Tất cả bệnh viện tại TP Hồ Chí Minh phải tiếp nhận người đến cấp cứu

Tân Tiến
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đó là nội dung trong văn bản hỏa tốc của Sở Y tế TP Hồ Chí Minh gửi Trung tâm Cấp cứu 115, các bệnh viện, đơn vị y tế.

Chiều 5/8, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh đã ban hành công văn hỏa tốc số 5335/SYT-NVY gửi Trung tâm Cấp cứu 115 TP; Bệnh viện công lập và ngoài công lập; Bệnh viện thu dung điều trị Covid-19; Trung tâm Y tế TP Thủ Đức và các quận, huyện; Cơ sở cách ly tập trung về việc sẵn sàng tiếp nhận người bệnh đến khám, cấp cứu tại đơn vị.

Trung tâm Cấp cứu 115, các bệnh viện công lập và dân lập..., kể cả Khu cách ly tập trung phải mở cổng để sẵn sàng đón người đến cấp cứu.
Việc này nhằm thực hiện công văn số 2584/UBND-VX ngày 3/8/2021 của Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh về việc tăng cường hoạt động của tổ phản ứng nhanh, hệ thống cấp cứu 115 và các bệnh viện trên địa bàn TP trong cấp cứu người nhiễm Covid-19.
Theo đó, Sở Y tế yêu cầu thủ trưởng các đơn vị khẩn trương triển khai các nội dung: Luôn sẵn sàng tiếp nhận người bệnh đến khám và cấp cứu 24/7, khẩn trương đánh giá tình trạng người bệnh, sơ cấp cứu ban đầu. Đảm bảo trực 24/7, luôn mở cổng bệnh viện để sẵn sàng tiếp nhận khi người dân tự đến khám hoặc cấp cứu, đặc biệt vào ban đêm.
Công văn của Sở Y tế TP Hồ Chí Minh gửi Trung tâm Cấp cứu 115 và các bệnh viện, đơn vị y tế.
Ngoài ra, Sở Y tế yêu cầu các cơ sở khám chữa bệnh, tuyệt đối không vì thủ tục hành chính mà làm chậm trễ việc cấp cứu người bệnh; Tùy tình trạng người bệnh mà quyết định việc tiếp tục điều trị người bệnh tại đơn vị hay cần chuyển tuyến điều trị.
Đặc biệt, các cơ sở y tế (được nêu trong công văn - NV) không được yêu cầu người bệnh phải có xét nghiệm test nhanh hoặc PCR dương tính với SARS-CoV-2 mới tiếp nhận.
Bên cạnh đó, Sở Y tế cũng yêu cầu các cơ sở y tế cần chủ động bố trí thêm giường, băng ca, bình oxy dự trữ tại khu vực tiếp nhận và cấp cứu, đảm bảo không để người bệnh diễn biến nặng hơn do phải chờ đợi lâu.
Sở Y tế yêu cầu thủ trưởng các đơn vị triển khai nội dung trên đến toàn thể nhân viên để thực hiện hướng đến mục tiêu giảm thấp tỉ lệ tử vong và không để người bệnh tử vong tại nhà do chậm trễ hoặc từ chối tiếp nhận người bệnh. Thủ trưởng các đơn vị chịu trách nhiệm nếu để xảy ra tình trạng chậm trễ hoặc từ chối tiếp nhận người bệnh.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần