Đảm bảo đa số và bổ nhiệm Chính phủ
Trong cuộc bầu cử Quốc hội ở Pháp diễn ra vào ngày 12 - 19/6 tới, đảng La République en Marche (LaREM) của ông Macron và các đồng minh cần đa số 289 nghị sĩ trong hạ viện gồm 577 ghế. Tuy nhiên, vòng đầu tiên của cuộc thăm dò ý kiến đã trở thành báo động cho các chính đảng của Pháp, với việc phe cánh hữu Les Républicains và phe Xã hội Chủ nghĩa mỗi bên chỉ được ít hơn 5%, và sự xuất hiện của 3 khối tương đối bình đẳng: Cánh tả cực đoan, trung tâm đa dạng của Tổng thống Macron, và phe cánh hữu tiến bộ.
Không có đa số, khả năng điều động của Tổng thống Pháp sẽ giảm đáng kể, buộc ông Macron sẽ cần sự hỗ trợ từ bên ngoài - chắc chắn một số sẽ đến từ cánh ôn hòa của Les Républicains.
Tổng thống Macron đã nói rằng Chính phủ của ông sẽ mở cửa với “bất kỳ ai ủng hộ kế hoạch” của ông ấy, nhưng các cuộc đàm phán sẽ rất khó khăn. Ông cũng nhấn mạnh rằng môi trường sẽ là trọng tâm trong nhiệm kỳ thứ 2 và Thủ tướng mới của ông sẽ được giao nhiệm vụ “quy hoạch sinh thái”.
Cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt
Theo The Guardian, dữ liệu thăm dò mới đây cho thấy chỉ có 5% người nghèo nhất ở Pháp đang có hoàn cảnh tồi tệ hơn so với 5 năm trước. Nhưng sau những chính sách siết chặt liên tục, một số lượng lớn cử tri Pháp cho biết họ gặp khó khăn trong việc kiếm sống và chi phí sinh hoạt, trở thành vấn đề quan trọng của các chiến dịch bầu cử.
Tổng thống Macron cho biết, ông sẽ duy trì giới hạn giá khí đốt và điện, cũng như Chính phủ giảm giá nhiên liệu tại các máy cung ứng nếu chi phí năng lượng tiếp tục tăng. Ông cũng đã vạch ra các biện pháp tiếp theo, bao gồm việc hỗ trợ nhiều hơn cho những người được trả lương thấp và những người làm việc tự do.
Lương hưu, trường học, y tế, tội phạm
Ông Macron cũng hứa rằng những cải cách lương hưu mà ông đã không thể thực hiện trong nhiệm kỳ đầu tiên của mình - bao gồm việc tăng tuổi nghỉ hưu dần dần lên 65 vào năm 2031, ngoại trừ những người làm công việc nặng nhọc - sẽ được thực hiện vào mùa Thu tới. Ông hứa sẽ không đẩy nhanh kế hoạch này bằng sắc lệnh của Tổng thống, nhưng cũng sẽ không bỏ chúng. Quyết tâm này được dự báo có thể dẫn đến các cuộc xuống đường biểu tình phản đối.
Ông cũng dự kiến sẽ sớm tiến hành các cuộc tham vấn về cải cách hệ thống giáo dục tập trung của Pháp, trao quyền tự chủ hơn nữa cho các trường học, bên cạnh việc cải thiện dịch vụ chăm sóc sức khỏe ở các vùng nông thôn. Tổng thống cũng cam kết sẽ tuyển dụng thêm cảnh sát, thẩm phán và nhân viên hỗ trợ tư pháp.
Các vấn đề quốc tế
Nhiệm kỳ Chủ tịch Liên minh châu Âu (EU) kéo dài 6 tháng của Pháp - với các ưu tiên đảm bảo biên giới bên ngoài của khối và kiểm soát tình trạng di cư bất hợp pháp, tăng cường hợp tác quốc phòng và phát triển “mô hình tăng trưởng” kinh tế châu Âu dựa trên đầu tư công nghệ cao - vẫn còn hơn 2 tháng hoạt động trước mắt.
Trong khi đó, cuộc xung đột Nga - Ukraine vẫn đang tiếp diễn và một hội nghị thượng đỉnh quan trọng của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) dự kiến sẽ diễn ra vào tháng 6 tới. Đây sẽ là những sự kiện không thể bỏ qua với ông Macron - nhà lãnh đạo có tầm ảnh hưởng nhất của EU lúc này, đã thể hiện mong muốn trở thành người bảo vệ mạnh mẽ các giá trị phương Tây ngay từ cuộc bầu cử năm 2017.
Tái kết nối với cử tri
Một thách thức tương đối lớn với ông Macron là thực tế: Trong khi cả hai ứng cử viên Tổng thống lần này đều có người ủng hộ, một tỷ lệ đáng kể số phiếu bầu là phiếu bác bỏ. Số phiếu bầu và tỷ lệ bỏ phiếu trắng cũng ở mức cao đáng báo động.
Những điều này có nghĩa là Tổng thống Macron có thể tái đắc cử, nhưng khoảng 2/3 cử tri Pháp vẫn không thích ông. Nếu muốn tránh được một cuộc chạy đua khó khăn hơn nữa vào năm 2027, ông chủ Điện Élysee đã thừa nhận rằng ông phải ưu tiên xây dựng lại mối quan hệ với những người đã quay lưng lại với ông, hoặc đang chỉ cho ông mượn lá phiếu của họ để chặn đối thủ Le Pen.