Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thầm lặng những chiến sĩ áo trắng

Trần Thảo
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong cuộc chiến đẩy lùi đại dịch Covid-19, lực lượng y tế, những chiến sĩ áo xanh, áo trắng đang ngày đêm thầm lặng tạo “lá chắn thép”, bảo vệ sức khỏe Nhân dân. Vất vả, khó khăn không thể kể siết nhưng họ đã nỗ lực, gồng mình vượt qua tất cả để hoàn thành sứ mệnh thiêng liêng mà Tổ Quốc giao phó.

Trực tiếp tham gia chống dịch từ đầu mùa dịch đến nay, bác sĩ Nguyễn Chí Thành – Trưởng khoa Kiểm soát bệnh tật và HIV/AIDS, Trung tâm y tế (TTYT) quận Đống Đa là người cảm nhận rõ nhất sự gian truân, vất vả mà lực lượng y tế dự phòng đang phải trải qua. Vẫn là công việc hàng ngày lặp đi lặp lại lấy mẫu, truy vết, khoanh vùng, dập dịch… nhưng ở thời điểm này, các hoạt động ấy tăng lên nhiều hơn, nhanh hơn khiến họ phải lao vào cuộc chiến gấp gáp hơn. Công việc cứ đến dồn dập, chưa truy vết xong mối nguy này, lại đến yếu tố nguy cơ khác…

Những ngày này, các nhân viên y tế nơi đây phải chia thành nhiều ca đi lấy mẫu bởi nếu lấy mẫu cả ngày thì họ không đủ sức. Ngày ít mẫu, đội chỉ lấy trong 1 - 2 giờ, ngày nhiều thì lấy mẫu trong 3 - 4 giờ, nhưng có hôm họ làm quá trưa, đến khi hết việc mới nghỉ. Mặc mồ hôi thấm ướt, họ vẫn thực hiện tất cả quy trình rất nhanh chóng, nhưng vẫn đảm bảo tỉ mẩn, nghiêm ngặt, độ chính xác đến tối đa.
“Những hôm thời tiết nắng nóng, chúng tôi cố gắng làm khoảng 3 - 5 giờ/ca để anh em nghỉ ngơi lấy lại sức. Vì những anh em đi lấy mẫu phải mặc bộ bảo hộ ngoài trời nóng rất khổ, mồ hôi nhiều, không được uống nước, dẫn đến mất nước, mất điện giải. Lấy mẫu xong, ai nấy đều mệt phờ, chỉ kịp bù nước, đói, tranh thủ ăn nhưng không có cảm giác ngon miệng vì đồ ăn đã nguội lạnh, người đã thấm mệt…
Đôi khi, lấy mẫu nhiều, chưa kịp thở, anh em đã phải lên đường gửi mẫu đến Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội (CDC) Hà Nội, hoặc chuyển sang các bệnh viện, đơn vị có chức năng làm xét nghiệm. Tùy thời điểm, có những đợt 30 quận, huyện cùng gửi mẫu, nếu lên sớm, nộp mẫu được ngay thì chúng tôi nhanh được về nhưng có hôm phải chờ đợi mất 4 - 5 tiếng mới nộp được mẫu, mãi đến đêm mới được về” – bác sĩ Thành tâm sự.

Đêm đã về khuya, khi đồng hồ điểm 22 giờ, vị bác sĩ ở tuổi 49 với giọng nói hào sảng, tuy chưa kịp ăn tối, nhưng vẫn nhiệt tình tiếp chúng tôi về câu chuyện chống dịch. Anh kể, hôm vừa rồi, quận Đống Đa huy động 30 đội, trong đó tăng cường 20 đội là sinh viên của trường Cao đẳng Y Hà Nội, 10 đội của các quận, huyện tăng cường hỗ trợ, kết hợp với các đội của quận lấy mẫu diện rộng ở 2 phường Văn Chương và Văn Miếu được gần 10.000 mẫu chỉ trong 1 ngày.
“Nếu thực sự không yêu nghề, có lẽ nhiều nhân viên y tế không theo được nghề, họ cũng oải dần với công việc, bởi theo sau đó là sự gian truân, vất vả, sự hiểu lầm của người dân với nhân viên y tế… Trong giai đoạn cả nước chống dịch, nếu cộng đồng không chung tay chống dịch, thực sự rất vất vả cho lực lượng y tế” – bác sĩ Thành giãi bày.
Trong 4 đợt dịch, với bác sĩ Thành, có lẽ đợt dịch thứ 4 là căng thẳng, vất vả và mệt mỏi nhất, bởi biến thể của virus lây lan nhanh, tốc độ mạnh, số lượng ca bệnh tăng lên nhiều. Gánh nặng, áp lực đè nặng, những đôi bàn tay nhăn nhúm, những vết hằn trên khuôn mặt đẫm mồ hôi bởi những bộ đồ bảo hộ kín mít, ngột ngạt, các y, bác sĩ đang làm việc gấp nhiều lần sức của mình, ngày đêm, đồng hành cùng người bệnh chiến đấu lại chủng virus nguy hiểm.

Hơn 1 năm qua, từ khi dịch Covid-19 bùng phát tại Việt Nam cho đến nay, do tính chất công việc nên những nhân viên y tế Thủ đô phải nhận nhiệm vụ bất cứ lúc nào, mọi lịch sinh hoạt, nghỉ ngơi đều bị đảo lộn. Từ khi nhận nhiệm vụ chống dịch, ở lại khoa làm việc, xa gia đình, xa vợ con, đằng sau mỗi ca trực, đâu đó, những người anh hùng áo xanh, áo trắng cũng thầm lau nước mắt, cũng chợt tranh thủ vài phút ngơi tay để nhớ nhung gia đình. Nhưng nhiệm vụ đã nhận, họ luôn cố gắng vững vàng để vượt qua, làm chỗ dựa tin cậy cho người bệnh, đồng lòng, quyết tâm đẩy lùi dịch bệnh.