Hà Nội trong tháng cuối cùng của năm, người như nở thêm ra, đường như nhỏ lại khiến các con phố luôn ùn ứ. Ai ai cũng hối hả. Người lo sắm lọ hoa, đồ dùng ngày Tết. Người tranh thủ đi ngoại giao dịp cuối năm. Cũng không ít những người tỉnh xa tranh thủ mua ít đồ chỉ có Hà Nội mới hội đủ để mang về quê trưng diện với hàng xóm. Các bạn trẻ mải miết săn hàng giảm giá. Người Hà Nội dồn tất cả ra đường nên xe cộ cứ tấp nập từ sáng sớm đến đêm khuya.
Tắc đường không chỉ còn là “đặc sản” lúc tan giờ công sở, mà diễn ra 20/24 giờ trong tháng cận Tết. Đặc biệt, trước ngày nghỉ chính thức, các cửa ngõ, bến xe, bến tàu rời TP; người ngoại tỉnh lại “tay xách nách mang” túi to túi nhỏ buộc trên xe máy, hoặc nhét vội trong cốp xe khách để rời Hà Nội về quê đón Tết. Đường Hà Nội không tắc trong các con phố trung tâm, mà ùn ứ ở các cửa ngõ mở ra các tỉnh lân cận.Vào Tết, Hà Nội không còn những con phố chật chội, còi xe khói bụi ầm ĩ, giờ đây, mọi ngóc ngách phố phường bỗng trở nên vắng vẻ đến lạ. Không còn những cảnh toàn người là người bởi đa phần người lao động và sinh viên đã về quê ăn Tết, lúc này, Hà Nội chậm rãi hơn, dịu dàng hơn rất nhiều. Các con đường vốn xưa giờ luôn đông đúc nay như khoác lên màu áo mới mà chắc hẳn bạn cũng phải thấy bỡ ngỡ nếu vô tình bước tới Hà Nội những ngày này.Phố xá vào ngày 30 Tết bất chợt như lặng đi, thu mình lại. Vẫn những tòa nhà cao tầng ở các khu đô thị ngày thường như những tổ ong đặc kín người bức bối giờ bỗng trở nên khiêm nhường vắng lặng. Chiều 30, chợ hoa không còn ròn rã tiếng mời lời mua. Một vài người vòng xe trên chợ hoa hàng Lược, hoặc chợ hoa vỉa hè (mới mọc ra do chợ hoa tự phát mãn cuộc) để ngắm đào, quất… cũng chỉ là cái thú thong dong chiều cuối năm. Các cửa hiệu ngày thường đèn điện sáng choang, ngày 30 Tết, tất cả đều đóng kín. Số còn lại là các cửa hàng tạp hóa. Các hàng rửa xe mở hết tốc lực để làm sạch mọi loại xe cộ. Những hàng cắt tóc, gội đầu cũng tranh thủ mót khách với giá… trên trời.Sáng mùng 1 Tết, không phải ai cũng dễ để dứt khỏi công việc gia đình, thức dậy sớm dạo quanh một vòng quanh khu phố cổ, những ngõ nhỏ cổ kính bình yên như vốn có của nó. Khác hẳn với cuộc sống đông đúc, ồn ào, tấp nập hàng ngày được để hòa mình vào không khí vừa linh thiêng vừa lãng mạn cổ kính của khu phố cổ là một điều vô cùng hạnh phúc với những người yêu Hà Nội. Ngày đầu năm, những đình chùa cổ Hà Nội lại lảng bảng khói hương. Người già, người trẻ, những cô cậu học trò cũng đi lễ chùa, xin cho năm mới những điều an lành, hạnh phúc. Trước đó, các ngôi chùa đã tất bật sửa sang, làm mới để chuẩn bị cho việc đón khách đêm Giao thừa và những ngày đầu Xuân.Món ăn bày biện trên phố phường Hà Nội cũng khác lạ. Vì ngấy với đủ món canh măng, thịt gà, thịt đông, bánh chưng..., người Hà Nội thường tìm đến những món ăn nhẹ nhàng như bún ốc, bún riêu, và nhất là bánh cuốn để ăn lót dạ. Đi dọc những con phố cổ như Hàng Điếu, Hàng Mã hay Hàng Chỉ... các quán bún riêu cua và bún ốc thu hút được nhiều thực khách nhất trong những ngày đầu năm mới. Các hàng bán bún lõng bõng 3 con ốc, thoang thoảng vị cua được nâng giá lên gấp rưỡi (40 nghìn - 50 nghìn đồng/bát) nhưng ngày Tết ai cũng vui vẻ thưởng thức.Tết ở Hà Nội cái gì cũng chậm rãi khác lạ so với ngày thường. Giữa cơn mưa phùn Xuân lất phất, lòng người ta cũng cảm thấy nhẹ nhàng hơn. Nếu bất chợt chạm mắt vào nhau, người ta đều khẽ gật đầu và mỉm cười. Tết ở Hà Nội cứ đáng yêu như thế đấy!