Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới
Logo
Đăng ký ấn phẩm|Đăng nhập

Thách thức thuế quan Mỹ: doanh nghiệp dệt may tìm giải pháp thích ứng

Kinhtedothi- Việc Mỹ áp dụng thuế quan mới đang tác động mạnh đến hoạt động xuất nhập khẩu trên nhiều lĩnh vực. Ngành dệt may- vốn chiếm tỷ trọng lớn trong kim ngạch xuất khẩu và sử dụng lượng lao động đông đảo- đang chịu ảnh hưởng đáng kể. Trước bối cảnh đó, các cơ quan chức năng và bản thân doanh nghiệp đang có nhiều giải pháp để thích ứng linh hoạt và hạn chế tối đa các khó khăn, thách thức.

Nâng tầm trong thách thức

Năm 2024, ngành dệt may Việt Nam đạt kim ngạch xuất khẩu 43,6 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu sang thị trường Mỹ đạt 16,6 tỷ USD, chiếm 38% tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành và tương đương 15,07% tổng kim ngạch nhập khẩu dệt may của Mỹ. Các thị trường xuất khẩu lớn tiếp theo gồm Nhật Bản (10,5%), EU (10,25%), Hàn Quốc (8,57%), Trung Quốc (8,33%), ASEAN (7,1%), Nga (1,75%) và hơn 50 thị trường khác chiếm tổng cộng 10,3%. Ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu của ngành đạt 24,8 tỷ USD, trong đó nhập khẩu từ Mỹ là 1,2 tỷ USD, chiếm 4,8%. 

Ngành cũng giải quyết việc làm cho khoảng 3,4 triệu lao động, trong đó có 1,9 triệu người làm việc trong các doanh nghiệp, số còn lại thuộc hợp tác xã và hộ kinh doanh. Đặc biệt, các doanh nghiệp FDI đã đầu tư vào ngành với tổng vốn đăng ký trên 30 tỷ USD.

Theo Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Thời trang Aligro Hoàng Linh, việc Mỹ áp thuế cao với một số mặt hàng trong đó có dệt may vừa là áp lực, vừa là cơ hội để doanh nghiệp chuyển mình. Theo bà, dệt may hiện vẫn chủ yếu làm gia công, nếu mức thuế cao được áp dụng, khả năng các nhà máy dịch chuyển sang quốc gia có mức thuế thấp hơn là điều hoàn toàn có thể xảy ra.

Tuy nhiên, Việt Nam vẫn có nhiều lợi thế như lực lượng lao động đông, tay nghề cao, quy mô sản xuất tốt và khả năng triển khai mô hình FOB. Nếu có chiến lược đầu tư bài bản từ khâu nguyên phụ liệu đến nghiên cứu và phát triển sản phẩm hoàn chỉnh, ngành thời trang Việt Nam hoàn toàn có thể nâng tầm.

Chủ động xây dựng kịch bản thích ứng

Theo đại diện Hiệp hội Dệt May Việt Nam (Vitas), nếu chính sách thuế quan mới của Mỹ thực thi đúng thời hạn công bố, ngành dệt may sẽ bị ảnh hưởng cực kỳ lớn. Đặc biệt, chính sách thuế mới có thể gây tổn hại đến nguồn lực phát triển doanh nghiệp, làm giảm khả năng giữ chân và thu hút đầu tư nước ngoài, đồng thời ảnh hưởng tiêu cực đến sức cạnh tranh của doanh nghiệp Việt.

Đại diện Vitas đánh giá cao những hành động nhanh chóng, quyết liệt của lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các bộ ngành trong việc nỗ lực trì hoãn chính sách, tạo điều kiện cho các bên đối thoại, đàm phán theo hướng hợp lý, công bằng và cùng có lợi. Vitas bày tỏ kỳ vọng lớn vào kết quả của những nỗ lực này. Phó Chủ tịch Vitas Trương Văn Cẩm khẳng định, niềm tin rằng ngành dệt may sẽ vượt qua giai đoạn khó khăn, đồng thời xem đây là cơ hội để tái cơ cấu theo hướng phát triển bền vững hơn.

Về giải pháp, Vitas nhấn mạnh các doanh nghiệp, đặc biệt là những đơn vị có kim ngạch xuất khẩu lớn sang Mỹ, cần hết sức tỉnh táo, tự tin và chủ động cập nhật tình hình. Cần đẩy mạnh hợp tác nội bộ giữa các doanh nghiệp trong ngành, phối hợp với các nhà mua hàng để cùng tìm giải pháp, chia sẻ rủi ro và lợi ích. Một hướng đi quan trọng là đẩy mạnh đa dạng hóa thị trường, đặc biệt tận dụng các thị trường mà Việt Nam đã ký kết các hiệp định thương mại tự do (FTA), cũng như các thị trường tiềm năng như Halal và Nam Mỹ.

Bên cạnh đó, cần tận dụng cơ hội từ chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo theo định hướng của Đảng và Nhà nước. Để hỗ trợ quá trình này, Vitas đề xuất các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài cần chủ động cung cấp thông tin về thị trường sở tại như nhu cầu, thị hiếu, dung lượng và cơ hội hợp tác trong lĩnh vực thương mại, đầu tư dệt may. Đồng thời, cần đẩy mạnh kết nối giao thương để doanh nghiệp hai bên có cơ hội gặp gỡ, trao đổi và thiết lập hợp tác.

Đối với Chính phủ và các bộ, ngành, Vitas kiến nghị tiếp tục thúc đẩy đàm phán với Hoa Kỳ liên quan đến chính sách thuế mới. Đồng thời, đề nghị xúc tiến nhanh các hiệp định thương mại tự do mới, như FTA ASEAN – Canada hoặc khởi động đàm phán song phương Việt Nam – Canada nhằm linh hoạt hơn trong quy định về xuất xứ, cụ thể là chấp nhận quy tắc hai công đoạn thay vì ba như trong CPTPP. Ngoài ra, cần khẩn trương rà soát và ban hành các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, bao gồm thuế, phí, lệ phí, lãi suất, vốn vay, khoanh nợ – giãn nợ, giữ nguyên nhóm nợ và giảm các khoản đóng góp bắt buộc để giúp doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn.

Thực tế, nhiều doanh nghiệp như Tổng Công ty May 10 đã chủ động xây dựng các kịch bản ứng phó. Đại diện May 10 cho biết, trước khi Mỹ áp thuế, thị trường này chiếm tới 60% kim ngạch xuất khẩu của doanh nghiệp. Tuy nhiên, May 10 đã và đang kiên định chiến lược đa dạng hóa thị trường, không phụ thuộc vào Mỹ. Doanh nghiệp hiện đẩy mạnh xuất khẩu sang EU, Nhật Bản, Úc và một số thị trường khác. Đồng thời, để giảm sự phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu từ Trung Quốc, May 10 cũng tích cực đa dạng hóa nguồn cung. Các biện pháp tiết kiệm chi phí, đầu tư công nghệ hiện đại nhằm tăng năng suất lao động và giảm giá thành sản phẩm cũng đang được triển khai quyết liệt. Thị trường nội địa cũng được chú trọng hơn nhằm cân bằng tỷ trọng với xuất khẩu. 

Trong bối cảnh biến động, ngành dệt may Việt Nam vẫn có nhiều lợi thế như lực lượng lao động đông, tay nghề cao, quy mô sản xuất lớn và năng lực làm FOB. Tuy nhiên, để nâng cao vị thế trong chuỗi giá trị toàn cầu, cần từng bước chuyển dịch từ gia công đơn thuần sang mô hình sản xuất toàn diện – từ nguyên phụ liệu đến thiết kế, nghiên cứu và cho ra sản phẩm thời trang hoàn thiện.

Đây là cơ sở để hình thành các chuỗi thời trang “Made in Vietnam” có quy mô và giá trị lớn, đáp ứng yêu cầu chuỗi cung ứng toàn cầu tuần hoàn, bền vững. Giải pháp then chốt là tăng cường tìm kiếm, mở rộng quan hệ với các đối tác tại EU, Hàn Quốc, Nhật Bản và các thị trường tiềm năng khác để tạo ra bước phát triển thực chất cho ngành dệt may Việt Nam trong giai đoạn mới.

Xuất khẩu thuỷ sản lúng túng trong “bão” thuế

Xuất khẩu thuỷ sản lúng túng trong “bão” thuế

Đọc nhiều
HỎI ĐÁP THÔNG MINH

CẢM NHẬN CỦA BẠN VỀ BÀI VIẾT NÀY

  • Rất hay
  • Thích
  • Giải trí
  • Cần cải thiện

BÌNH LUẬN (0)

Đừng bỏ lỡ
Giá lúa gạo hôm nay 16/4: giá lúa tăng, giá gạo giảm

Giá lúa gạo hôm nay 16/4: giá lúa tăng, giá gạo giảm

16 Apr, 06:16 AM

Kinhtedothi - Giá lúa gạo hôm nay 16/4 tại thị trường trong nước tăng giảm trái chiều khi điều chỉnh giảm 50 đồng/kg với một số loại gạo và tăng 100 đồng/kg với mặt hàng lúa. Thị trường lúa khô giao dịch chậm lại, thương lái có lưỡng trữ lúa khô chào bán đều nhưng kho mua ít.

Tin mới
VIDEO
Tin Tài Trợ