm quyền con người, quyền cơ bản của công dân được quy định trong Hiến pháp.

 Sau hơn 2 năm triển khai Luật Hộ tịch 2014, công tác đăng ký, quản lý hộ tịch dần được chuyên nghiệp hóa, đội ngũ cán bộ làm công tác này đã được chú trọng tăng cường. Qua đó, giúp người dân làm các thủ tục đăng ký một cách dễ dàng, thuận tiện và nhanh chóng.

Để thực hiện Chương trình hành động quốc gia của Việt Nam về đăng ký và thống kê hộ tịch giai đoạn 2017 - 2024, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long yêu cầu tập trung vào các giải pháp nâng cao năng lực, chuyên nghiệp hóa đội ngũ cán bộ; đẩy nhanh nguồn lực xây dựng, triển khai Đề án Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc. Đặc biệt là việc chuyển đổi dữ liệu từ sổ giấy sang điện tử, thống kê chính xác tỷ lệ khai sinh, khai tử trên từng địa bàn và toàn quốc.

Theo Bộ Tư pháp, mục tiêu chính mà Chương trình hướng tới là bảo đảm các sự kiện hộ tịch của công dân Việt Nam, người nước ngoài cư trú trên lãnh thổ Việt Nam, công dân Việt Nam cư trú ở nước ngoài được đăng ký kịp thời, đầy đủ, chính xác, đúng quy định pháp luật; nâng cao tỷ lệ đăng ký hộ tịch, tập trung vào tỷ lệ đăng ký khai sinh, đăng ký khai tử. Đồng thời bảo đảm mọi người dân đều được cấp giấy tờ hộ tịch, có đầy đủ nội dung, phù hợp với thông lệ quốc tế. Cùng với đó, thiết lập cơ chế phối hợp thống nhất giữa các ngành có liên quan, từ T.Ư đến địa phương, bảo đảm hoạt động đăng ký, thống kê hộ tịch có chất lượng, hiệu quả, số liệu thống kê thống nhất, chính xác.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần