Tàu vũ trụ thời Liên Xô sắp rơi xuống Trái Đất
Kinhtedothi - Một tàu vũ trụ thời Liên Xô được phóng trong những năm 1970, dự báo sẽ rơi tự do trở lại Trái Đất sau nửa thế kỷ mắc kẹt trong vũ trụ vào những ngày tới.
Kosmos 482 là tàu vũ trụ thuộc sứ mệnh Venera 8, đã được Liên Xô phóng lên không gian năm 1972 với mục tiêu hạ cánh xuống sao Kim. Tuy nhiên, sự cố ở tầng đẩy tên lửa đã khiến tàu mắc kẹt trong không gian suốt 53 năm qua.
Hầu hết các bộ phận của Kosmos 482 đã rơi trở lại Trái Đất trong vòng một thập kỷ sau khi phóng. Tuy nhiên, theo nhà phân tích vệ tinh Marco Langbroek, khoang hạ cánh hình cầu có đường kính khoảng 1 mét - được thiết kế riêng để chịu được nhiệt độ và áp suất cực lớn của sao Kim - vẫn đang tiếp tục quay quanh Trái Đất trong quỹ đạo hình elip và hiện ở giai đoạn hạ độ cao.
Phần lớn tàu vũ trụ không thể tồn tại trong quá trình rơi, tuy nhiên Kosmos 482 có khả năng sống sót nhờ lớp chắn nhiệt được thiết kế đặc biệt.

Một tàu vũ trụ khác có thiết kế tương tự Kosmos 482. Ảnh: Soviet Space Program
“Khoang hạ cánh của Kosmos 482 được chế tạo để tồn tại trong khí quyển dày đặc của sao Kim, nên nhiều khả năng nó sẽ vẫn nguyên vẹn khi quay lại Trái Đất,” Langbroek chia sẻ với trang SpaceWeather.com. “Đây sẽ là một sự kiện đáng chú ý.”
Dù vậy, giới chuyên gia vẫn chưa thể xác định chính xác khi nào và nơi nào tàu sẽ rơi xuống, cũng như nó có tồn tại sau khi băng qua khí quyển hay không. Langbroek ước tính thời điểm tái nhập sẽ vào khoảng ngày 10/5. Nếu không bị phá hủy, khoang có thể rơi với tốc độ khoảng 242 km/h.
Ông cũng cho biết kích thước vật thể tương đối nhỏ và khả năng tàu vũ trụ thực sự va trúng ai đó hoặc thứ gì đó là rất hiếm.
“Dù vẫn có rủi ro, nhưng chúng ta không nên quá lo lắng,” ông nhận định.
Nhà thiên văn học Jonathan McDowell từ Trung tâm Vật lý Thiên văn Harvard - Smithsonian cho biết: “Tốt hơn hết là tấm chắn nhiệt nên hỏng, để tàu bốc cháy khi rơi. Nếu không, chúng ta sẽ có một khối kim loại nặng nửa tấn rơi từ bầu trời.”
Kosmos 482 có thể tái nhập khí quyển ở bất kỳ nơi nào nằm giữa 51,7 độ vĩ Bắc và 51,7 độ vĩ Nam - một khu vực rộng lớn trải dài từ London và Edmonton (Canada) cho tới Mũi Horn ở Nam Mỹ. Tuy nhiên, do 71% bề mặt Trái Đất là đại dương, khả năng nó rơi xuống biển là cao hơn cả.
Xem thêm: Chuyến bay vào vũ trụ vinh danh phái nữ của công ty do tỷ phú Bezos sở hữu
Theo NASA, trong khuôn khổ sứ mệnh Venera 8, Liên Xô phóng hai tàu vũ trụ tương đồng nhau để thu thập dữ liệu về nhiệt độ và áp suất bề mặt sao Kim. Tàu đầu tiên được phóng ngày 27/3/1972 và đã hạ cánh thành công vào ngày 6/4. Tàu thứ hai là Kosmos 482, được phóng bốn ngày sau đó nhưng thất bại trong việc rời khỏi quỹ đạo Trái Đất do trục trặc ở tầng tên lửa Soyuz. Trong giai đoạn năm 1961 - 1984, Liên Xô đã phóng tổng cộng 13 tàu thăm dò sao Kim trong khuôn khổ chương trình Venera.

Trung Quốc phóng thành công vệ tinh lên quỹ đạo vũ trụ
Kinhtedothi - Trung Quốc đã phóng thành công một vệ tinh mới vào không gian trong ngày 3/4 từ Trung tâm Phóng Vệ tinh Thái Nguyên ở tỉnh Sơn Tây, miền Bắc nước này.

Chuyến bay vào vũ trụ vinh danh phái nữ của công ty do tỷ phú Bezos sở hữu
Kinhtedothi - Ca sĩ nhạc Pop Katy Perry cùng 5 người phụ nữ đến từ các lĩnh vực khác nhau đã tham gia chuyến bay thương mại vào không gian với phi hành đoàn toàn nữ đầu tiên của Blue Origin.

Trung Quốc đẩy mạnh nghiên cứu vũ trụ trong năm 2025
Kinhtedothi - Cơ quan Vũ trụ Quốc gia Trung Quốc (CNSA) cho biết nước này sẽ triển khai hàng loạt nhiệm vụ không gian quan trọng năm 2025, trong đó có sứ mệnh Tianwen-2 nhằm thăm dò và lấy mẫu vật từ các tiểu hành tinh.