Tại Việt Nam, chuyển đổi số cũng đang diễn ra rất mạnh mẽ, đặc biệt trong các ngành trong đó có ngành viễn thông. Do đó để góp phần đẩy nhanh chuyển đổi số cần tiến hành đẩy nhanh tiến trình tắt sóng 3G dành tần số cho 4G, 5G.
Xu thế tất yếu
Hiện nay trên thế giới, nhiều quốc gia đã thực hiện việc tắt sóng 2G như Nhật Bản (năm 2011), Singapore (năm 2017), Trung Quốc (năm 2021)… Theo thống kê của Hiệp hội Các nhà cung cấp di động toàn cầu (GMSA), tính đến tháng 10/2022, có 142 nhà mạng ở 56 quốc gia và vùng lãnh thổ đã có những kế hoạch hành động để triển khai việc tắt sóng 2G/3G, trong đó có 51 nhà mạng viễn thông đã tắt sóng 2G. Dự báo vào năm 2028, có 172 nước sẽ có ít nhất 90% tổng số thuê bao dùng các mạng 4G/5G.
Hiện Việt Nam đang trong giai đoạn cuối để tắt sóng 2G, sau đó là 3G. Theo đó, Cục Viễn thông (Bộ TT&TT) đã yêu cầu nhà mạng thực hiện khóa máy điện thoại thuần (only) 2G, 3G từ tháng 12/2023 để người sử dụng chuyển sang điện thoại thế hệ cao hơn (4G và tiến tới là 5G).
Theo thống kê, đến hết tháng 6/2023, nước ta vẫn còn khoảng 22 triệu thuê bao điện thoại cơ bản (2G). Theo lộ trình, Bộ TT&TT đặt mục tiêu dừng công nghệ di động 2G chậm nhất đến tháng 9/2024. Đây cũng là thời điểm hết hạn giấy phép kinh doanh dịch vụ viễn thông di động và giấy phép băng tần số vô tuyến điện để phù hợp với định hướng quy hoạch tần số vô tuyến điện.
Được biết, Cục Viễn thông đã lên phương án hỗ trợ chi phí cho nhóm hộ nghèo và cận nghèo chuyển đổi máy điện thoại 2G, 3G lên điện thoại thông minh (smartphone) sử dụng 4G. Theo đó, Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích Việt Nam lập kinh phí để hỗ trợ việc này, có thể chi phí lên đến 500.000 đồng/smartphone với khoảng 400.000 máy cho hộ nghèo, cận nghèo thông qua nhà mạng. Các tỉnh có số lượng smartphone thấp sẽ được quan tâm hỗ trợ trước.
Cùng với giải pháp kỹ thuật và kinh tế, thì giải pháp truyền thông rộng rãi tới người dùng cũng rất quan trọng. Theo Cục Viễn thông, với kênh nhắn tin trực tiếp đến các thuê bao, nhà mạng cần thông báo cho người sử dụng biết, những thiết bị 2G không hợp chuẩn, hợp quy là vi phạm pháp luật và sẽ bị ngắt khỏi mạng; khuyến khích người dân chuyển sang dùng smartphone và DN viễn thông sẵn sàng hỗ trợ chuyển đổi.
Trên thực tế, từ năm 2020 - 2021, các nhà mạng đã tắt dần sóng 2G, 3G. Viettel cho biết, sau một năm, nhà mạng này đã tắt 32.000 trạm 3G tại 670 huyện ở 61/63 tỉnh, TP. Số trạm còn lại sẽ được tắt khi Viettel hoàn thành xây dựng các trạm BTS để bù vùng phủ tại các địa điểm đó. Nhà mạng MobiFone cũng thử nghiệm tắt sóng 2G từ năm 2020 tại một số khu vực thuộc TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu và cấp SIM 4G miễn phí cho các thuê bao 2G. Bên cạnh đó, nhà mạng này đã ký kết đối tác chiến lược với hệ thống bán lẻ hàng công nghệ Di động Việt để thúc đẩy tiến trình tắt sóng 2G.
Thúc đẩy chuyển đổi số
Theo các chuyên gia về viễn thông, việc tắt sóng 2G đối với DN viễn thông là không khó, tuy nhiên sẽ khó cho một bộ phận khách hàng. Trên thực tế, khách hàng sử dụng mạng 2G hiện nay chủ yếu là người già, việc tiếp cận, sử dụng công nghệ sẽ hạn chế.
Tổng Giám đốc Tập đoàn VNPT Huỳnh Quang Liêm cho biết, để tắt sóng 2G, 3G thành công, việc tuyên truyền tới người dân rất quan trọng. Đồng thời, cần có sự chung tay giữa Nhà nước, nhà mạng và DN sản xuất, cung cấp smartphone giá rẻ cho người dân. Đặc biệt, các nhà mạng phải thống nhất thời điểm dừng toàn bộ công nghệ 2G trên toàn quốc và không phát triển thêm thuê bao 2G mới.
Tắt sóng 2G, 3G sẽ giải phóng tần số vô tuyến, phục vụ tốt hơn cho phát triển hạ tầng viễn thông di động và công cuộc chuyển đổi số quốc gia. Các chuyên gia viễn thông cho rằng, khi 100% người dân sử dụng smartphone sẽ thúc đẩy những dịch vụ số phong phú hơn, dịch vụ dữ liệu được sử dụng nhiều hơn, nhà mạng có thêm doanh thu và cơ hội phát triển mới.
Nói về việc tắt sóng 2G, 3G, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định, đây là việc cần thiết nhằm thúc đẩy thực hiện mục tiêu trong Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Trong đó chương trình đặt mục tiêu phổ cập mạng di động 4G/5G và smartphone đến người dân Việt Nam. Đây sẽ là cuộc cách mạng để thúc đẩy chính phủ điện tử, kinh tế số, xã hội số một cách nhanh chóng và cũng là động lực quan trọng đưa Việt Nam phát triển nhanh, mạnh hơn.