Tây Ban Nha đang hướng tới việc giảm rác thải thực phẩm, với dự thảo luật đưa ra mức phạt nặng đối với các siêu thị có thức ăn thừa, đồng thời yêu cầu các quán bar và nhà hàng cung cấp túi đựng để khách hàng có thể mang thức ăn thừa về nhà.
Luis Planas, Bộ trưởng Nông nghiệp, Thủy sản và Thực phẩm Tây Ban Nha, cho biết mục tiêu của dự thảo luật, được thông qua hôm 7/6, là giảm 1.300 tấn thực phẩm bị lãng phí hàng năm trên toàn quốc. Con số đó tương đương với 31kg/người.
Dự luật đang chờ được quốc hội thông qua và chính phủ hy vọng sẽ có luật mới vào đầu năm 2023, sau những nỗ lực tương tự ở Pháp và Italia.
Ông Planas mô tả đạo luật này là “công cụ tư pháp tiên phong” cho phép chính phủ giải quyết tình trạng trong chuỗi thực phẩm và hạn chế các chi phí phát sinh về kinh tế, đạo đức và môi trường.
Dự luật cũng bao gồm các biện pháp buộc các siêu thị và nhà hàng hợp tác với các tổ chức khu phố và ngân hàng thực phẩm để hạn chế lãng phí. Các doanh nghiệp quy mô vừa và lớn tham gia vào chuỗi thực phẩm sẽ phải đệ trình các kế hoạch ngăn ngừa lãng phí.
Trong trường hợp trái cây quá chín, dự luật đề xuất chuyển nó thành các sản phẩm như mứt hoặc nước trái cây. Nếu không, số này có thể được sử dụng để làm thức ăn gia súc hoặc sản xuất phân bón và nhiên liệu sinh học.
Các nhà hàng cũng sẽ phải cung cấp hộp đựng để khách hàng mang thức ăn về nhà mà họ chưa ăn, một thói quen không thường thấy ở Tây Ban Nha.
Mặc dù chính phủ thừa nhận rằng phần lớn rác thải thực phẩm được thải ra trong các hộ gia đình, các điều luật sẽ dựa vào các chiến dịch giáo dục thay vì phạt tiền để thay đổi hành vi trong gia đình.
Các công ty vi phạm luật có thể bị phạt tới 60.000 Euro hoặc lên đến 500.000 Euro nếu tái phạm.
Một báo cáo gần đây của Liên Hợp quốc cho biết gần 1 tỷ tấn thực phẩm bị lãng phí trên toàn cầu mỗi năm trong khi hàng tỷ người bị đói hoặc không đủ tiền mua một chế độ ăn uống lành mạnh. Rác thải thực phẩm cũng liên quan đến khoảng 10% lượng khí thải gây ra tình trạng khẩn cấp về khí hậu.