Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tàu cá vỏ thép được đóng tại Hải Phòng: Có lỗi kỹ thuật nhưng đã được khắc phục

Vĩnh Quân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo thống kê sơ bộ, trên địa bàn TP Hải Phòng có 3 đơn vị hiện đang đóng tàu cá vỏ thép cho ngư dân theo Nghị định 67 của Chính phủ gồm; Công ty đóng tàu Thành Long, Công ty đóng tàu Phà rừng, Công ty đóng tàu Nam Triệu (Bộ Công an) với số lượng gần 26 chiếc.

Vừa qua, dư luận đưa ra nhiều nghi vấn về việc sau khi tàu cá vỏ thép đi vào hoạt động được thời gian ngắn đã bị hỏng. Xoay quanh những thông tin này các đơn vị đóng tàu phản ánh như thế nào?

Trao đổi với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị, Phó Tổng Giám đốc Công ty Đóng tàu Thành Long, xã An Đồng, huyện An Dương Vũ Văn Xô cho biết: Công ty nhận đóng 4 tàu cá vỏ thép cho 4 ngư dân xã Đại Hợp, huyện Kiến Thụy, TP Hải Phòng. 4 tàu này được hạ thủy vào tháng 7/2016 và đi vào hoạt động ngay sau đó. Cho đến hiện tại chưa có bất kỳ ý kiến phản ánh nào của ngư dân về chất lượng của các tàu này. Phía Công ty đóng mới 4 tàu này đều tuân thủ theo đúng quy trình của bên thiết kế, phần đăng kiểm là do Tổng Cục Thủy sản kiểm duyệt khâu cuối cùng.

 

Phó Chủ tịch UBND xã Đại Hợp, huyện Kiến Thụy Nguyễn Hồng Ban xác nhận ở địa phương có 4 ngư dân được đóng mới tàu cá vỏ thép theo Nghị định 67 của Chính phủ. Ngư dân đã bám biển vươn khơi và có hiệu quả trong quá trình đánh bắt. Do trước đây bà con ra khơi theo tập tục truyền thống, khi tiếp cận với tàu mới có một số khâu bà con chưa bắt kịp chứ phía chính quyền cũng chưa nhận được bất kỳ thông tin nào phản ánh của bà con về chất lượng các tàu.

Phó Tổng Giám đốc Công ty đóng tàu Phà Rừng Trần Quốc Chiến cho biết: Tính đến thời điểm hiện tại, Công ty đã đóng mới tổng 6 chiếc tàu vỏ thép cho các ngư dân ở Huế, Phú Yên, Cát Bà và Đồ Sơn. Ngay sau khi báo chí có thông tin về việc tàu vỏ thép của ngư dân bị dừng hoạt động, chúng tôi đã cử ông Nguyễn Văn Vinh Trưởng phòng Quản lý chất lượng của Công ty đến Phú Yên để xác minh. Cho đến hiện tại phải khẳng định rằng tất cả các con tàu do Công ty đóng đều hoạt động bình thường, riêng có tàu Hướng Biển 01 của ngư dân ở Huế là bảo hành một số hạng mục về sự cố gãy cần tay ganh mũi của đơn vị đặt đóng tàu là Công ty CP Đầu tư Phát triển Thủy sản Đông Á. Phía Công ty đã triển khai cuộc họp cùng các đơn vị có liên quan đến sự cố nghi ngờ chất lượng chiều dày ống dùng để gia công cần tay ganh mũi. Cụ thể, ống 114 chỉ đạt 4.5 và ống 76 chỉ là 5.2mm. Trên thực tế ống chính mà Công ty Phà Rừng sử dụng cho ganh mũi là ống 100A – SCH40 theo tiêu chuẩn JIS có kích thước 114.3x6, ống phụ gia cường là ống 76x5.2, việc kiểm tra lắp ráp và hoàn thiện đều có xác nhận của bên Đăng kiểm, chủ tàu và Công ty. Đối với hệ thống máy lạnh Công ty đã thông tin cho nhà cung cấp và chủ tàu để phối hợp khi vào cảng, nhà cung cấp sẽ xuống kiểm tra khắc phục sự cố. Nhưng trong quá trình vào cảng ngắn nên nhà cung cấp chưa kịp xuống tàu thì tàu lại hành trình đánh bắt tiếp.

Chánh văn phòng Công ty đóng tàu Nam Triệu (Bộ Công An) Trần Văn Nguyện cho biết: Đến thời điểm hiện tại phía Công ty đang đóng mới cho ngư dân tại các tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định, Quảng Ninh, Thanh Hóa tổng số là 26 tàu cá vỏ thép, các con tàu lần lượt được hạ thủy và các ngư dân đi vào hoạt động từ giữa năm 2016. Sau khi nhận được phản ánh của ngư dân về tàu gặp sự cố phía Công ty đã cho xác minh và xác nhận có gặp sự cố kỹ thuật của 4 con tàu.

Có rất nhiều nguyên nhân do chủ quan và khách quan trong đó có một số tàu bị gỉ sét là do qua trình sử dụng tàu, phần ngư lưới cụ có nhiều chì lớn, khi kéo lưới trên mặt boong lực ma sát lớn, hoạt động cường độ cao và tại một số vị trí thành tàu không được kê bằng lốp cao su khi tàu cập bến, cập các tàu dẫn tới va đập mạnh, tại vị trí này sơn bị bong tróc, không vệ sinh, bảo dưỡng. Công ty đã cấp cho mỗi tàu 1 thùng sơn của Mỹ để giúp họ trong công tác bảo trì.

Đối với vấn đề thiết kế là do ngư dân không dùng 21 mẫu tàu được Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn công bố mà dùng bản thiết kế của các đơn vị thiết kế ngoài cho phù hợp với tập quán khai thác do đó ngư dân phải trả tiền thiết kế cho các đơn vị thiết kế theo đúng quy định.

Công ty đã thành lập 01 tổ sửa chữa bảo hành thường trực tại Bình Định để khi các tàu ra khơi trở về sẽ cử cán bộ kỹ thuật nắm tình hình trực tiếp kiểm tra tư vấn hướng dẫn bảo dưỡng để khắc phục sự cố.

Đối với máy tàu Công ty đã ký hợp đồng với 2 đơn vị để nhập máy nguyên đai nguyên kiện, có đầy đủ chứng nhận xuất xứ, được cơ quan giám định xác định trong chứng thư chất lượng máy mới 100%. Khi xảy ra sự cố Công ty Nam Triệu đã cử chuyên gia nước ngoài đến trực tiếp đến Bình Định để tìm nguyên nhân và hướng dẫn ngư dân về kỹ thuật.

Đến hiện tại các tàu đã sửa chữa khắc phục xong còn một tàu đến giữa tháng 6 sẽ sửa chữa xong do chờ linh kiện về lắp ráp. Phía Công ty cùng với hãng máy đã chi trả chia sẻ khó khăn với ngư dân trong thời gian tàu sửa chữa tại bến mỗi chủ tàu từ 50 – 215 triệu đồng.

Ông Nguyện chia sẻ thêm trước những vấn đề liên quan đến tàu cá vỏ thép của các ngư dân, cần nhìn nhận vào thực tế của từng con tàu cũng như từng khâu trong quá trình Công ty tiếp nhận. Mọi quy trình thủ tục phía Công ty đều tuân thủ theo đúng như hợp đồng cũng như thiết kế, không có những chuyện đồn thổi như chất lượng vỏ tàu của Trung Quốc, hay khi đóng tàu xong ngư dân không hoạt động mà là do khách quan như có những chủ tàu không tìm được bạn (thuyền viên) do ngư dân tiếp xúc với tàu mới, hoặc ngư dân đánh bắt không hiệu quả... chúng ta cần có cái nhìn hết sức khách quan để tránh ảnh hưởng đến uy tín của các doanh nghiệp đóng tàu. Công ty đóng tàu Nam Triệu sẽ có trách nhiệm đối với những tàu do lỗi kỹ thuật nhằm phục vụ ngư dân một cách hiệu quả nhất./.

Theo Tiêu chuẩn thiết kế, tàu cá vỏ thép của ngư dân có chiều dài 27m, chiều rộng 7m, chiều cao mạn 3.2, lắp máy công suất 811 CVU; mớn nước thiết kế 2,4 m ký hiệu: Mitsubishi S6RMPTK, hộp số HCD400A (i=4,43). Giá đóng mới của mỗi tàu dao động từ 18 – 20 tỷ đồng.