Cuộc biểu tình lần này diễn ra sau tuyên bố của Đảng Dân chủ thuộc phe đối lập chính rằng họ sẽ tẩy chay cuộc bầu cử đột xuất mà Thủ tướng Yingluck dự kiến tổ chức. Chủ tịch Hội đồng An ninh Quốc gia Paradorn Pattanatubut cho biết, có ít nhất là 150.000 người đã tập trung tại một số địa điểm ở Thủ đô cho đến hết đêm 22/12. Còn theo các lãnh đạo biểu tình, số người tham gia cao hơn thế gấp vài lần.
Thái Lan đang ngày càng lún sâu vào khủng hoảng bất chấp những nỗ lực của bà Yingluck muốn dẹp yên sự bất ổn bằng việc kêu gọi tổ chức bầu cử. Những người biểu tình yêu cầu bà Yingluck từ chức và muốn Thái Lan không còn phải chịu sự ảnh hưởng từ người anh của bà hiện đang sống ở Dubai - cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra.
Cuộc biểu tình ở Thái Lan chưa có dấu hiệu lắng dịu.
|
Thủ lĩnh biểu tình Suthep Thaugsuban, người từng thề lật đổ "chế độ Thaksin", trước đó đã bác bỏ lời kêu gọi bầu cử của bà Yingluck vì cho rằng cuộc bầu cử này sẽ thành lập một Chính phủ khác là đồng minh của cựu Thủ tướng bị lật đổ Thaksin Shinawatra.
Tuy nhiên, bất chấp nỗ lực ngăn cản của người biểu tình, từ rạng sáng 23/12, nhiều chính đảng ở Thái Lan đã có mặt tại sân vận động Thái Lan - Nhật Bản trong khi hàng ngàn người biểu tình đã phong tỏa 6 cổng vào sân vận động từ đêm 22/12 nhằm ngăn cản các đảng phái chính trị vào bên trong đăng ký tham gia tranh cử. Theo Ủy ban Bầu cử, chỉ có đại diện của 9 đảng, trong đó có Đảng Puea Thai (Vì nước Thái) cầm quyền, vào được bên trong và đã hoàn tất thủ tục đăng ký. 26 đảng còn lại phải đăng ký danh sách tranh cử tại một đồn cảnh sát gần đó. Dự kiến, thời gian đăng ký tranh cử sẽ kéo dài đến hết ngày 27/12.
Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra cũng đã rời Bangkok vào đêm 22/12 để đến thăm và làm việc tại tỉnh Nong Khai, Đông Bắc Thái Lan. Tại đây bà Yingluck sẽ bắt đầu vận động bầu cử mà theo dự đoán của giới chuyên gia, khả năng tái đắc cử của bà Yingluck là rất cao.
Tuy vậy, điều có thể nhìn thấy rõ nhất hiện này là, tình trạng bế tắc chính trị tại Thái Lan đang khiến cho nền kinh tế nước này phải chịu hậu quả, và nhiều chuyên gia đã bắt đầu bày tỏ lo ngại về tác động của cuộc khủng hoảng này đối với tăng trưởng kinh tế trong năm 2014 của Thái Lan.
Theo một số dự báo, nếu cuộc khủng hoảng này vẫn tiếp diễn, Thái Lan sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn trong việc cải thiện môi trường kinh doanh. Thống đốc Ngân hàng T.Ư Thái Lan Prasarn Trairatvorakul cho rằng, nền kinh tế sẽ bị ảnh hưởng nếu xuất hiện khoảng trống chính trị khiến cho việc phân bổ ngân sách gặp khó khăn.