Thạch Thất dồn sức nâng cao thu nhập cho người dân

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Xác định xây dựng nông thôn mới (NTM) là chương trình toàn diện, lâu dài, huyện Thạch Thất đặc biệt quan tâm tới công tác phát triển sản xuất nhằm mục tiêu cuối cùng là nâng cao đời sống cho Nhân dân.

Tỷ lệ hộ nghèo giảm

Mặc dù là địa phương có làng nghề truyền thống tương đối phát triển và số người đi xuất khẩu lao động cao, song không vì thế mà lãnh đạo xã Hương Ngải, huyện Thạch Thất coi nhẹ nhiệm vụ phát triển kinh tế nông nghiệp. Chủ tịch UBND xã Nguyễn Trần Vượng chia sẻ, xây dựng NTM không phải là xây dựng một số công trình hạ tầng là xong, mà mục đích cuối cùng là nâng cao đời sống cho Nhân dân. Bởi vậy, xã đã tập trung dồn điền đổi thửa, quy hoạch các vùng sản xuất lúa, rau an toàn theo hướng hàng hóa. Hàng năm, Hương Ngải luôn là đơn vị được tổ chức khảo nghiệm các giống mới. Nhờ đó, hiệu quả sản xuất nông nghiệp tăng lên, đạt từ 150 - 250 triệu đồng/ha/năm, góp phần giúp xã hoàn thành xây dựng NTM.
Mô hình trồng đu đủ tại xã Dị Nậu, huyện Thạch Thất.         Ảnh: Thiện Quang
Mô hình trồng đu đủ tại xã Dị Nậu, huyện Thạch Thất. Ảnh: Thiện Quang
Cùng với Hương Ngải, nhiều xã khác trên địa bàn huyện Thạch Thất cũng dồn sức cho phát triển sản xuất để nâng cao thu nhập cho người dân. Nhằm tập trung cao độ các nguồn lực cho nhiệm vụ này, Huyện ủy Thạch Thất đã ban hành Chương trình chuyên đề số 10 về "Đẩy mạnh phát triển kinh tế toàn diện, hiệu quả, bền vững, xây dựng NTM, từng bước nâng cao đời sống Nhân dân giai đoạn 2011 - 2015". Trong đó, huyện đã quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp phù hợp với từng địa bàn, khu vực như vùng trồng lúa chất lượng cao, rau an toàn tại các xã Hương Ngải, Canh Nậu, Dị Nậu; vùng cây ăn quả xã Kim Quan, Bình Yên, Hạ Bằng, Đồng Trúc; chăn nuôi lợn rừng ở các xã Yên Bình, Yên Trung, Tiến Xuân...

Ông Hoàng Chí Lượng - Trưởng phòng Kinh tế huyện Thạch Thất cho biết, hiện nay, toàn huyện đã có 167 mô hình chăn nuôi hiệu quả, trong đó có mô hình chăn nuôi quy mô tới 20.000 con lợn và 700.000 con gà/năm. Từ việc tập trung chỉ đạo chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi và áp dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật tiên tiến, đến nay, giá trị sản xuất nông nghiệp trên địa bàn đạt 203 triệu đồng/ha/năm. Thu nhập bình quân đầu người năm 2015 đạt 35 triệu đồng. Tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 2,64%, giảm 12,1% so với năm 2011 khi mới bắt tay vào xây dựng NTM.

Tạo sức bật cho sản xuất

Cho đến nay, toàn huyện Thạch Thất đã có 10 xã đạt chuẩn NTM, phấn đấu đến hết năm 2015 có 13 xã về đích thành công, chiếm 59,1% tổng số xã trên địa bàn. Có thể nói, chương trình xây dựng NTM đã đem lại những kết quả thiết thực, góp phần vào sự thay đổi toàn diện kinh tế - xã hội bộ mặt nông thôn trên địa bàn huyện Thạch Thất. Đời sống nông dân không ngừng được cải thiện và điều quan trọng hơn, mỗi người dân có ý thức trách nhiệm cao hơn với cộng đồng địa phương. Theo mục tiêu đề ra, phấn đấu đến năm 2020, huyện Thạch Thất có 100% số xã hoàn thành xây dựng NTM. Đây là quyết tâm cao của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân huyện Thạch Thất trong nỗ lực chung cùng toàn TP hoàn thành xây dựng NTM.

Thực tế thời gian qua, huyện Thạch Thất đã có nhiều quyết sách với cơ chế đầu tư, hỗ trợ các xã xây dựng mô hình điểm trong sản xuất nông nghiệp, mang lại hiệu quả cao. Cụ thể, huyện hỗ trợ xây dựng nhà lạnh bảo quản giống cây trồng đầu tiên ở xã Hương Ngải trị giá 950 triệu đồng, đồng thời tạo điều kiện đưa nhanh cơ giới hóa vào sản xuất. Tuy nhiên, đánh giá một cách tổng thể, ngành nông nghiệp của huyện phát triển vẫn chưa tương xứng với tiềm năng sẵn có, hạ tầng phục vụ sản xuất còn hạn chế. Bởi vậy, để nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng thu nhập cho người nông dân đòi hỏi địa phương cần tiếp tục có những chương trình, đề án cụ thể phù hợp với thực tiễn của từng xã về phát triển nông nghiệp, xây dựng NTM.

Bí thư Huyện ủy Thạch Thất Nguyễn Doãn Hoàn cho biết, một trong những nhiệm vụ trọng tâm của huyện trong thời gian tới là tiếp tục thực hiện tốt quy hoạch phát triển vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa, chất lượng cao. Trong đó chuyển đổi sản xuất từ trồng lúa kém hiệu quả sang trồng rau, hoa, cây dược liệu, cây ăn quả. Đáng chú ý, huyện sẽ có cơ chế hỗ trợ thay thế bộ giống cũ bằng giống mới có năng suất, chất lượng cao và hỗ trợ các hộ dân đầu tư mua sắm máy móc, thiết bị nhằm nâng cao tỷ lệ cơ giới hóa trong nông nghiệp. Qua đó, phấn đấu đến năm 2020, thu nhập bình quân đầu người toàn huyện sẽ đạt 70 triệu đồng.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần