Nhờ đó giúp nhiều người bệnh có thêm động lực, niềm tin tiếp tục điều trị bệnh, giúp nhiều gia đình không bị tái nghèo do không phải chi trả các khoản chi phí "khổng lồ" của việc KCB cho người thân.
Hưởng lợi từ bảo hiểm y tế
Đầu năm nay, bà N.T.P. (77 tuổi, trú tại phường Đội Cấn, quận Ba Đình, Hà Nội) phải nhập viện do hôn mê; nhiễm khuẩn huyết; thiếu máu, suy gan, suy thận mạn, suy tim, đái tháo đường, tăng huyết áp, sốc nhiễm khuẩn…
Qua những lần KCB, điều trị tại Bệnh viện (BV) Bạch Mai, chi phí KCB của bà P. lên đến hơn 1,2 tỷ đồng. Nhưng nhờ tham gia và có thẻ BHYT, bệnh nhân P. được quỹ BHYT thanh toán gần 999 triệu đồng theo quyền lợi và mức hưởng trong quy định. “Nếu không có BHYT, tôi không biết lấy đâu ra số tiền "khổng lồ" như vậy để chữa bệnh” – bà P. chia sẻ.
Tương tự, bệnh nhân N.V.H. (36 tuổi) ở xã Hồng Phong, huyện Chương Mỹ, Hà Nội được chẩn đoán mắc bệnh sốc nhiễm khuẩn, viêm phổi ARDS; suy thận mạn giai đoạn V do bệnh thận IgA - suy tim; các thiếu máu khác…
Qua những lần khám, điều trị tại BV 103, BV Bạch Mai, BV Đa khoa Hà Đông, BV Đa khoa Nông nghiệp, chí phí KCB của bệnh nhân H. lên đến hơn 609 triệu đồng. Bệnh nhân H. được quỹ BHYT thanh toán hơn 484 triệu đồng chi phí KCB nhờ tham gia BHYT.
Đây chỉ là 2 trong số 100 bệnh nhân điều trị, KCB có chi phí cao trong 5 tháng 2023 được hưởng lợi từ BHYT. Nhờ tham gia BHYT, nhiều trường hợp không may bị tai nạn, ốm đau đã vượt qua khó khăn do bệnh tật, giảm bớt gánh nặng tài chính. Không chỉ với những căn bệnh đặc biệt mà ngay bệnh thông thường, người có thẻ BHYT cũng được thụ hưởng lợi ích lớn.
Từ thực tế thực hiện KCB BHYT, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Đình Hưng cho biết, điểm khác biệt của Hà Nội so với các địa phương khác là TP tập trung nhiều BV tuyến Trung ương. Số tiền BHXH TP chi KCB BHYT tuyến Trung ương chiếm gần 2/3 tổng mức chi; chi cho tuyến TP và cơ sở chỉ chiếm hơn 1/3.
Lý do vì chi phí cho dịch vụ kỹ thuật tuyến Trung ương cao hơn nhiều so với tuyến dưới. Mặt khác, bệnh nhân tại các cơ sở tuyến cuối thường mắc bệnh nặng hơn, cần điều trị dài ngày hơn, sử dụng dịch vụ kỹ thuật cao hơn, dẫn đến chi phí nhiều hơn...
Trước thực trạng trên, ngành BHXH và ngành Y tế tiếp tục bắt tay chặt chẽ để vừa thực hiện tốt công tác KCB, vừa bảo đảm an toàn cho Quỹ BHYT, cố gắng không để bội chi quỹ.
Đặc biệt, thời gian tới, Sở Y tế tập trung nâng cao chất lượng KCB nhất là tuyến y tế cơ sở để phục vụ Nhân dân; có giải pháp để ngăn chặn tình trạng lạm dụng, trục lợi quỹ BHYT; đảm bảo cân đối quỹ KCB BHYT trên địa bàn.
Đáp ứng ngày càng tốt quyền lợi của người tham gia BHYT
Đề cập đến vấn đề này, Giám đốc BHXH Hà Nội Phan Văn Mến cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2023, số người tham gia BHYT là 7.735.829 người, tăng 3,39% tương đương tăng 253.336 người so với cùng kỳ năm 2022; tăng 18.720 người, tăng 0,24% so với 31/12/2022; đạt 97,41% kế hoạch. Tỷ lệ bao phủ BHYT đạt 93,1% dân số.
Trong đó, BHYT học sinh sinh viên (HSSV) là 2.020.861 người; tỷ lệ HSSV tham gia BHYT là 98,83%; BHYT hộ gia đình là 1.544.998 người; đối tượng khác là 4.169.970 người. Năm 2023, BHXH TP Hà Nội phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu tỷ lệ bao phủ BHYT đạt 93,5% dân số trở lên.
Hiện nay, BHXH Hà Nội ký hợp đồng KCB BHYT với 187 cơ sở KCB với 611 điểm kết nối liên thông dữ liệu để thực hiện KCB, đảm bảo quyền lợi cho người tham gia BHYT. Số lượt KCB BHYT là 5.881.747 lượt.
Chi phí KCB BHYT là hơn 10.342 tỷ đồng (ngoại trú hơn 2.990 tỷ đồng, nội trú hơn 7.351 tỷ đồng). Trong đó, đa tuyến ngoại tỉnh đến phát sinh 899.700 lượt KCB, chi phí là hơn 5.208 tỷ đồng.
Thời gian qua, nhiều người có thẻ BHYT bị mắc các bệnh hiểm nghèo, bệnh nặng đã được Quỹ BHYT chi trả hàng trăm triệu đồng chi phí KCB. Nhờ vậy, nhiều người bệnh có thêm động lực, niềm tin tiếp tục điều trị bệnh, giúp nhiều gia đình không bị tái nghèo do không phải chi trả các khoản chi phí lớn từ việc KCB cho người thân.
Tuy thuốc điều trị cho các bệnh hiểm nghèo thường là các loại thuốc đắt tiền nhưng vẫn được Quỹ BHYT thanh toán. Danh mục thuốc BHYT hiện nay đã cơ bản đáp ứng nhu cầu điều trị đối với các bệnh hiểm nghèo.
Thời gian qua, BHXH Hà Nội đã chủ động phối hợp với Sở Y tế và các cơ sở KCB BHYT trên địa bàn đảm bảo quyền lợi của người tham gia BHYT khi đi KCB sử dụng hình thẻ BHYT trên ứng dụng VssID. Cùng với đó, BHXH phối hợp với các cơ sở KCB BHYT thực hiện quyết toán chi phí KCB BHYT năm 2022 theo đúng hướng dẫn.
Để hoàn thành chỉ tiêu bao phủ BHYT năm 2023, 6 tháng cuối năm 2023, BHXH TP phối hợp với các sở, ban, ngành, quận, huyện, thị xã phải phát triển đạt số người tham gia BHYT là 264.563 người (tương ứng 0,4% tỷ lệ bao phủ). Riêng BHYT HSSV còn phải thực hiện 26.106 người.
BHXH TP triển khai đồng bộ các nhóm giải pháp phát triển người tham gia BHYT. Thường xuyên rà soát, hoàn thiện cơ sở dữ liệu người người chưa tham gia để xây dựng kế hoạch tuyên truyền, vận động người tham gia BHYT hộ gia đình.
Ngoài ra, BHXH TP tiếp tục củng cố, mở rộng loại hình và nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ chức dịch vụ thu để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân tìm hiểu về chính sách và dễ dàng liên hệ tham gia BHYT hộ gia đình. Giao chỉ tiêu phát triển người tham gia BHYT hộ gia đình cho từng tổ chức dịch vụ thu…
Mức đóng BHXH, BHYT sẽ theo lương cơ sở mới từ 1/7
BHXH Việt Nam hướng dẫn áp dụng mức lương cơ sở 1,8 triệu đồng/tháng làm căn cứ tính mức đóng BHXH bắt buộc, BHYT, BHTN, bảo hiểm tai nạn lao động từ ngày 1/7.
Cụ thể, áp dụng mức lương cơ sở 1,8 triệu đồng/tháng làm căn cứ tính mức lương đóng BHXH bắt buộc, BHYT, BHTN, bảo hiểm tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp từ ngày 1/7/2023. Có 3 nhóm đối tượng áp dụng.
Mức thu nhập tháng do người tham gia BHXH tự nguyện lựa chọn để tính mức đóng BHXH tự nguyện từ ngày 1/7/2023, mức cao nhất là 36 triệu đồng/tháng (bằng 20 lần mức lương cơ sở).
Đối với người dân tham gia BHYT hộ gia đình, từ ngày 1/7, khi tăng lương cơ sở thì mức đóng sẽ tăng từ 67.050 đồng/tháng lên 81.000 đồng/tháng và được giảm dần mức đóng cho các thành viên trong gia đình khi cùng tham gia.