Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tây Hồ: xử lý nghiêm cơ sở kinh doanh không đảm bảo an toàn thực phẩm

Vân Nhi
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi –Trong tháng Hành động vì An toàn thực phẩm (ATTP) năm 2024 (từ 15/4 đến 15/5), quận Tây Hồ đã kiểm tra 326 cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm, dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố. Qua kiểm tra, lực lượng chức năng xử phạt 25 cơ sở với số tiền 177 triệu đồng.

Sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị

Theo thống kê của Trung tâm Y tế quận Tây Hồ, hiện trên địa bàn quận có 1.670 cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm, dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố. Trong đó, phân cấp thành phố quản lý là 169 cơ sở; cấp quận 444 cơ sở; cấp phường 1.057 cơ sở; ngành y tế quản lý 1.407 cơ sở; ngành nông nghiệp 108 cơ sở và công thương 155 cơ sở. Trong đó, 97,8% (497/508) cơ sở được cấp giấy chứng nhận ATTP; 96% (1.019/1.057) cơ sở đã ký cam kết ATTP… Bên cạnh đó, quận đã hoàn thành việc lắp đặt và đưa vào sử dụng 5 nhà trạm xét nghiệm tại chợ Nhật Tân, Phú Gia, Tứ Liên, Xuân La, Yên Phụ.

Lực lượng chức năng quận Tây Hồ kiểm tra công tác đảm bảo ATTP tại Trường Tiểu học Chu Văn An.
Lực lượng chức năng quận Tây Hồ kiểm tra công tác đảm bảo ATTP tại Trường Tiểu học Chu Văn An.

Đặc biệt, trong giai đoạn 2018 - 2023, quận Tây Hồ đã hoàn thành mục tiêu đánh giá phân hạng được 40 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP, trong đó 23 sản phẩm OCOP cấp quận (3 sao) và 17 sản phẩm cấp thành phố (4 sao). Các sản phẩm thực phẩm OCOP được người tiêu dùng tin dùng như: chè sen Quảng An, bánh dẻo nhân cốm, bánh nướng nhân đậu xanh chay, bánh nướng nhân trà xanh trứng muối; bún Ốc Bà Ngoại; bánh Trung thu Bảo Phương...

Ngoài ra, quận Tây Hồ đang triển khai Đề án “Tăng cường quản lý các cửa hàng kinh doanh trái cây trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2020 - 2025” và Đề án “Quản lý các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trong chợ trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2022 - 2025”; 33 cơ sở kinh doanh trái cây theo Đề án “Tăng cường quản lý các cửa hàng kinh doanh trái cây trên địa bàn thành phố giai đoạn 2020 - 2025”; 28 cơ sở kinh doanh thực phẩm tại 5 chợ trên địa bàn quận được cấp biển nhận diện.

Đặc biệt, trong Tháng hành động vì ATTP, các đoàn kiểm tra của quận, phường đã kiểm tra 326 cơ sở, xử phạt 25 cơ sở với số tiền 177 triệu đồng, tiêu huỷ 181kg thực phẩm  bao gói sẵn, 109kg thực phẩm bổ sung, 450kg hoa quả nhập lậu, 33 chai rượu nhập lậu (tổng giá trị hàng hoá tiêu huỷ là 106,5 triệu đồng). Như vậy, từ đầu năm 2024 đến nay, toàn quận đã kiểm tra 504 cơ sở, xử phạt 37 cơ sở, số tiền 257,5 triệu đồng. 

Trong đó, các hành vi vi phạm tập trung vào các lỗi như kinh doanh dịch vụ ăn uống mà không có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP; sử dụng người trực tiếp chế biến thức ăn mà không đội mũ, đeo khẩu trang, không cắt ngắn móng tay; thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, dụng cụ tiếp xúc với thực phẩm không bảo đảm vệ sinh, thùng rác không nắp đậy…

Thêm nhân lực và chế độ đãi ngộ cho công tác ATTP

Trao đổi với phóng viên Báo Kinh tế & Đô thị, Phó Chủ tịch UBND quận Tây Hồ Bùi Thị Lan Phương cho biết, những năm qua, được sự quan tâm chỉ đạo của Quận uỷ, HĐND, UBND quận, công tác đảm bảo vệ sinh ATTP trên địa bàn quận đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, được Nhân dân, dư luận đánh giá cao. Trong đó, công tác tuyên truyền được chú trọng, việc kiểm tra, xử lý vi phạm thực hiện nghiêm túc; các phòng, ban, ngành, đoàn thể phối hợp chặt chẽ triển khai có hiệu quả công tác ATTP…

Trong tháng Hành động vì ATTP năm 2024, quận Tây Hồ đã kiểm tra 326 cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm, dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố.
Trong tháng Hành động vì ATTP năm 2024, quận Tây Hồ đã kiểm tra 326 cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm, dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố.

Song, bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác đảm bảo vệ sinh, ATTP trên địa bàn quận hiện cũng đang tồn tại không ít những bất cập như: đội ngũ cán bộ làm công tác ATTP tại tuyến phường (lĩnh vực công thương, nông nghiệp) là cán bộ kiêm nhiệm, thường xuyên thay đổi vị trí nên hạn chế trong hoạt động kiểm tra; trong khi đó, công chức của phường và viên chức của các trạm y tế phải kiêm nhiệm rất nhiều nhiệm vụ… Do đó, quận chưa tập trung nhiều thời gian cho công tác ATTP.

Ngoài ra, một số chủ cơ sở thực phẩm chạy theo lợi ích trước mắt mà thực hiện các hành vi không đảm bảo ATTP. Việc xử lý các vi phạm ở tuyến phường đã được tăng cường hơn trước, tuy nhiên vẫn chưa kiên quyết, đa số chỉ nhắc nhở; một bộ phận không nhỏ người tiêu dùng còn dễ dãi trong việc lựa chọn thực phẩm, chưa phản ánh với cơ quan quản lý và tẩy chay các cơ sở thực phẩm không an toàn.

Để khắc phục những tồn tại, đồng thời nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác đảm bảo ATTP, Phó Chủ tịch UBND quận Tây Hồ Bùi Thị Lan Phương kiến nghị các sở, ngành thành phố tăng cường công tác đào tạo, tập huấn nâng cao kiến thức, chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác ATTP tại tuyến quận, phường; bổ sung thêm nhân lực và chế độ đãi ngộ cho công tác ATTP cho tuyến quận và phường.

Bên cạnh đó, bổ sung thêm Hướng dẫn Quyết định 28/2022/QĐ-UBND, kiểm soát ATTP các hộ kinh doanh online; tiếp tục giao cho BCĐ quận tổ chức tập huấn và cấp giấy xác nhận tập huấn cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm. Đồng thời, sớm ban hành quy chuẩn, tiêu chuẩn, chỉ tiêu an toàn đối với các sản phẩm thực phẩm thuộc quản lý ngành, để các tổ chức, cá nhân có cơ sở tự công bố và các cơ quan quản lý có căn cứ pháp lý để kiểm tra và hướng dẫn…

 

Hiện nay trên địa bàn quận Tây Hồ có 6/8 phường xây dựng được Tuyến phố ATTP có kiếm soát gồm: Tô Ngọc Vân (phường Quảng An), Nhật Chiêu (phường Nhật Tân); Trích Sài (phường Bưởi); Thuỵ Khuê và Nguyễn Đình Thi (phường Thuỵ Khuê); Xuân La (phường Xuân La) với 180 cơ sở dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố tại Tuyến phố được kiểm soát chặt chẽ về ATTP.