Các phương tiện gây ô nhiễm sẽ phải trả khoản phí là 12,5 bảng Anh, khoảng 380 nghìn VND mỗi ngày, nếu không trả tiền phí theo quy định, họ sẽ phải đối mặt với khoản tiền phạt lên tới 160 bảng Anh, tương đương 4,8 triệu VND/ngày.
Vùng phát thải cực thấp (ULEZ), nơi các chủ phương tiện ô tô có mức phát thải cao phải trả phí khi tiến vào, từ ngày 29/8/2023 được mở rộng vượt giới hạn trước đó, để bao phủ toàn bộ 9 triệu cư dân vùng Đại London.
ULEZ được giới thiệu vào năm 2019 tại một khu vực nhỏ ở trung tâm London và mở rộng vào năm 2021. Giờ đây, khu vực này sẽ bao trùm thêm 5 triệu người sinh sống ở những nơi có ít kết nối giao thông công cộng hơn. Do vậy, những phương tiện giao thông cũ và gây ô nhiễm hơn sẽ phải trả phí mới được đi vào toàn bộ vùng này.
Hiện nay, ULEZ bao phủ một vùng rộng lớn ở bên trong các đường vành đai nội đô phía Bắc và Nam London và khu vực trung tâm thành phố.
Trong một biện pháp tương tự lần đầu tiên đưa ra năm 2003, tất cả ô tô và xe tải đi vào khu vực trung tâm London ban ngày cũng phải trả "phí tắc nghẽn" 15 bảng Anh.
Các kế hoạch tương tự đã được thực hiện ở một số thị trấn và thành phố khác của Anh để giảm khí thải gây ô nhiễm và cải thiện chất lượng không khí. Theo một báo cáo công bố năm 2019, ô nhiễm không khí đã dẫn tới khoảng 1.000 ca nhập viện hằng năm vì bệnh hen suyễn và bệnh phổi nghiêm trọng ở London từ năm 2014 đến 2016.
Tuy nhiên, kế hoạch này cũng vấp phải một số luồng phản đối, cho rằng mức phí 12,50 bảng Anh (16 USD) hàng ngày đối với hàng nghìn người lái những phương tiện cũ hơn, gây ô nhiễm hơn là không công bằng và sẽ gây ra thiệt hại kinh tế.
Được đơn giản hóa như một cuộc tranh luận về kinh tế và môi trường, cuộc tranh cãi ở London phản ánh những thách thức mà các nhà hoạch định chính sách trên khắp thế giới đang phải đối mặt khi cái giá phải trả cho những nỗ lực giải quyết sự gia tăng thảm khốc về nhiệt độ toàn cầu bắt đầu ngày càng rõ rệt hơn.
Ở châu Âu, các động thái nhằm cải thiện hiệu quả sử dụng năng lượng của các tòa nhà và giao thông đã làm tăng áp lực lên các chính trị gia, trong đó chính phủ Ba Lan thậm chí còn kiện EU về các chính sách khí hậu khối, vốn cho rằng sẽ làm gia tăng sự bất bình đẳng giữa các quốc gia thành viên.
Trao đổi với BBC hôm 29/8, Thị trưởng Khan cho rằng việc giới thiệu khu vực mở rộng là khó khăn nhưng cần thiết. Trước đây ông từng nói rằng những người sống ở những khu vực nghèo nhất phải đối mặt với mức độ ô nhiễm cao nhất.
“Việc mở rộng ULEZ là một phần không thể thiếu trong chính sách của chúng tôi nhằm giải quyết ô nhiễm không khí, trạng thái khẩn cấp về khí hậu, nhưng cũng để đảm bảo rằng chúng tôi giải quyết được vấn đề bất công xã hội,” Thị trưởng Khan nói, đồng thời cho biết 9/10 ô tô ở London đã tuân thủ quy định ULEZ, nhưng những người phản đối đã thách thức con số đó.
Những người biểu tình đã trút giận lên các camera thực thi ULEZ, trong đó Cảnh sát London ghi lại 164 camera bị đánh cắp và 185 camera bị hư hỏng tính đến ngày 1/8.
Cơ quan giao thông vận tải London cho biết họ đã tăng cường an ninh cho các camera. Họ có kế hoạch lắp đặt tổng cộng 2.750 camera ở ngoại ô London, trong đó 1.900 camera hiện đang được lắp đặt.
Việc mở rộng mô hình này cũng gây ra một cuộc tranh luận ở Anh, quốc gia đang hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, về cách thực hiện các chính sách môi trường mà không khiến cử tri xa lánh.