Tòa cấp cao tuyên hủy án sơ thẩm của tòa Tây Ninh
Sau 2 ngày xét xử sơ thẩm lần 2 (22/5 và 23/5), TAND tỉnh Tây Ninh đã dừng tòa để nghị án kéo dài. Đến hẹn ngày 28/5 mới tuyên án vụ “Cố ý làm trái quy định Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” đối với 4 bị cáo: Cao Sơn Nhân, Nguyễn Thiên Dân, Dương Thị Thu Hòa và Đỗ Tú Toàn. Cả 4 nguyên là trưởng ban, phó ban, kế toán trưởng, thủ quỹ Ban QLDAĐTXDCT huyện Hòa Thành, tỉnh Tây Ninh.
Theo cáo trạng của Viện KSND tỉnh Tây Ninh, từ năm 2009–2011, Cao Sơn Nhân lập nhiều tờ trình xin tạm ứng ngân sách huyện với số tiền 8 tỷ đồng, đến năm 2015 thu hồi 2,5 tỷ. Cáo trạng còn cáo buộc từ năm 2006–2012, Ban QLDAĐTXDCT cho ông Lâm Tấn Dũng mượn tiền bảo hành công trình (BHCT) 3,9 tỷ đồng (số làm tròn – PV), ông Dũng đã trả và còn thiếu 897 triệu đồng. Từ đó quy kết các bị cáo phải chịu trách nhiệm hình sự, liên đới chịu trách nhiệm dân sự đối với 2 khoản tiền 5,5 tỷ và 897 triệu đồng.
Ngày 24/6/2016, TAND tỉnh Tây Ninh xử sơ thẩm tuyên phạt bị cáo Cao Sơn Nhân 3 năm tù giam, Dương Thị Thu Hòa và Nguyễn Thiên Dân cùng 18 tháng tù giam, Đỗ Tú Toàn 12 tháng tù giam. Các bị cáo phải liên đới bồi thường 2 khoản tiền nêu trên.
Vì vậy cả 4 kháng cáo kêu oan, cho rằng thời điểm 2010, UBND huyện Hòa Thành nhiều lần tổ chức họp với nhiều lãnh đạo phòng ban, trong đó có ông Lâm Tân Dũng (người trực tiếp thi công các công trình). Nội dung các cuộc họp thống nhất cho Ban QLDAĐTXDCT tạm ứng ngân sách kết dư cuối năm chưa sử dụng để ứng cho ông Dũng mua vật tư, đẩy mạnh tiến độ thi công các công trình nhằm kịp kỷ niệm 50 ngày thành lập huyện. Sau đó ông Cao Sơn Nhân lập tờ trình xin tạm ứng ngân sách, được ông Trần Ngọc Dư, Phó Chủ tịch UBND huyện duyệt. Tuy nhiên sau khi hoàn thành các công trình, xảy ra việc chậm thu hồi ngân sách do UBND tỉnh chậm rót vốn nên chưa thể quyết toán và không thể thu hồi.
Ngày 15/3/2017, TAND Cấp cao tại TP Hồ Chí Minh xử phúc thẩm tuyên hủy toàn bộ bản án sơ thẩm để điều tra lại. Sau đó các công trình được quyết toán và thu hồi đủ 5,5 tỷ đồng trả ngân sách huyện Hòa Thành theo đúng nội dung tờ trình cũng như nội dung phê duyệt của lãnh đạo UBND huyện. Đối với 897.619.000 đồng cũng đã được phía ông Dũng trả từ cuối năm 2016 (trước phiên phúc thẩm).
Dùng kết luận giám định trái với nhiều luật để truy tội!
Quá trình điều tra lại, Cơ quan An ninh điều tra (ANĐT) Công an tỉnh Tây Ninh ra quyết định đề nghị Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tỉnh Tây Ninh giám định tư pháp (GĐTP) để xác định tiền lãi đối với 8 tỷ đã được thu hồi. Do việc này trái với Luật Ngân sách Nhà nước (NSNN) năm 2002, tại khoản 2 điều 7, quy định: “Quỹ NSNN được quản lý tại Kho bạc Nhà nước”. Đã được quản lý tại Kho bạc Nhà nước nên không thể phát sinh lãi và không thể trưng cầu giám định theo lãi suất ngân hàng. Vì vậy ngày 9/5/2018, NHNN tỉnh Tây Ninh có văn bản 342 trả lời Cơ quan ANĐT để từ chối trưng cầu giám định.
Tuy nhiên vào ngày 8/8/2018, NHNN tỉnh Tây Ninh lại có kết luận giám định (KLGĐ) số 01/KL-GĐCN do giám định viên Hồ Thụy Bích Tuyền thực hiện với tư cách cá nhân. Dựa vào KLGĐ 01, Cơ quan ANĐT lại đề suất tính lãi. Đến đầu tháng 3/2019, TAND tỉnh Tây Ninh xử lại sơ thẩm, nhưng HĐXX trả hồ sơ để điều tra bổ sung.
UBND huyện Hòa Thành khẳng định không thiệt hại Vụ án khởi tố năm 2015, đến nay có 3 cáo trạng nhưng có 3 số liệu thiệt hại khác nhau! Cáo trạng năm 2016 xác định ngân sách thiệt hại 5,5 tỷ đồng (ngân sách tạm ứng), Ban QLDAĐTXDCT thiệt hại 897 triệu đồng (tiền BHCT). Cáo trạng số 11 ngày 6/11/2018, xác định ngân sách thiệt hại 2,9 tỷ đồng (lãi ngân sách tạm ứng), Ban QLDAĐTXDCT thiệt hại 563 triệu đồng (tiền BHCT). Cáo trạng số 03 ngày 19/4/2019, thể hiện ngân sách thiệt hại 2,9 tỷ đồng (lãi ngân sách tạm ứng), Ban QLDAĐTXDCT thiệt hại 897 triệu đồng (tiền BHCT). Còn tại phiên tòa sơ thẩm lần 2, UBND và Ban QLDAĐTXDCT huyện Hòa Thành tham gia tố tụng với tư cách nguyên đơn dân sự. Tuy nhiên theo luật sư Trần Thị Ánh việc tham gia đã trái với điều 63 Bộ luật Hình sự năm 2015: “Nguyên đơn dân sự là cá nhân, cơ quan, tổ chức bị thiệt hại do tội phạm gây ra và có đơn yêu cầu bồi thường thiệt hại”. Trong khi tại tòa, đại diện 2 đơn vị trên khẳng định không bị thiệt hại và cũng không có đơn yêu cầu bồi thường thiệt hại. |
Tại phiên tòa sơ thẩm lần 2 (ngày 22/5 và 23/5), luật sư Trần Thị Ánh (Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh), chỉ ra nhiều mâu thuẫn. Theo đó tội danh các bị cáo bị truy tố chỉ hoàn thành khi “có hậu quả xảy ra” là gây thiệt hại về vật chất cho xã hội. Điều này đã được nêu rõ tại bản án hình sự phúc thẩm 86 ngày 15/3/2017 của TAND Cấp cao tại TP Hồ Chí Minh.
Theo luật sư Ánh, bản KLGĐ số 01 ngày 8/8/2018 không phù hợp với nhiều quy định pháp luật. Cụ thể, trước khi ký văn bản 342 từ chối giám định, NHNN tỉnh Tây Ninh đã có văn bản xin ý kiến NHNN Việt Nam và được trả lời bằng văn bản với nội dung: Nội dung trưng cầu giám định bổ sung vụ án xảy ra tại Ban QLDAĐTXDCT huyện Hòa Thành, của Cơ quan ANĐT Công an tỉnh Tây Ninh không thuộc đối tượng quản lý của NHNN. Do vậy không thuộc lĩnh vực GĐTP về tiền tệ và hoạt động ngân hàng.
“Gán” UBND giống như tổ chức tín dụng!
“Việc NHNN Việt Nam có văn bản xác định “không thuộc lĩnh vực giám định của ngân hàng” là đúng luật. Có nghĩa KLGĐ số 01 ngày 8/8/2018 trái thông tư 44 của NHNN Việt Nam. Chưa kể KLGĐ 01 còn trái với điều 32 Luật GĐTP, đó là kết luận GĐTP phải đầy đủ các nội dung và liệt kê các mục. Tuy nhiên trong KLGĐ số 01 ngày 8/8/2018 không có mục c: Thông tin xác định đối tượng giám định. Mặt khác KLGĐ số 01 thể hiện các mục bằng số thứ tự từ 1-8, nhưng lại thiếu số 7. Bên cạnh đó KLGĐ 01 còn dựa vào khoản 2 điều 10 quyết định 652 ngày 17/5/2001 của NHNN Việt Nam để làm căn cứ tính lãi. Trong khi khoản 2 điều 10 tính lãi “theo món”. Nhưng phương pháp tính “theo món” chỉ áp dụng đối với hình thức tiền gửi có kỳ hạn hoặc các khoản vay ngắn, trung, dài hạn “theo món” đã thỏa thuận khi cho vay. Như vậy giám định viên căn cứ vào cách tính lãi “theo món” để áp dụng trong trường hợp ngân sách của UBND cho tạm ứng là trái quy định pháp luật”, luật sư Ánh khẳng định.
Cũng theo luật sư Trần Thị Ánh, KLGĐ số 01 còn dựa vào điều 151 Bộ luật Dân sự (BLDS) năm 2005 và điều 146 BLDS năm 2015 làm cơ sở giám định. Tuy nhiên 2 điều luật này quy định về thời hạn, thời điểm tính thời hạn và được áp dụng trong trường hợp các bên có thỏa thuận về thời hạn là một năm, nửa năm, một tháng, nửa tháng, một tuần, một ngày, một giờ, một phút... Thực tế UBND huyện Hòa Thành cho tạm ứng ngân sách đã không nêu, không thỏa thuận thời hạn một năm hay một tháng. Ngoài ra KLGĐ số 01 còn trái với Luật NHNN về mức lãi suất cơ bản bằng đồng Việt Nam đối với các tổ chức tín dụng. Vì UBND không phải tổ chức tín dụng, nên không thể tùy tiện dùng mức lãi suất cơ bản để tính lãi đối với ngân sách UBND cho tạm ứng.
“Có điều khá lạ, trong hồ sơ vụ án có KLGĐ số 08 ngày 29/12/2017 của Sở Tài chính tỉnh Tây Ninh, kết luận: Không đủ cơ sở pháp lý để xác định hậu quả của việc chậm thu hồi các khoản tiền 500 triệu, 2 tỷ đồng và 5,5 tỷ đồng theo quy định của pháp luật. Thế nhưng KLGĐ 08 lại không được đưa vào áp dụng để xác định thiệt hại, lại dùng bản KLGĐ 01 thiếu phần nội dung thông tin xác định đối tượng giám định để làm cơ sở xác định thiệt hại! Trong khi theo quy định, thông tin xác định đối tượng giám định là phần không thể thiếu trong các kết luận GĐTP được quy định tại khoản 1 điều 32 Luật GĐTP số 13/2012/QH13 ngày 20/6/2012”, luật sư Ánh nói.