Tết dân gian giữa lòng Thủ đô

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Bắt đầu từ 9 giờ sáng, ngày 5/2 (mùng 4 Tết) cho đến hết ngày 8/2 (mùng 6 Tết Tân Mão), người Hà Nội tìm đến nơi đây như để tìm một không gian riêng, khác hẳn không khí đón Tết sôi động của phố phường.

KTĐT - Giữa tiết trời hơi se lạnh nhưng có nắng vàng của Tết Tân Mão, hàng nghìn người xúng xính áo mới, xếp hàng mua vé vào cửa Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam để tìm chơi các trò nhảy sạp, đi cà kheo, đánh đu; thưởng thức hương vị thịt trâu khô xào chua ngọt, lạp xường treo gác bếp… của dân tộc Tày, Thái, Nùng hay Dao Lô gang… Bắt đầu từ 9 giờ sáng, ngày 5/2 (mùng 4 Tết)cho đến hết ngày 8/2 (mùng 6 Tết Tân Mão), người Hà Nội tìm đến nơi đây như để tìm một không gian riêng, khác hẳn không khí đón Tết sôi động của phố phường.

 

Đã nhiều năm nay, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam là điểm dừng chân của những người muốn hòa mình vào hoạt động vui chơi bổ ích, những sinh hoạt văn hóa đặc sắc gắn với Tết truyền thống và tập quán mừng năm mới của một số dân tộc ở Việt Nam. Ngay khi bước đến cổng của Bảo tàng, du khách đã được hòa mình trong những giai điệu âm nhạc mừng năm mới, cầu an, cầu mùa của các tộc người Raglai, Dao Lô gang, Na Miẻo và Tày, điệu múa sư tử của người Nùng. Nhiều chàng trai cô gái Hà Nội đã nắm tay, hòa mình cùng những người dân đến từ bản làng xa xôi hát khúc hát giao duyên đầu năm mới của 5 tộc người này. Họ cũng không ngần ngại nhảy thử điệu múa của người Raglai hay điệu múa sạp của người Thái bên cạnh tiếng cồng chiêng vang dội của người Tây Nguyên.

 

Sau bước nhảy sạp lỡ nhịp, bạn Hồng Phương ở Cầu Giấy chia sẻ: "Tôi bất ngờ trước việc tái dựng các trò chơi dân gian và hoạt động sinh hoạt văn hóa của các tộc người ở nơi đây. Tôi chưa từng tham gia các trò chơi này, nhưng trước sự hướng dẫn nhiệt tình của các bác, các chị người dân tộc nên háo hức muốn chơi thử nhiều trò. Tôi không có điều kiện đi đến các bản làng dân tộc để chiêm ngưỡng các cuộc sống của họ trong ngày Tết, nên coi đây là dịp để khám phá".

 

Bỏ qua những trò chơi điện tử, những tiếng nhạc sập sình trong quán nhạc, hàng nghìn bạn trẻ Thủ đô, trong đó có cả người nước ngoài đã đến với không gian của ngôi nhà Mường, ngôi nhà vách đất người Việt để thưởng thức hơn hai chục trò chơi dân gian, phù hợp cho cả trẻ em và người lớn. Có những trò chơi tương tự hoặc giống nhau ở 3-4 dân tộc, như: Đẩy gậy (Tày, Nùng, Việt), nhảy bao bố (Nùng, Tày, Việt), đi cà kheo (Việt, Mông, Tày, Nùng), đánh quay (Mông, Dao, Việt, Nùng, Tày), cầu lông gà (Thái, Mông, Pà Thẻn), ném còn (Tày, Nùng, Thái), cờ gánh (Thái, Việt). Bên cạnh đó là hàng loạt trò chơi thú vị khác. Người Thái có các trò mả mú sứa, tỏ hốn tá lòn, pa mạ na ố, tỏ mạ mằng. Người Việt có kéo co, đánh đu, đấu vật, đẩy lưng, đáo mẹt, đáo cọc, đáo đĩa, "chọi trâu", pháo đất, ô ăn quan, cờ toán, kia - nọ. Có nhiều em thiếu nhi, chân đi đôi giày búp bê, đầu đội khăn xếp, khoác trên mình bộ ái dài truyền thống màu đỏ nhưng đã ngồi bệt xuống chiếu say mê làm chong chóng, nặn tò he, hoa quả nặn bột, tô vẽ mặt nạ, trang trí con giống giấy bồi, tô vẽ 12 con giáp bằng đất.

 

Sau những phút vui chơi du khách sẽ được thưởng thức hương vị ẩm thực cổ truyền của người Tày, như: Lợn quay lá mác mật, thịt trâu khô xào chua ngọt, lạp xường treo gác bếp, xôi cẩm, bánh pẻng khô, bánh cóc mò, bánh khẩu si… để rồi khi ra về vẫn còn lâng lâng niềm vui cùng chút rượu men lá. Hơn 90 người đến từ nhiều nơi và thuộc những dân tộc khác nhau (Việt, Tày, Nùng, Dao, Mông, Na Miẻo, Raglai), cùng 150 tình nguyện viên là sinh viên, học sinh ở Hà Nội đã chung tay với Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam tổ chức nên chương trình này để giúp người Hà Nội có niềm vui ý nghĩa trong ngày Xuân Tân Mão. Cách tái tạo không gian vui chơi như thế này không chỉ đáp ứng nhu cầu thưởng xuân của đông đảo công chúng Thủ đô, mà còn nhằm góp phần vào việc quảng bá và bảo tồn vốn văn hoá cổ truyền quý báu của các dân tộc ở Việt Nam.