Taxi nội cạnh tranh với Grab: Cuộc đua khốc liệt

Quý Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thị trường gọi xe công nghệ ở Việt Nam đã bắt đầu sôi động, khi một loạt ứng dụng gọi xe do các đơn vị trong nước cung cấp được giới thiệu.

Lợi thế của những ứng dụng nội là được sự chấp nhận và chọn lựa của phần lớn các hãng taxi truyền thống. Liệu “cái bắt tay” này có tạo ra sức mạnh đủ lớn để cạnh tranh được với “gã khổng lồ” Grab?.
Ứng dụng gọi xe beCar và beBike mà Be Group vừa tung ra thị trường.
Tham vọng của nhà cung cấp nội

Ngày 13/12, Công ty CP Be Group, startup công nghệ Việt Nam, khởi nghiệp trong lĩnh vực vận tải công nghệ với ứng dụng gọi xe be, chính thức ra mắt. Hai sản phẩm ứng dụng gọi xe mà Be Group tung ra thị trường là beBike (dịch vụ xe 2 bánh) và beCar (dịch vụ xe 4 bánh). Các sản phẩm của Be Group được giới thiệu là sẽ mang đến giải pháp liên kết các dịch vụ và hỗ trợ giao dịch, đơn giản hoá những phức tạp trong cuộc sống thường ngày, trở thành cầu nối giữa mọi khách hàng và người cung cấp dịch vụ.
Ông Trần Thanh Hải - Tổng Giám đốc Be Group cho biết, điểm khác biệt giữa beBike và beCar với các ứng dụng gọi xe trước đó chính là chương trình bảo hiểm tai nạn giao thông toàn diện 24/7 được nhà cung cấp xây dựng nhằm cung cấp cho các đối tác tài xế khi tham gia cùng be. Chương trình bảo hiểm này bao gồm chi phí y tế do tai nạn và trợ cấp thu nhập khi điều trị của tài xế. Lãnh đạo Be Group kỳ vọng sự khác biệt này sẽ mang tới hấp dẫn riêng cho hai ứng dụng beBike và beCar để có thể cạnh tranh sòng phẳng với các ứng dụng gọi xe nhập ngoại. “Chúng tôi mong muốn tạo ra một sản phẩm với ưu thế vượt trội về chất lượng dành cho khách hàng, một chế độ tốt hơn cho đối tác tài xế” - ông Hải nói.

"Muốn lôi kéo tài xế, phải tạo thu nhập ổn định, khách hàng thường xuyên thì người ta mới gắn bó. Muốn lôi kéo khách hàng, phải có dịch vụ thật tốt, giá rẻ, nhiều chương trình khuyến mại. Đây là một thách thức không nhỏ." - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội Bùi Danh Liên

Trước đó, vào tháng 11/2018, một đơn vị cung cấp công nghệ ứng dụng gọi xe khác là Công ty Bình Anh (BA GPS) đã ký hợp đồng cung cấp công nghệ gọi xe với hệ thống G7 taxi. Mọi vai trò tham gia trong hệ thống vận hành đều tương tác thông qua phần mềm, từ lái xe, nhân viên tổng đài, người đứng sảnh, người quản lý… và cả khách hàng. Ông Đào Thanh Anh - Chủ tịch BA GPS cho biết, ứng dụng gọi xe cung cấp cho G7 taxi mang đến nhiều tối ưu trong việc điều phối xe, tốc độ tương tác nhanh. Ngoài ra, với công nghệ này, việc quản trị hệ thống sẽ được hỗ trợ tối đa. “Công nghệ gọi xe của BA GPS sẽ giúp cho G7 taxi có điểm ưu việt để có thể cạnh tranh với Grab là thời gian gọi xe rất nhanh. Trung bình khách hàng chỉ cần chờ 2 phút là xe sẵn sàng đến điểm để phục vụ” - ông Đào Thanh Anh nói.

Ngoài Be Group, BA GPS, thị trường trong nước đã ghi nhận sự ra đời của rất nhiều sản phẩm ứng dụng gọi xe “made in Việt Nam” trong thời gian qua như FastGo, VATO, T.net... Những nhà cung cấp khi tung ra sản phẩm của mình đều mang theo tham vọng về một cuộc lật đổ đối với Grab. Trên thực tế, trong thời gian đầu, với tâm lý ủng hộ hàng Việt, nhiều tài xế đã lựa chọn sử dụng các ứng dụng gọi xe trong nước. Tuy nhiên, không ít trong số đó đã phải thừa nhận, hai tiêu chí hàng đầu của một dịch vụ gọi xe công nghệ tốt là giá rẻ và gọi xe nhanh thì Grab vẫn dẫn đầu. Do đó, dù có bất kỳ cam kết nào khi ra mắt, sau một thời gian, các ứng dụng Việt Nam vẫn chưa thực sự đáp ứng được kỳ vọng của cả người dùng lẫn tài xế.

Khoảng cách còn xa

Dù sự ra đời của một loạt ứng dụng gọi xe “made in Vietnam” mang đến nhiều kỳ vọng cho taxi truyền thống về một “cuộc lật đổ” vĩ đại đối với Grab nhưng trên thực tế, đó vẫn còn là một quãng đường rất dài, nhất là khi xuất phát điểm của Grab hơn các hãng taxi nội rất nhiều. Nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam Nguyễn Văn Thanh cho rằng, thị trường gọi xe công nghệ sẽ tiếp tục rất hấp dẫn và cạnh tranh khốc liệt. Các hãng taxi truyền thống cũng như nhưng đơn vị cung cấp công nghệ, sẽ còn nhiều “đất diễn” và lợi thế để có thể cạnh tranh được với Grab, đặc biệt là thông qua các thị trường ngách. Tuy nhiên, đó vẫn không phải là yếu tố quan trọng nhất để quyết định thành công. “Các hãng taxi truyền thống muốn cạnh tranh được với Grab thì phải lấy yếu tố giá cả, chất lượng dịch vụ đặt lên hàng đầu” - ông Thanh nhấn mạnh.

Trong khi đó, ông Bùi Danh Liên - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội nhìn nhận, hiện nay, Grab vẫn đang là đơn vị thống lĩnh thị trường ứng dụng gọi xe ở Việt Nam. Điều này, Grab có được từ tiềm lực mạnh cũng như việc chiếm lĩnh thị trường từ sớm. Do đó, để các ứng dụng nội giành lại thị trường của “gã khổng lồ” này là điều không dễ dàng. Các ứng dụng gọi xe của Việt Nam vẫn còn yếu cả về công nghệ và nguồn lực. Nếu muốn lấy thị phần trước hết phải có một phần mềm thật thông minh, nhanh nhạy, đáp ứng sự trải nghiệm của khách hàng đồng thời phải có một nguồn lực tài chính dồi dào, chiến lược thông minh để lôi kéo khách hàng, tài xế. “Cần phải đi từng bước một, lấy lại thị phần ở từng tập khách hàng, từng khu vực bằng những giá trị riêng, những chiến lược thông minh” - ông Liên phân tích.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần