Thảm họa khủng khiếp từ thiên tai

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau đợt nắng nóng kỷ lục khiến hàng ngàn người thiệt mạng, khu vực Đông Á và Nam Á lại phải hứng chịu “cơn thịnh nộ” của thiên nhiên khi mưa lớn kéo dài nhiều ngày qua đã nhấn chìm nhiều khu vực.

Tình trạng lũ lụt, sạt lở đất đã buộc các quốc gia trong khu vực phải tuyên bố tình trạng thảm họa.
Trẻ em Pakistan di chuyển bằng phương tiện tự tạo trong nước lũ.
Trẻ em Pakistan di chuyển bằng phương tiện tự tạo trong nước lũ.
Thiệt hại nghiêm trọng

Mới vào đầu mùa mưa bão nhưng lượng mưa trút xuống Ấn Độ, Pakistan, Nepal, Myanmar, Trung Quốc và Việt Nam trong nửa tháng qua đều ghi nhận ở mức kỷ lục trong hàng chục năm qua. Mưa lớn đã gây ra tình trạng lở đất nghiêm trọng tại hầu hết các quốc gia tại khu vực Đông Bắc Á và Nam Á. Tại Ấn Độ, 20 người đã thiệt mạng sau khi một ngôi làng ở huyện Chandel, bang Manipur miền Đông nước này bị chôn vùi sau một trận lở đất. Mưa lớn liên tục trong những ngày gần đây đã cuốn trôi hệ thống đường sá, cầu phà khiến lực lượng cứu hộ gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận hiện trường để tìm kiếm và cứu giúp những người lâm nạn. Trước đó, cơ quan chức năng Ấn Độ cho biết, đã có ít nhất 39 người thiệt mạng trong các vụ tai nạn do mưa lớn gây lũ lụt ở bang Tây Bengal, khoảng 26.000 người đã được di dời khỏi khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề. Giới chức miền Đông Ấn Độ đã dựng 230 trại cứu trợ và thiết lập đường dây khẩn cấp để theo dõi tình hình lũ lụt. Gia đình mỗi nạn nhân thiệt mạng được chính quyền địa phương hỗ trợ 3.126 USD.

Tại nước láng giềng Pakistan, số người thiệt mạng vì lũ quét và lở đất đã lên tới 80 người, hơn 300.000 người bị ảnh hưởng và rơi vào tình cảnh “màn trời chiếu đất”. Cơ quan phòng chống thiên tai Nepal cũng cho biết, ít nhất 30 người đã thiệt mạng trong vụ lở đất tại miền Tây nước này.

Trong khi đó, ở Myanmar, tính đến chiều 1/8 đã có ít nhất 27 người thiệt mạng do lũ lụt và lở đất. Giới chức Myanmar lo ngại, số thương vong và thiệt hại có thể tăng, bởi lực lượng cứu hộ đến nay vẫn chưa thể tiếp cận được nhiều khu vực đang chìm trong biển nước và bị cô lập hoàn toàn. Hiện, 14 khu vực tỉnh, thành ở nước này đã bị ngập lụt nặng nề, gây ảnh hưởng tới hơn 100.000ha cây trồng. Tình thế này đã buộc Tổng thống Myanmar Thein Sein phải tuyên bố tình trạng thảm họa do thiên tai tại 4 bang ở miền Tây và miền Trung. Đại diện của Liên Hợp quốc cho biết sẽ khẩn trương đánh giá tình hình và triển khai phương án hỗ trợ người dân khu vực bị ảnh hưởng.

Bào mòn nguồn lực quốc gia

Điều đáng lo ngại là thiệt hại về người và tài sản tại các quốc gia như Ấn Độ, Pakistan, Myanmar khi dự báo cho thấy, mưa lớn sẽ tiếp tục trút xuống khu vực này trong những ngày tới. Sự “đỏng đảnh” của thời tiết rõ ràng vẫn là một trong những thách thức chủ yếu đe dọa tính mạng và những thành quả do con người gây dựng nên. Với những quốc gia đang phát triển tại Đông Á và Nam Á, thiên tai đã bào mòn hệ thống cơ sở hạ tầng, đe dọa an ninh lương thực cũng như làm chậm lại tiến trình xóa đói giảm nghèo tại đây.

Các chuyên gia đã chỉ ra rằng, nguyên nhân thiên tai - thách thức an ninh phi truyền thống khó ứng phó nhất, gây thiệt hại lớn nhất hiện nay là do “nhân họa”. Sự nóng lên toàn cầu do phát thải nhà kính, tốc độ đô thị hóa nhanh và tốc độ phá rừng – những “con đê tự nhiên” cũng nhanh không kém, đã buộc con người phải gánh chịu hậu quả do mình gây ra. Vì vậy, thay vì “đổ lỗi” cho thời tiết, xin cứu trợ quốc tế sau thiên tai, đã đến lúc chính phủ các quốc gia trong khu vực phải tự cứu lấy mình bằng cách giảm thiểu tác động từ yếu tố “nhân họa”.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần