Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tham vọng phi lý của Trung Quốc tại Biển Đông chưa dừng lại

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sự việc một máy bay quân sự của Trung Quốc lần đầu tiên hạ cánh trên đá Chữ Thập, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam cho thấy, tham vọng phi lý của Trung Quốc tại Biển Đông chưa dừng lại.

Hoạt động xây dựng đường băng trái phép của Trung Quốc trên đá Chữ Thập thuộc quần đảo  Trường Sa của Việt Nam.
Hoạt động xây dựng đường băng trái phép của Trung Quốc trên đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Ngày 18/4, trang nhất tờ nhật báo Quân Giải phóng nhân dân của Trung Quốc đưa tin, một máy bay quân sự nước này đang tuần tra trên Biển Đông đã hạ cánh xuống đá Chữ Thập, thuộc chủ quyền Việt Nam để đưa 3 công nhân tới đảo Hải Nam, Trung Quốc chữa trị. Đây là lần đầu tiên quân đội Trung Quốc công khai thừa nhận việc cho máy bay hạ cánh trên đá Chữ Thập. Tờ nhật báo Hoàn Cầu dẫn lời chuyên gia quân sự nước này ngang nhiên khẳng định, đường băng xây dựng trái phép tại đá Chữ Thập có thể phù hợp cho hoạt động cất cánh của các loại máy bay dân sự, máy bay chiến đấu và máy bay vận tải cỡ lớn, đáp ứng nhu cầu ứng phó khẩn cấp và tiếp tế vật tư trang bị trên đá này.

Đây không phải là lần đầu tiên Trung Quốc có các động thái gia tăng mức độ quân sự hoá và đơn phương leo thang căng thẳng tại khu vực Biển Đông. Hồi đầu tháng Một vừa qua, Bắc Kinh liên tục thử nghiệm hạ cánh ở đường băng xây dựng phi pháp trên đá Chữ Thập, bất chấp sự phản đối của Việt Nam. Đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam đã nhiều lần khẳng định, hành động của Trung Quốc đã xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Trường Sa, đồng thời yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay, không tái diễn các hành động tương tự.

Các động thái của Trung Quốc cũng đã bị nhiều quốc gia lên tiếng phản đối. Ngày 15/4, Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida đã trình “Sách Xanh Ngoại giao năm 2016” lên Nội các nước này, trong đó có nội dung bày tỏ quan ngại về tốc độ quân sự hóa nhanh chóng của Trung Quốc, cũng như việc Bắc Kinh xây dựng các tiền đồn và chủ trương sử dụng quân đội trong các vùng biển tranh chấp ở Biển Đông. Trong đó nêu rõ Nhật Bản phải "phối hợp với cộng đồng quốc tế để bảo vệ tự do hàng hải và hòa bình" trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng có hành động leo thang căng thẳng trên Biển Đông.

Nhật Bản cũng bày tỏ thái độ quan ngại sâu sắc về tranh chấp lãnh hải trên Biển Đông. Nội dung trong Sách Xanh Ngoại giao của Nhật Bản nêu rõ, các động thái của Trung Quốc tại Biển Đông có tác động không tích cực cho sự an toàn tuyến đường biển, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông. Không chỉ Nhật Bản, mới đây, đối tác lâu năm của Trung Quốc là Australia cũng bày tỏ thái độ phản đối các động thái của Bắc Kinh tại khu vực Biển Đông. Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull đã công khai phê phán các ứng xử bá quyền và ý đồ độc chiếm Biển Đông, “ỷ lớn hiếp nhỏ” của Trung Quốc trong việc giải quyết các tranh chấp trong khu vực. Australia cũng không giấu diếm chủ trương tăng cường quan hệ đồng minh quân sự chiến lược với Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Philipines về quân sự, quốc phòng và an ninh.

Các hành động của Bắc Kinh đã gây ra tác dụng phụ và cho thấy, Trung Quốc đang mất dần vị thế là một đối tác đáng tin cậy với các quốc gia láng giềng.