Tham gia thị trường carbon là cơ hội và thách thức của doanh nghiệp Việt Nam

Tiểu Thúy
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo lộ trình, thị trường carbon trong nước sẽ thí điểm từ năm 2025 và vận hành chính thức từ năm 2028, hứa hẹn mở ra một cuộc cách mạng về giảm phát thải carbon. Với mục tiêu của Chính phủ, thì đây vừa là thách thức nhưng cũng là cơ hội đối với doanh nghiệp Việt Nam.

Ngày 27/9, tại Sở Giao dịch Chứng khoán TP Hồ Chí Minh (HOSE), Tạp chí điện tử Kinh tế Chứng khoán Việt Nam đã tổ chức tọa đàm “Thị trường hồi phục - Cơ hội mới cho các doanh nghiệp”, nhằm chỉ ra những cơ hội, thách thức cho doanh nghiệp Việt Nam trong thời gian tới.

Trong đó, chia sẻ của ông Lê Anh Hoàng - Phó Viện trưởng Viện Tư vấn phát triển CODE, Giám đốc Công ty Tài chính Carbon Giant Bard về thị trường carbon, đã thu hút sự quan tâm lớn từ phía các doanh nghiệp.

Các đại biểu trao đổi tại tọa đàm “Thị trường hồi phục và cơ hội mới với các doanh nghiệp Việt Nam”.
Các đại biểu trao đổi tại tọa đàm “Thị trường hồi phục và cơ hội mới với các doanh nghiệp Việt Nam”.

Thị trường carbon là lĩnh vực kinh doanh tỷ đô

Theo đó, ông Lê Anh Hoàng cho biết: Thị trường carbon được bắt nguồn từ Nghị định thư Kyoto của Liên Hợp quốc về Biến đổi khí hậu (1997). Các quốc gia có dư thừa quyền phát thải được bán, cho hoặc mua từ các quốc gia phát thải nhiều hơn hoặc ít hơn mục tiêu cam kết. Từ đó, trên thế giới đã xuất hiện loại hàng hóa mới là các chứng chỉ giảm/hấp thụ phát thải khí nhà kính.

Hiện nay, trên thế giới giao dịch tín chỉ carbon trên 2 thị trường, đó là bắt buộc và tự nguyện. Trong đó, thị trường carbon bắt buộc là thị trường mà việc mua bán carbon dựa trên cam kết của các quốc gia trong Công ước khung Liên Hợp quốc về Biến đổi khí hậu (UNFCCC) để đạt được mục tiêu cắt giảm khí nhà kính. Hiện tại, lớn nhất là thị trường carbon châu Âu (EU ETS) và thị trường carbon Hoa Kỳ (America Carbon Registry)...

Còn thị trường carbon tự nguyện là thị trường dựa trên cơ sở hợp tác thỏa thuận song phương hoặc đa phương giữa các tổ chức, công ty hoặc quốc gia. Bên mua tín chỉ tham gia vào các giao dịch trên cơ sở tự nguyện để đáp ứng các chính sách về môi trường, xã hội và quản trị doanh nghiệp (ESG) để giảm dấu chân carbon.

Tại Việt Nam, Luật Bảo vệ môi trường 2020 và Nghị định số 06/2022/NĐ-CP của Chính phủ Việt Nam về Quy định về giảm khí nhà kính và bảo vệ tầng Ozon… đã quy định lộ trình thành lập sàn giao dịch tín chỉ carbon tại Việt Nam. Trong đó, từ năm 2024 sẽ thực hiện kiểm kê khí nhà kính đối với các doanh nghiệp lớn.

Trong mục tiêu chung hướng đến phát thải ròng về mức 0 vào năm 2050 (Net Zero), Việt Nam hiện xây dựng thị trường tín chỉ carbon, dự kiến thí điểm từ năm 2025, hoàn thiện khung pháp lý vào năm 2027 và vận hành sàn giao dịch tín chỉ carbon từ năm 2028. Từ khóa tín chỉ carbon cũng được nhắc đến ngày càng nhiều trên truyền thông, nhưng lộ trình đặt ra được các chuyên gia đánh giá là “rất tham vọng và rất thách thức”.

Ông Lê Anh Hoàng cho biết, từ năm 2024, nước ta sẽ thực hiện kiểm kê khí nhà kính đối với các doanh nghiệp lớn. Theo kế hoạch, trong số hơn 1.700 doanh nghiệp phải tiến hành kiểm kê, thì hơn nửa là doanh nghiệp đang niêm yết trên thị trường chứng khoán
Ông Lê Anh Hoàng cho biết, từ năm 2024, nước ta sẽ thực hiện kiểm kê khí nhà kính đối với các doanh nghiệp lớn. Theo kế hoạch, trong số hơn 1.700 doanh nghiệp phải tiến hành kiểm kê, thì hơn nửa là doanh nghiệp đang niêm yết trên thị trường chứng khoán

Cần phân biệt rằng, thị trường tín chỉ carbon hiện nay mà Chính phủ muốn xây dựng mang yếu tố bắt buộc. Điều này nghĩa là, các doanh nghiệp sẽ bị kiểm soát việc phát thải khí nhà kính, nếu xả thải nhiều hơn hạn ngạch đặt ra, doanh nghiệp có thể mua thêm tín chỉ carbon trên thị trường bắt buộc, hoặc một phần nhỏ từ thị trường tự nguyện để bù trừ. Ngược lại, thị trường tín chỉ carbon tự nguyện đã hoạt động được một khoảng thời gian, nhưng hiện chủ yếu đến từ lâm nghiệp (rừng), do yếu tố lịch sử trong nỗ lực giảm phát thải khí nhà chính chung của toàn cầu.

“Về nguyên lý, dự án nào giúp cắt giảm khí thải nhà kính thì đều có thể chuyển thành tín chỉ carbon. Hiện giao dịch tín chỉ carbon trên thị trường thế giới diễn ra rất sôi động. Cụ thể, trên thế giới hiện có 3 thị trường carbon tự nguyện, lớn nhất là Gold Standard (GS) và Verified Carbon Standard (VCS). Việt Nam cũng có 62 dự án đang tham gia giao dịch trên 2 thị trường này” - ông Lê Anh Hoàng nói và nhấn mạnh, Việt Nam ước tính có thể bán ra 57 triệu tín chỉ carbon cho các tổ chức quốc tế và nếu tính theo giá 5 USD/tín chỉ, mỗi năm nước ta có thể thu về hàng trăm triệu USD.

Tuy vậy, hiện tại đối với thị trường xuất khẩu chính của doanh nghiệp Việt Nam, Hiệp định Thương mại tự do được ký kết (FTA thế hệ mới) cùng với đó là các hàng rào thuế quan vào các thị trường lớn (châu Âu, Mỹ, Trung Quốc, Nhật, Hàn… ) được xóa bỏ. Nhưng kèm theo đó là các quy định nghiêm ngặt về việc giảm phát thải carbon đối với các hàng hóa nhập khẩu. Điển hình nhất là, quy định cơ chế điều chỉnh Carbon qua biên giới (Carbon Border Adjustment Mechanism - CBAM).

“Với cơ chế này, nhiều lĩnh vực sẽ chịu ảnh hưởng trực tiếp, như: sản xuất ngành hàng nông, lâm nghiệp; nhôm thép, điện năng, phân bón, bảo vệ thực vậy; hóa chất… Trong số này, rất nhiều doanh nghiệp cũng đang niêm yết trên thị trường chứng khoán” - ông Lê Anh Hoàng nói thêm.

Các chuyên gia cho rằng, Việt Nam cần nhanh chóng tiến đến định giá, thiết lập thị trường giao dịch carbon
Các chuyên gia cho rằng, Việt Nam cần nhanh chóng tiến đến định giá, thiết lập thị trường giao dịch carbon

Cơ hội đầu tư thương mại đi đôi trách nhiệm doanh nghiệp

Trong bối cảnh các khu vực phát triển trên thế giới như EU, Mỹ, hay tới đây là Trung Quốc, Nhật Bản… áp dụng hàng rào thuế carbon cho hàng hóa xuất nhập khẩu, Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều thách thức trong quá trình xây dựng, phát triển thị trường carbon. Đây là thách thức nhưng cũng là cơ hội để cơ quan quản lý, các tổ chức, doanh nghiệp chuyển mình, nghiên cứu, áp dụng ngay giải pháp xanh, giảm phát thải, thực hiện biện pháp để tạo ra và tích lũy tín chỉ carbon cho thời gian tới.

“Do đó, việc tham gia thị trường carbon là trách nhiệm cũng là cơ hội cho các tổ chức, doanh nghiệp. Hiện các tiêu chuẩn mới áp dụng cho các doanh nghiệp Việt Nam tại thị trường này đang đến rất gần. Vì vậy, các doanh nghiệp nên tiếp cận theo xu hướng xanh, thay đổi công nghệ sản xuất. Đồng thời, cũng cần nghiên cứu tính trước tín chỉ carbon cho doanh nghiệp mình” - ông Lê Anh Hoàng tư vấn.

Thị trường tín chỉ carbon và thị trường tài chính xanh có quan mật thiết với thị trường chứng khoán, đặc biệt là các doanh nghiệp đã và đang niêm yết. Việc thay đổi công nghệ theo hướng giảm phát thải khí nhà kính, tạo ra quyền phát thải sẽ giúp doanh nghiệp thu hút nguồn tài chính dễ dàng với chi phí rẻ. Đồng thời, góp phần nâng tầm giá trị trên thị trường thế giới.

Đối với Chính phủ, định giá carbon là một trong những công cụ chính sách khí hậu, đem lại nguồn thu quan trọng từ thuế carbon hay đấu giá các hạn ngạch phát thải. Từ nguồn thu này, Chính phủ có thể đầu tư nghiên cứu và phát triển các công nghệ xanh, hỗ trợ các cộng đồng dễ bị tổn thương thích ứng với các tác động của biến đổi khí hậu, hoặc hỗ trợ quá trình chuyển dịch sang nền kinh tế carbon thấp.

Đối với doanh nghiệp, nhận thức sớm các rủi ro về khí hậu và xác định chiến lược chuyển dịch hợp lý, từ đó tăng lợi thế cạnh trạnh và tạo cơ hội thu về nguồn doanh thu bổ sung.

Đối với nhà đầu tư, định giá carbon giúp phân tích tác động của chính sách biến đội khí hậu với các danh mục đầu tư, cũng như phân bổ lại vốn cho các hoạt động phát thải thấp hoặc thích ứng với khí hậu. Thông qua định giá carbon, các nhà đầu tư có thể xác định chi phí cũng như lợi ích của các khoản đầu tư, để đưa ra các quyết định đầu tư hiệu quả.

 

Tín chỉ carbon là gì?

Tín chỉ carbon là chứng nhận có thể giao dịch thương mại và thể hiện quyền phát thải một lượng khí CO2, hoặc một lượng khí nhà kính khác quy đổi sang CO2 tương đương. Một tín chỉ tương đương với 1 tấn CO2, hoặc 1 tấn CO2 quy đổi tương đương. Tín chỉ carbon có nhiều mức giá khác nhau, tùy thuộc vào vị trí và thị trường nơi chúng được giao dịch. 

Ví dụ, một công ty tạo ra 12 tấn khí thải trong khi giới hạn cho phép là 10 tấn, thì công ty này có thể mua lại 2 tín chỉ từ các công ty tạo khí thải thấp hơn mức giới hạn và có tín chỉ dư. Điều này được xác nhận bởi một bên thứ ba và các tín chỉ được cấp thông qua những nỗ lực này có thể được giao dịch trên thị trường carbon.