Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

[Từ làng ra phố]

Tết xưa theo mẹ đi chợ phiên

Trực Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ở xứ Miền Trung nghèo khó quê tôi, cách đây hơn 1/3 thế kỷ, đói rét, nghèo khổ vẫn bao trùm.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Tuy không phải chốn rừng xanh núi đỏ, nhưng ở vùng chiêm khê - mùa thối, thuộc hệ “vùng sâu, vùng xa” của xứ Thanh, trẻ con ngoài 10 tuổi không mấy đứa được ra khỏi lũy tre làng. Vậy nên việc được bước qua cái làn ranh ấy, gần như là niềm hạnh phúc của bất kỳ đứa trẻ nào.

Nhà đông anh chị em, mà lại là con út nên sinh thời, mẹ thường ưu tiên cho tôi được “tháp tùng” người những phiên chợ cuối năm. Xứ tôi ngày đó, ngay trung tâm huyện cũng chưa có mét đường nhựa nào, nên đường làng, ngõ xóm càng không. Và hình như thời tiết xưa cũng khác bây giờ, cuối năm mưa phùn, gió bấc rét cắt da cắt thịt. Bình thường - 6 giờ sáng, bọn “trẻ trâu” chúng tôi vẫn đang ngủ vùi trong ổ rơm, gọi đi học đã là việc không dễ - ấy vậy mà chỉ cần nghe tiếng mẹ sửa soạn đi chợ, tôi đã tỉnh như sáo, chỉ đợi “ý chỉ” của người là tắp lự lên đường!

Cuối năm mưa kéo dài, đường quê trơn như đổ mỡ, phong phanh chiếc áo vải, chân đất, đầu trần, lần bước theo mẹ đi chợ mà lòng vui như trẩy hội… Quê tôi thời đấy, cả tổng mới có một ngôi chợ họp theo phiên, mỗi tuần chỉ một buổi vào ngày lẻ. Tiếng là chợ, nhưng thực ra chỉ là bãi đất trống cạnh mương nước. Bên trong chỉ có vài dãy lều, cột xiêu, kèo rụng, mái lá nhìn thấu trời… Thời khốn khó, chợ chỉ có vài ngôi hàng xén, bán những vật dụng như kim chỉ, dầu đèn, vài hàng thịt cá, một hai bễ lò rèn, người đến chợ đa phần lam lũ, áo nâu - chân đất.

Tết về, chợ có thêm mấy người bán hoa giấy, bóng bay xanh đỏ, tranh gà, mấy hàng pháo tép thi thoảng lại đốt vài cái đì đùng để “câu khách”, khiến không khí thêm phần sôi động. “Đông như chợ Tết”, là câu cửa miệng của người dân xứ tôi, ám chỉ những nơi chốn tụ tập lắm người. Mà chợ ngày Tết đông thật. Ngày thường, trừ khi có con ngan, con vịt cần bán, thiếu chút dầu đèn, mắm muối người ta mới phải đi chợ - bằng không, có khi cả tháng nhiều người chả màng bước chân tới chợ, bởi cũng chẳng có gì mà bán, và cũng chẳng đào đâu ra tiền mà đi mua. Cần kíp thứ gì, người quê tôi có kiểu nhờ láng giềng (ai đi chợ) mua hộ. Nhưng Tết về, người giàu, kẻ khó - ai cũng phải tới chợ để lo cho con cái ăn, miếng uống, bởi các cụ xưa có câu “no ba ngày Tết”…

Khoảng cách từ nhà tới chợ chỉ dăm cây số, nhưng ở cái thời cả xã chỉ một vài người có xe đạp, còn lại người ta vẫn nói vui là đi bằng… “xe căng hải” (hai cẳng - đi bộ), nên từ nhà tới chợ dẫu không xa, nhưng cũng phải hàng giờ đồng hồ mới tới nơi. Chợ Tết, người đông như nêm, vậy nên để mua được chai dầu hỏa mất cả tiếng đồng hồ; lại mất từng đấy thời gian chen chân mua thêm chút mắm muối, cuộn lá dong, bó lạt giang, vài cặp hoa giấy, xấp vàng mã… Khi đã sắm đầy đủ những “thức” cần thiết, thì trời đã gần “chạm Ngọ”. Trong cái không khí xốn xang của đứa trẻ lần đầu được “hóng hớt” nơi đông người - hình như cái đói bị quên đi. Tan buổi chợ, phần thưởng cho việc trông đồ chỉ là nửa cái bánh đa sém khói, nhưng như vậy cũng coi như là “hậu” so với anh chị ở nhà vẫn mang cái bụng không từ lúc bình minh.


Thời nay, sắm Tết quá đơn giản, chỉ cần có tiền, chợ cóc, chợ tạm, tiệm tạp hóa - khắp phố cùng quê, chẳng nơi nào thiếu. Bằng không, chỉ cần nhấc điện thoại lên, nửa giờ sau, người ta ship tận cửa! Với trẻ con bây giờ, không mấy đứa thiết tha theo mẹ đi chợ - dù đó là chợ Tết? Nhưng với trẻ con thuở xưa, theo mẹ chợ phiên ngày Tết, chả mấy đứa không thèm. Và với tôi, “Tết xưa theo mẹ chợ phiên” là ký không phai mờ, kệ đời năm tháng!