Thái Lan có Thủ tướng mới

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ít ngày sau khi Hội đồng Lập pháp Thái Lan bầu chọn, hôm 25/8, Tư lệnh lục quân Thái Lan -tướng Prayuth Chan-ocha đã được Nhà Vua Thái Lan phê chuẩn trở thành Thủ tướng lâm thời.

Người dân Thái Lan kỳ vọng, Chính phủ lâm thời sẽ nhanh chóng ổn định tình hình đất nước, vốn đã lâm vào bất ổn suốt hơn một năm qua. 

Ngày 25/8, ông Chan-ocha đã tham dự buổi lễ chứng thực của Hoàng gia Thái Lan tại trụ sở quân đội nước này ở Thủ đô Bangkok. Theo kế hoạch, ông Chan-ocha sẽ từ chức Tư lệnh lục quân Thái Lan vào tháng 9 tới và tiến hành các bước đi nhằm hoàn thiện bộ máy Chính phủ nhưng vẫn nắm giữ vị trí người đứng đầu Hội đồng gìn giữ trật tự và hòa bình quốc gia.
Thủ tướng mới của Thái Lan Prayuth Chan-ocha.     Ảnh: AP
Thủ tướng mới của Thái Lan Prayuth Chan-ocha. Ảnh: AP
Nhân dịp Thủ tướng lâm thời Thái Lan Prayuth Chanocha được Nhà Vua Thái Lan phê chuẩn làm Thủ tướng lâm thời Vương quốc Thái Lan, ngày 26/8, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng đã gửi điện mừng.
Theo kết quả cuộc thăm dò mới nhất do Trung tâm Suan Dusit của Thái Lan thực hiện, đa số người được hỏi đều bày tỏ sự hài lòng đối với việc tướng Prayuht Chan-ocha trở thành Thủ tướng mới của Thái Lan. Cuộc thăm dò được tiến hành đối với hơn 1.700 người cho thấy, gần 82% đã dự báo và hy vọng rằng, ông Prayuth sẽ là một nhà lãnh đạo tốt, quyết đoán và có khả năng thực hiện nhiệm vụ một cách hiệu quả để đưa Thái Lan trở lại đúng hướng. Giới kinh doanh và một số học giả cũng bày tỏ sự ủng hộ của họ đối với việc lựa chọn tướng Prayuth khi nói rằng, việc bổ nhiệm ông này sẽ tạo ra sự ổn định cho Thái Lan và từ đó khôi phục lại lòng tin của các nhà đầu tư. Kể từ khi nắm quyền lãnh đạo chính quyền hôm 22/5, ông Prayut Chanocha đã thực hiện nhiều giải pháp để ổn định sản xuất, kinh doanh như mở ngân khố Nhà nước, cam kết khởi động các dự án đầu tư bị trì hoãn lâu nay, trong đó có các dự án kết nối đường sắt và đường bộ, và trả nợ cho nông dân để thúc đẩy lĩnh vực nông nghiệp.

Mặc dù kinh tế Thái Lan đã tăng trưởng 0,9% trong quý II/2014, giúp nước này thoát khỏi tình trạng suy thoái trong gang tấc nhưng nền kinh tế lớn thứ hai Đông Nam Á này vẫn đứng trước nguy cơ trải qua một năm đáng thất vọng. Những biến cố chính trị trong 5 tháng đầu năm chắc chắn sẽ kéo nền kinh tế tăng trưởng dưới mức tiềm năng trong cả năm 2014, trong bối cảnh lĩnh vực ô tô và du lịch vẫn tăng ì ạch. Dự báo, nền kinh tế Thái Lan sẽ tăng trưởng 1,5 - 2% trong năm 2014, thấp hơn so với dự báo tăng 1,5 - 2,5% trước đó. Vì thế, nhiều nhà phân tích kỳ vọng, việc lực lượng đảo chính rút được bài học kinh nghiệm từ cuộc đảo chính năm 2006 khi tiếp tục tập trung quyền lực kể cả sau này khi có bầu cử sẽ tạo điều kiện thuận lợi để ổn định tình hình chính trị. Tất nhiên, với những thách thức lớn như hiện nay, Thủ tướng lâm thời Thái Lan sẽ cần ít nhất một năm tại nhiệm để hiện thực hóa các bước đi nhằm giải quyết mọi vấn đề còn tồn tại.