Thầm lặng những “chiến sĩ áo trắng” nơi tuyến đầu chống dịch

Hà Linh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đại dịch Covid-19 đã gây áp lực lớn đến hệ thống y tế, trong đó đội ngũ y bác sĩ, nhân viên y tế luôn là tuyến đầu trong phòng, chống dịch. Hơn 2 năm qua, dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nhiều đến đội ngũ y, bác sĩ, nhất là những người trực tiếp tham gia chống dịch.

Thầm lặng gánh trên vai sứ mệnh cao cả

Với những căng thẳng, áp lực và nguy cơ lây nhiễm luôn thường trực nhưng những "chiến sĩ áo trắng" vẫn thầm lặng gánh trên vai sứ mệnh cao cả là chữa bệnh cứu người. Họ không chút e dè, không quản ngại, không chùn bước và sẵn sàng gắn bó với những vất vả thường nhật khi tham gia phòng, chống dịch tại các "điểm nóng, tại "tâm dịch" trong suốt hai năm qua. Họ luôn để lại hình ảnh thân thương, đáng nhớ với người dân, cộng đồng, bằng tinh thần sẵn sàng đi bất cứ nơi đâu, làm bất cứ việc gì khi tính mạng, sức khỏe của người dân bị dịch bệnh đe dọa.

Tại buổi tọa đàm "Đại dịch Covid-19 và chính sách đối với nhân viên y tế" do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức sáng 21/2, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên đã có nhiều chia sẻ về những hy sinh thầm lặng của đội ngũ y bác sĩ, nhân viên y tế, những "chiến sĩ áo trắng" nơi tuyến đầu chống dịch đang ngày đêm chiến đấu, đẩy lùi dịch bệnh. 

Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên cho biết, chỉ riêng đợt thứ 4, đã có hàng chục nghìn cán bộ, nhân viên y tế, kể cả sinh viên ngành y, ở nhiều địa phương trên cả nước hăng hái trực tiếp tham gia nhiệm vụ bảo vệ và điều trị cho người bệnh, lấy mẫu xét nghiệm ở các địa bàn "nóng" nhất, nguy nhiểm nhất.  Nhân viên y tế luôn nhận thức được nhiệm vụ của người thầy thuốc với người bệnh, với nghề nghiệp trong công tác chăm sóc sức khỏe Nhân dân, với trách nhiệm tự hào đóng góp chuyên môn cho cuộc chiến chống đại dịch Covid-19. Và chúng ta nhận thấy rõ tinh thần chủ động tích cực, sẵn sàng, đoàn kết trong công tác chống dịch tại cơ sở địa phương, thậm chí ngay cả khi chưa có sự điều động của Bộ Y tế.

Thầm lặng những “chiến sĩ áo trắng” nơi tuyến đầu chống dịch.
Thầm lặng những “chiến sĩ áo trắng” nơi tuyến đầu chống dịch.

“Phải nói rằng, hành động và sự hy sinh của nhân viên y tế được thể hiện qua nhiều góc độ. Chúng tôi đã chứng kiến khi trực tiếp chỉ đạo công tác phòng, chống dịch ở các địa phương. Cuộc sống cá nhân của nhân viên y tế hoàn toàn bị ảnh hưởng, họ rời xa gia đình lên đường phòng, chống dịch, luân phiên 1 tháng, 2 tháng, thậm chí còn lâu hơn nữa. Có những nhân viên y tế đã chuyển ra khỏi nhà do lo ngại sẽ mang virus về nhà lây nhiễm cho con nhỏ, cho cha mẹ già, cho người thân trong gia đình” - Thứ trưởng Bộ Y tế nhớ lại.

Họ trải qua cuộc sống cô lập, mất đi sự tiếp xúc của con người, hạn chế tiếp xúc với xung quanh do sợ lây nhiễm. Cuối cùng, họ cũng an toàn trở về nhưng đó thực sự là thời gian khủng khiếp đối với họ. Họ đã trải qua nỗi lo lắng về lây nhiễm dịch bệnh do tiếp xúc với nguồn lây. Họ lo lắng về phương tiện bảo hộ. Nếu phương tiện bảo hộ không đảm bảo thì tăng nguy cơ lây nhiễm với nhân viên y tế.

Sự ấm áp và lòng trắc ẩn của nhân viên y tế khi chăm sóc điều trị người bệnh. Họ là người duy nhất tiếp xúc, tương tác với người bệnh. Họ vui khi người bệnh khỏi bệnh, nhưng cũng đau buồn, bất lực khi chứng kiến cảnh người bệnh không qua khỏi.

Và họ cũng không thoát khỏi Covid-19. Nhân viên y tế hằng ngày, hằng giờ làm việc liên quan mật thiết với người bệnh nhưng khi rời khỏi công việc, họ cũng vẫn tiếp tục đối diện với những trăn trở, đau buồn do Covid-19, nhất là khi mạng xã hội tràn ngập thông tin Covid-19. Hàng nghìn cuộc gọi tới họ trao đổi về Covid-19. Họ làm việc quên thời gian, không có hồi kết. Nhân viên y tế được yêu cầu ở lại tập trung một thời gian ngắn trong bệnh viện hoặc đi hỗ trợ các tuyến, họ đã luôn trong tình trạng liên tục làm thêm giờ, họ chăm sóc không kể ngày đêm cho bệnh nhân mắc Covid -19. Có nhiều bác sĩ tình nguyện viên gần như không nghỉ.

"Có thể nói, hơn tất cả, những hy sinh tận tình của nhân viên y tế tuyến đầu chống dịch, họ luôn tự hào khi được cống hiến hết sức mình, bằng trái tim, tâm huyết để thực hiện nhiệm vụ chống dịch, chung sức, đồng lòng, quyết tâm chiến thắng đại dịch, đảm bảo tính mạng, sức khỏe cho Nhân dân, góp phần đưa cuộc sống trở lại bình thường, ổn định"- Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên bày tỏ.

Không thể đong đếm hết những hy sinh vất vả

Chia sẻ về sự hy sinh của những chiến binh áo trắng trên mặt trận chống dịch thời gian vừa qua, TS Bùi Sĩ Lợi- nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội xúc động nói: "Với cá nhân, tôi đã theo dõi ngành y tế rất lâu, tôi phải nói rằng chúng ta bước qua năm thứ 3 trong cuộc chiến với đại dịch Covid-19, không thể đong đếm hết những khó khăn, hy sinh, vất vả của đội ngũ y tế phải gồng mình vượt qua trong thời gian vừa qua. Chúng ta biết rằng ở bất kỳ thời kỳ nào, nghề y luôn là nghề cao quý, được xã hội tôn trọng và tôn vinh”.

Trong cuộc chiến chống dịch này, nhiều y, bác sĩ, “những chiến binh áo trắng” đã can trường, chinh chiến khắp mặt trận dã chiến cùng với các đơn vị thiện nguyện, quên mình hỗ trợ cộng đồng trong những lúc gian nan, khó khăn nhất do đại dịch gây ra. Đã có rất nhiều hy sinh được đánh đổi để người dân có cuộc sống an lành!".

TS Bùi Sĩ Lợi bày tỏ, trong bối cảnh "chống dịch như chống giặc", có một cuộc đua vô cùng lớn lao là cuộc đua giành lấy sự sống cho người dân, điều này chúng ta thấy rất rõ và cảm động. Họ đã tích cực, kiên quyết và trong tâm thế "không để ai bị bỏ lại phía sau". Những con người đó đã gác lại cuộc sống riêng tư, hạnh phúc gia đình, vì sức khoẻ và hạnh phúc của Nhân dân với nhiều hình ảnh rất cảm động, khó có từ ngữ nào diễn tả hết.

“Bản thân tôi cũng luôn suy nghĩ và dành cho đội ngũ y, bác sĩ và các lực lượng tham gia phòng, chống dịch một tình cảm rất đặc biệt và sâu sắc” - TS Bùi Sĩ Lợi chia sẻ.

Theo TS Bùi Sĩ Lợi, đối với họ, tinh thần trách nhiệm là trên hết, việc chăm sóc, phục vụ, chữa trị và cứu người đặt lên hàng đầu. Vì cuộc chiến với đại dịch, vì sự an toàn, tính mạng cho 90 triệu dân Việt Nam. Rất nhiều bài thơ, ca khúc, bức thư đã viết lên những cảm xúc yêu thương khiến cho chúng ta cũng rơi lệ. Nhân dân và dân tộc Việt Nam luôn ghi nhận sự hi sinh cao cả của đội ngũ y, bác sĩ, nhân viên y tế trong cuộc chiến chống dịch Covid-19 vô hình này.

"Tôi cảm ơn và tự hào với đội ngũ y, bác sĩ, những chiến sĩ nơi tuyến đầu chống dịch và mong rằng, Đảng, Nhà nước, Nhân dân luôn tôn vinh, coi trọng và tạo điều kiện tốt nhất để cho các bác sĩ phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình” - TS Bùi Sĩ Lợi nói.

Chia sẻ về vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu - Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cho hay, hiện nay khi dịch đã chuyển sang giai đoạn mới thì chúng ta không thể Zero Covid-19 mà phải sống chung với dịch bệnh. Giai đoạn này, sự hy sinh lại khác. Giai đoạn này, khó khăn nhất đối với chúng tôi là không phải không biết cách chữa, hoảng sợ vì số lượng Covid-19 diễn biến phức tạp bởi chúng ta đã hiểu rất rõ về Covid-19.

Khó khăn lớn nhất là chúng ta phải chống dịch lâu dài. Các y bác sĩ, nhân viên y tế không biết lúc nào sẽ dừng lại việc điều trị Covid-19. Tuy nhiên, thực sự tinh thần của các cán bộ, nhân viên y tế đã được đào tạo, rèn luyện nhiều năm nên không ai bỏ cuộc.

“Ngay đầu năm vừa rồi, chúng tôi đã phát động phong trào "Trái tim hồng", nhiều y bác sĩ vẫn đang điều trị bệnh nhân Covid-19, thậm chí bệnh nhân nặng, nhưng vẫn sẵn sàng "xắn tay áo" hiến máu cứu những bệnh nhân đang rất cần máu để duy trì sự sống. Rất nhiều y bác sĩ khác của chúng tôi ở bệnh viện bị nhiễm Covid-19, có đến hơn 200 bác sĩ nhiễm bệnh. Nhưng anh chị em không nghỉ ngơi mà xin xuống Bệnh viện điều trị Covid-19 (Hà Nội). Những người không nhiễm bệnh thì lên cơ sở 1 tại Đại học Y Hà Nội làm việc. Tôi rất cảm động! Chúng tôi không sợ Covid-19. Chúng tôi chỉ sợ người dân hoảng loạn, thiếu niềm tin.

Sức ép của chúng ta hiện nay là làm sao truyền thông để người dân tin tưởng thực hiện các hướng dẫn, khuyến cáo của ngành y tế. Chúng ta đã có hướng dẫn rất rõ ràng về điều trị Covid-19 tại nhà đối với người lớn như thế nào, đối với trẻ em như thế nào.

Rất mong người dân bình tĩnh, giảm sức ép đối với các nhân viên y tế để các bác sĩ tập trung cứu bệnh nhân nặng!" - PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu bày tỏ.

Đọc tiếp

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần