Thảm họa của làng bóng đá thế giới

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thông tin 14 quan chức FIFA đã bị bắt giữ vì bị cáo buộc tham nhũng ngay trước thềm cuộc bầu cử quan trọng nhằm tìm ra người đứng đầu tổ chức này vào ngày 29/5 đã trở thành vấn đề nóng và gây chia rẽ cả làng túc cầu thế giới lẫn chính trường toàn cầu.

Người biểu tình phản đối ông S.Blatter tại Zurich, Thụy Sĩ hôm 28/5
Người biểu tình phản đối ông S.Blatter tại Zurich, Thụy Sĩ hôm 28/5
Mặc dù Chủ tịch FIFA Sepp Blatter được khẳng định là không liên quan tới vụ việc nhưng cộng đồng quốc tế vẫn đặt dấu hỏi lớn về khả năng điều hành của ông suốt 4 nhiệm kỳ qua. Các quan chức của Liên đoàn bóng đá châu Âu – những người thường xuyên đối đầu với ông Blatter tuyên bố, vụ bê bối là một “thảm họa” của làng bóng đá thế giới và đồng loạt tuyên bố tẩy chay cuộc bầu cử dự kiến diễn ra hôm nay (29/5). Trong khi đó, ông Gianni Infantino - Tổng thư ký Liên đoàn bóng đá châu Âu (UEFA) kêu gọi trì hoãn cuộc bầu cử thêm ít nhất 6 tháng nữa để làm rõ vụ việc.

Góc khuất đen tối

Cáo buộc 14 quan chức FIFA liên quan đến vụ tham nhũng 150 triệu USD kéo dài trong suốt 24 năm qua một lần nữa cho thấy góc khuất của ngành công nghiệp bóng đá. Tất nhiên, cái bắt tay hay những màn “đi đêm” giữa quan chức bóng đá, cầu thủ bóng đá với các tập đoàn, doanh nhân hay thậm chí tổ chức tội phạm không phải là điều gì mới mẻ. Ngay cả khi hình ảnh “cậu bé vàng” Madona nằm trong chiếc bồn tắm được đúc từ vàng do một băng đảng mafia tại Napoli trao tặng, người hâm mộ vẫn dễ dàng tha thứ và tiếp tục nuôi dưỡng sự tôn thờ với thần tượng bóng đá này. Có lẽ chính sự dễ dãi và yêu thích bóng đá cuồng nhiệt của người hâm mộ đã “làm hỏng” nhiều thiên tài bóng đá và tạo điều kiện cho các quan chức quản lý bộ môn này sa ngã.

Thực ra, từ tháng 10/2010, khi tờ Sunday Times tiết lộ vụ “ngã giá” 7,5 triệu bảng để đổi lấy lá phiếu ủng hộ quyền đăng cai World Cup 2018 của một quan chức FIFA, tranh cãi về vấn nạn tham nhũng tại tổ chức này đã bùng phát. Tuy nhiên, vụ bắt giữ lần này mới cho thấy, ngoài dàn xếp tỉ số và các thương vụ chuyển nhượng cầu thủ lên tới hàng chục triệu USD, tất cả những gì có liên quan đến bóng đá đều có thể được định giá và mua bán bằng tiền. Từ bản quyền phát sóng, quảng cáo trên áo hay trên sân vận động, thậm chí cả quyền đăng cai World Cup… đều có nhận được sự gật đầu đồng ý của những quan chức hàng đầu của làng túc cầu thế giới bằng các khoản phí “bôi trơn” hay “lại quả”.

Chính trường “dậy sóng”

Những tuyên bố của các chính trị gia, các nhà lãnh đạo trên khắp thế giới về vụ bê bối của FIFA đã cho thấy, bóng đá tác động sâu sắc đến chính trị như thế nào. Bộ Trưởng Tư Pháp Mỹ Loretta Lynch bày tỏ sự quan ngại tình trạng “tham nhũng tràn lan, có hệ thống” và kéo dài hơn 24 năm qua của FIFA đã và sẽ tác động sâu rộng đến nhiều lĩnh vực khác. Thủ tướng Anh David Cameron cũng tham gia vào cuộc tranh luận này khi kêu gọi Chủ tịch Blatter từ chức và khẳng định sẽ ủng hộ đối thủ duy nhất của ông Blatter là Hoàng tử Ali Bin Al Hussein của Jordan là người đứng đầu FIFA.

Trong khi đó, Tổng thống Nga V.Putin cho rằng, đây là một âm mưu trắng trợn nhằm chấm dứt kỷ nguyên cầm quyền của Chủ tịch S.Blatter. Đồng thời cáo buộc của giới chức Mỹ đã can thiệp để mở rộng quyền ảnh hưởng tới các quốc gia khác nhất là khi ông Blatter khẳng định sự ủng hộ trước sau như một với World Cup 2018 tổ chức tại Nga. Tại Nam Phi, nhiều khả năng việc nước này giành được quyền đăng cai World Cup 2010 sẽ được điều tra làm rõ, nhất là khi ông Danny Jordaan – Chủ tịch Liên đoàn bóng đá Nam Phi, người có công mang quyền đăng cai World Cup cho nước này đã dẫn đầu cuộc bầu cử thị trưởng của Nelson Mandela Bay hôm 28/5.

Không chỉ khiến các chính trị gia phải lên tiếng mà vụ việc này còn “chọc giận” những nhà tài trợ chính của FIFA. Đại diện Adidas, Coca-Cola, Visa, Sony, Gazprom và Hyundai/Kia đã bày tỏ “quan ngại sâu sắc” về việc World Cup – giải đấu hấp dẫn nhất hành tinh đã bị “vấy bẩn”. Đồng thời cảnh báo sẽ chấm dứt hợp tác, cắt tài trợ nếu FIFA không có động thái để khắc phục tình trạng này.

Vụ việc xảy ra ngay trước thềm cuộc họp của Đại hội đồng FIFA đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến hình ảnh, thanh danh của tổ chức này nhưng cũng là cơ hội loại bỏ “văn hóa tham nhũng” ngay trong tổ chức quyền lực nhất làng túc cầu thế giới.Không rõ FIFA có thể tận dụng cơ hội này để làm thanh lọc đội ngũ hay không nhưng có một điều chắc chắn là vụ việc có thể sẽ chấm dứt kỷ nguyên cầm quyền suốt 4 nhiệm kỳ qua cũng như tham vọng lần thứ 5 nắm quyền điều hành của đương kim Chủ tịch Blatter.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần