Tây Ban Nha từ chối đối thoại nếu vùng tự trị Catalonia vẫn đòi độc lập

Nguyễn Phương (Deutsche Welle)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chính phủ Tây Ban Nha đã từ chối lời kêu gọi của người đứng đầu vùng tự trị Catalonia, ông Carles Puigdemont về một bên thứ ba tham gia hòa giải để giải quyết cuộc khủng hoảng.

Ngày 4/10, Chính phủ Tây Ban Nha đã từ chối lời kêu gọi của Thủ hiến vùng tự trị Catalonia Carles Puigdemont về một bên thứ ba tham gia hòa giải liên quan đến yêu cầu độc lập trái phép của vùng này.
Thủ tướng Tây Ban Nha Mariano Rajoy. 
Trước đó, trả lời phỏng vấn hãng tin BBC, ông Puigdemont kêu gọi quốc tế can thiệp, giúp xử lý khủng hoảng tại Catalonia và cho biết ông sẽ đơn phương tuyên bố độc lập cho Catalonia vào ngày 9/10 tới.
Tuyên bố của Văn phòng Thủ tướng Tây Ban Nha Mariano Rajoy khẳng định sẽ chỉ đối thoại nếu Thủ hiến Puigdemont từ bỏ ý định đòi độc lập, vốn bị Madrid coi là bất hợp pháp.
Tuyên bố nêu rõ: “Chính phủ sẽ không đàm phán về bất cứ điều gì trái phép và sẽ không chấp nhận những hành động tống tiền”. 

Theo tuyên bố, nếu Thủ hiến Puigdemont muốn đối thoại hoặc hòa giải với chính phủ trung ương về tương lai của Catalonia, trước hết nhà lãnh đạo này phải tôn trọng luật pháp.
Thủ tướng Rajoy cũng khẳng định Nhà Vua Tây Ban Nha Felipe VI sẽ không can thiệp vào cuộc khủng chính trị này. 
Trước đó, ông Margaritis Schinas, người phát ngôn của Ủy ban châu Âu, trước đó cho rằng cuộc bỏ phiếu trưng cầu của Catalonia là bất hợp pháp theo luật Tây Ban Nha.
"Đây là vấn đề nội bộ với Tây Ban Nha, phải được xử lý phù hợp với trật tự hiến pháp của Tây Ban Nha", ông Schinas khẳng định và kêu gọi tất cả các bên trong cuộc khủng hoảng nhanh chóng chuyển từ đối đầu sang đối thoại. 
Trong bài phát biểu hiếm hoi trước cả nước, Vua Tây Ban Nha Felipe VI hôm 3/10 lên án việc chính quyền Catalonia đòi độc lập, cáo buộc họ đe dọa sự ổn định an ninh và kinh tế của Tây Ban Nha.
Vùng tự trị Catalonia hôm 1/10 tổ chức trưng cầu dân ý về việc tách khỏi Tây Ban Nha.
"Bằng cách hành động vô trách nhiệm, họ khiến Catalonia và toàn bộ Tây Ban Nha đối mặt nguy cơ bất ổn về kinh tế, xã hội", Vua Felipe VI nói trên trên truyền hình. Vua Felipe VI, 49 tuổi, còn kêu gọi các cơ quan chính phủ có trách nhiệm "đảm bảo trật tự hiến pháp".
Catalonia hôm 1/10 tổ chức trưng cầu dân ý về việc tách khỏi Tây Ban Nha. Kết quả cho thấy 90% cử tri, tương đương hai triệu người, ủng hộ khu vực tự trị này độc lập. Chỉ 7,87% nói "không". Cuộc trưng cầu dân ý không có giá trị pháp lý. Nó bị tòa án hiến pháp Tây Ban Nha cùng Madrid phản đối vì đi ngược lại hiến pháp năm 1978.
Cuộc trưng cầu dân ý được tổ chức trong bối cảnh căng thẳng, khi lực lượng cảnh sát quốc gia và lực lượng bán vũ trang của chính quyền Madrid tiến hành các hành động ngăn chặn cuộc bỏ phiếu, khiến gần 850 người bị thương.
Bộ trưởng Nội vụ Tây Ban Nha Juan Ignacio Zoido ngày 3/10 cáo buộc chính quyền vùng lãnh thổ Catalonia "kích động nổi loạn" sau khi những người biểu tình tấn công cảnh sát được triển khai tới khu vực này nhằm ngăn cản việc tiến hành cuộc trưng cầu ý dân về vấn đề độc lập của vùng Catalonia.
Tình hình hiện nay được coi là cuộc khủng hoảng chính trị tồi tệ nhất ở Tây Ban Nha kể từ khi cuộc đảo chính quân sự năm 1981 bị Vua Juan Carlos I, cha của Vua Felipe, dẹp bỏ.